Saturday, 30 July 2016

Bạo dạn xó bếp

Hễ mình nói lực lượng công an Việt Nam bạo dạn xó bếp, ăn hại, chỉ phá là giỏi, thì các anh chị em bên an ninh lại bức xúc.

Nhưng mà sự thật nó là như thế.

Sự cố ở các sân bay quốc tế Việt Nam chiều nay (29/7) chẳng phải là lần đầu tiên hacker Trung Quốc tấn công Việt Nam. Ngay trong đợt cao điểm căng thẳng giữa hai nước, hồi tàu Bình Minh II của Petro Vietnam bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp, tháng 6/2011, chiến tranh mạng đã diễn ra giữa hacker hai bên, mà chủ yếu là Tàu đánh Việt: Hàng trăm website của Việt Nam bị hacker Trung Quốc xâm nhập, đánh phá, kể cả trang web của Trung tâm biên phiên dịch thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Từ bấy đến nay, và cả trước đấy, không biết tin tặc Trung Quốc đã tấn công Việt Nam bao nhiêu lần và gây bao nhiêu thiệt hại, tổn thất rồi.

Nói đâu xa: Là một tập đoàn lớn, chịu trách nhiệm về một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước là dầu khí, nhưng Petro Vietnam gần như luôn phải vận hành với tâm lý toàn bộ chiến lược, kế hoạch thăm dò khai thác, sản xuất kinh doanh của tập đoàn có thể rơi vào tay Trung Quốc bất cứ lúc nào.

Nhưng hễ ta hỏi các chiến sĩ trong lực lượng an ninh tinh nhuệ và anh hùng của Việt Nam – những người vẫn canh nhà ta, lôi cổ ta về đồn bất kỳ lúc nào, thẩm vấn ta với nụ cười bí hiểm kiểu “chúng tôi biết hết rồi”, đọc trộm email, chat và nghe trộm điện thoại của ta hàng giờ – là sao các anh các chị không lo đối phó với Trung Quốc đi, để tình báo Hoa Nam, tin tặc Trung Quốc hoạt động trên đất Việt Nam, trên mạng Việt Nam như chỗ không người thế này…

Thì câu trả lời bao giờ cũng sẽ là: “Chúng tôi ở đơn vị này nên không rõ. Có đơn vị khác lo việc ấy rồi”, hoặc “Lực lượng ta mỏng, điều kiện còn nhiều khó khăn”.

Mình biết mà. Cứ làm cái gì liên quan đến chống Trung Quốc (ví dụ: chống buôn lậu, chống nạn lao động nhập cư trái phép gây rối ở Việt Nam, chống tình báo Hoa Nam, chống tin tặc và các loại tặc khác v.v.) là an ninh Việt Nam “lực lượng mỏng”, “điều kiện cơ sở vật chất-kỹ thuật còn yếu kém”, “có bộ phận khác lo rồi” ngay.

Các anh chị ấy thực sự là chỉ giỏi đánh phá, quấy rối phản động thôi. (Thật ra mà nói thì đánh đám phản động ở Việt Nam dễ hơn, giải ngân cũng dễ hơn nhiều so với đương đầu, chống lại các đồng nghiệp và thầy học bên nước bạn).

Ấy gọi là bạo dạn xó bếp đấy.

Thursday, 28 July 2016

Nhân chuyện nhà báo Lê Bình bị tố ăn cắp

Nhân chuyện nhà báo Lê Bình (VTV) bị tố ăn cắp phóng sự của đồng nghiệp nước ngoài, mình mới vui vẻ kể cho các bạn nghe mấy câu chuyện này.

