Trả lời kiến nghị của bà Nguyễn Thúy Hạnh - ứng viên ĐBQH độc lập - về việc phải cho ứng viên biết trước danh sách người tham dự hội nghị cử tri, đại diện chính quyền là Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) phường Thượng Đình và MTTQ phường Thanh Xuân bảo, luật “không có quy định” nên họ không đưa.
Bà Hạnh kiến nghị để luật sư và/hoặc trợ lý đi cùng ứng viên để có thể “đương đầu” với đám đông trong hội nghị cử tri do chính quyền tổ chức, MTTQ lại cũng bảo: “Không có quy định”, nên “bà chỉ được đến đó một mình”.
Ngay cả chồng, con bà Nguyễn Thúy Hạnh cũng không được vào dự phiên đấu tố, chưa nói tới bạn bè, người thân, độc giả và hàng trăm cử tri ủng hộ bà. Đồng thời, phiên đấu tố dự kiến kéo dài hai tiếng, song bà Hạnh chỉ được phép nói trong vòng... 5-6 phút (không rõ theo quy định nào)!
Nghĩa là ứng viên ĐBQH độc lập sẽ phải chịu trận ngồi nghe các cử tri (mà rất có thể là người xa lạ) cho ý kiến đánh giá và bỏ phiếu tín nhiệm/bất tín nhiệm họ suốt hai tiếng, không có cơ hội trình bày lại.
"Luật không quy định" = cấm?!
Ai có chút ít kiến thức về luật pháp, chính trị, triết học chính trị, v.v. đều biết một nguyên tắc nổi tiếng: “Công dân có thể làm bất kỳ cái gì trừ phi cái đó bị luật pháp cấm; quan chức chính quyền không được làm bất kỳ cái gì trừ phi cái đó được luật pháp cho phép”.
Nhưng cán bộ MTTQ - đại diện chính quyền Việt Nam - thì đến nguyên tắc đó cũng không biết. Đối với họ, luật không quy định, nghĩa là cấm.
Vậy luật pháp Việt Nam có quy định các công dân là cán bộ MTTQ được ăn, ngủ, và làm một số việc khác (không tiện nói) không?
Với ứng viên Đảng cử thì bao giờ cũng là
"100% nhất trí, tín nhiệm ông A/bà B" làm ĐBQH.
Với ứng viên tự do thì bao giờ cũng là
"không đủ tư cách, không đủ năng lực làm đại diện cho dân".
---------
Chú thích:
Bản kiến nghị đề ngày 4/4/2016 của các ứng viên như Nguyễn Thúy Hạnh, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Xuân Diện... phản ánh tình trạng chung của các cuộc hội nghị cử tri vừa qua như sau:
- Thành phần tham dự do Mặt trận Tổ quốc, tổ dân phố sắp xếp và chủ động mời từ trước, ứng viên không được biết danh sách. Cá biệt có trường hợp chính ứng viên cũng không được mời.
- Có những cử tri ở tổ dân phố khác cũng được huy động vào họp, trong khi nhiều cử tri ở chính tổ dân phố của ứng viên thì không tham dự.
- Cử tri biến hội nghị tiếp xúc thành nơi họ chỉ trích, lên án ứng viên một cách thô bạo, vì những lý do vặt vãnh và vô căn cứ (như không sinh hoạt tổ dân phố thường xuyên, trẻ quá nên không đáng được tín nhiệm...), và nhất là những lý do không ăn nhập gì với các tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội đã được luật định.
- Ứng viên không được tạo điều kiện để trao đổi lại với cử tri mà hoàn toàn phải lắng nghe, “chịu trận” đấu tố.
- Ứng viên bị ngăn cản, bị cấm phát tài liệu công bố tiểu sử và chương trình hành động của mình cho cử tri.
- Có dấu hiệu cho thấy có sự can thiệp, định hướng để cử tri bỏ phiếu “không tín nhiệm” ứng viên.
- Việc kiểm phiếu không được tiến hành công khai, minh bạch, và không có sự giám sát của những cá nhân/ tổ chức độc lập.
- Kiểm phiếu kín, không cho đại diện của ứng cử viên tham gia giám sát kiểm phiếu nên đưa đến số phiếu tín nhiệm thấp một cách đáng ngờ đối với các ứng viên độc lập.
Các ứng viên độc lập yêu cầu các cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 "phải thực hiện và đảm bảo" rằng:
1. Danh sách cử tri tham gia hội nghị tiếp xúc cử tri được thông báo đến ứng viên ít nhất 01 ngày trước khi hội nghị diễn ra.
2. Ứng viên có quyền giám sát người trình bày ý kiến trong hội nghị xem người đó là ai, có đích xác là người của tổ dân phố nơi ứng viên cư trú hay không;
3. Ứng viên có cơ hội giới thiệu cá nhân, nêu chương trình hành động, và trình bày ý kiến của mình nhằm trao đổi lại với các ý kiến phê bình, chỉ trích.
4. Hội nghị tiếp xúc cử tri có luật sư và/hoặc trợ lý của ứng viên tham gia.
5. Quá trình kiểm phiếu diễn ra công khai, có sự giám sát của các bên liên quan.