Trước hết phải nói là, thật ra, việc ăn cắp sản phẩm thuộc sở hữu trí tuệ – tức đạo văn, đạo nhạc, đạo hình ảnh, đạo ý tưởng… – là chuyện dễ xảy ra hơn nhiều so với ăn cắp những thứ mang tính vật chất, hữu hình như tiền, xe máy, quần áo, giày dép, v.v. Có lẽ bởi vì khi đạo các sản phẩm vô hình, thuộc sở hữu trí tuệ của người khác, người ta không thấy ngại hoặc sợ như khi lấy đồ đạc. Thậm chí người ta có thể xài bài vở, âm nhạc, ảnh… của người khác một cách rất tự nhiên mà không nghĩ là mình đang ăn cắp. Điều này đặc biệt đúng ở những nơi mà nền giáo dục, truyền thông, đạo đức và luật pháp đều chưa tạo được cho công dân ý thức tôn trọng sở hữu trí tuệ.

Nói vậy để đi đến ý tiếp theo là, ở Việt Nam, nạn ăn cắp sở hữu trí tuệ trong làng báo, làng văn nghệ sĩ, chắc cũng nhiều như móc túi, ăn cắp xe máy, trộm chó… trong phần còn lại của xã hội.

(Nói đến đây là phải sờ gáy ngay xem mình đã đạo văn đạo báo bao giờ chưa. Thời Internet, không thể giỡn mặt độc giả, khán giả được - cái này Lê Bình và các đại nhà báo cách mạng nên ghi nhớ).

Yên tâm rồi mới tiếp tục: Cá nhân mình đã không biết bao nhiêu lần là nạn nhân của các vụ đạo văn, đạo báo (đạo ý tưởng thì thôi, không tính) kể từ khi đi làm báo đến nay.

Chẳng hạn, năm 2001, chương trình Thời sự 19h của VTV đã “xơi” nguyên bản text của mình trong một phóng sự về vụ mấy cựu binh Mỹ trở lại Mỹ Lai.

Tới năm 2009, hồi mình làm ở VNN, một bài viết của mình về chuyện dịch một số ca khúc Liên Xô sang tiếng Việt (đăng nhân dịp 7/11) cũng “hân hạnh” được một nhà báo (nam) nổi tiếng luộc nguyên con gần một năm sau đó, chỉ sửa mỗi tên tác giả. Khi biết thì mọi sự đã rồi, mình cũng bận nên tặc lưỡi cho qua, chỉ hơi bực vì hình như bạn đọc ai cũng tưởng tác giả bài báo là nhà báo nổi tiếng kia.

Đầu tháng 2/2011, mình viết bài “‘Thời thanh niên sôi nổi’ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, đăng trên tờ Sinh Viên Việt Nam số Tết Tân Mão. Mùa thu năm 2013, ông Giáp mất, lúc ấy mình đang ở nước ngoài. Một tờ báo mạng nào đó (không nhớ tên) bèn cóp nguyên bài của mình về trang nhà và đổi tên mình thành “Sưu Tầm”. Mình “có ý kiến” trên facebook, liền bị phóng viên của tờ báo đó vào Diễn đàn Nhà báo trẻ mắng cho một trận, đại ý là “có giỏi thì liên hệ với cơ quan tôi mà kiện tụng, mà đòi bản quyền, chứ chúng tôi lại phải hỏi ý kiến bạn rồi mới được đăng bài bạn à?”.

Cũng chưa nản bằng lần khác, quãng đầu 2014, một tờ báo rất lớn đã lấy một bài dịch của mình về đấu pháp của quân đội miền Bắc Việt Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Chuyện kỳ quặc ở đây là, chính phóng viên của báo yêu cầu tòa soạn phải để tên dịch giả (là mình), nhưng tòa soạn gạt đi vì tên mình quá phản động; sau đấy vì phóng viên cứ ý kiến ý cò mãi, tòa soạn… lấy luôn tên phóng viên đó đặt vào bài báo đó. Cho mày hết ý kiến nhá, hễ con Đoan Trang nó kiện thì mày giơ mặt ra mà chịu, ai bảo mày tự nhận là đồng nghiệp của nó.

Mình vừa bực vừa buồn cười, bèn nảy ra một ý là, kể từ đó, các bài viết của mình đều chỉ xoay quanh các chủ đề “nhạy cảm” như nhân quyền, dân chủ, công lý, Biển Đông. Đồng thời, bất cứ khi nào có thể, mình đều chửi chế độ thật lực, nhất là tấn công vào sự yếu kém về nghiệp vụ và tệ hại về nhân cách của lực lượng công an…

Thế là kể từ đó, các bài viết của mình không bao giờ bị báo lề phải đạo nữa.

Tuesday, 19 July 2016

Thông điệp bán nước

Đây là quang cảnh ở hai con phố trung tâm của Hà Nội, nhìn ra Bờ Hồ, sáng chủ nhật 17/7/2016.


Ảnh: Trịnh Minh Hiển

Bạn. Nếu bạn là một người hoàn toàn chưa biết gì về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và quan hệ Việt-Trung (có thể là người Việt ở trong nước, người Việt xa xứ, hoặc một công dân nước ngoài), bạn sẽ nghĩ gì về thông điệp của Việt Nam đến thế giới, nếu:

- Trung Quốc bị Philippines, một nước Đông Nam Á, kiện ra Tòa án Quốc tế vì một loạt hành vi vi phạm luật quốc tế: ngang nhiên đòi chiếm 85-90% Biển Đông với một “đường lưỡi bò” không tọa độ, cho tàu thuyền vào đánh cá ở vùng biển của nước khác, đe dọa tàu bè nước khác, phá hoại môi trường biển, khai thác vô tội vạ cả những sinh vật quý hiếm, sắp tuyệt chủng. Trung Quốc bị Tòa xử thua, đường lưỡi bò bị tuyên vô giá trị.

- Một số người dân Việt Nam muốn đến Đại sứ quán Philippines để chúc mừng: An ninh Việt Nam đe dọa, ngăn cản, không cho tiếp cận.

- Một số người dân Việt Nam muốn đến Bờ Hồ – khu vực công cộng – để bày tỏ quan điểm ủng hộ phán quyết của Tòa án Quốc tế, kêu gọi sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp: Công an phối hợp với những kẻ đeo băng đỏ (không biết là lực lượng nào và có chức năng gì) bắt sạch, hốt sạch, tống lên xe buýt đưa về các đồn khác nhau, trong khi họ thậm chí còn chưa kịp tụ tập.

- Các tờ báo đại diện cho công an tung ra những bài lăng mạ người biểu tình, kêu gọi dân chúng cảnh giác với những người đang có “âm mưu” ra Bờ Hồ để bày tỏ chính kiến ủng hộ Tòa án Quốc tế và luật pháp quốc tế.

- Quỹ Nghiên cứu Biển Đông – một tổ chức XHDS “không giấy phép”, thành lập năm 2008, tập hợp những chuyên gia, học giả trong nước và hải ngoại quyết tâm đấu tranh vì “công lý và hòa bình trên Biển Đông” – liên tục bị theo dõi, sách nhiễu, bị đối xử như một “ổ phản động, chống phá nhà nước”. Một trong các thành viên đầu tiên của nó, LS. Lê Công Định, ngồi tù 5 năm. Một thành viên khác của Quỹ, là người đang viết những dòng này, thì có thời kỳ gần như tuần nào, tháng nào cũng phải lên đồn để trả lời các câu hỏi của CA về nó.

- No-U, câu lạc bộ bóng đá “nói không với đường lưỡi bò”, liên tục bị đàn áp về thể chất, nhục mạ về tinh thần, suốt gần 5 năm kể từ khi thành lập (30/10/2011). Họ bị an ninh và dư luận viên căm ghét, coi như kẻ thù, bởi sân bóng No-U 5 năm qua đã trở thành điểm tập kết cho những người cùng chủ trương “xóa đường lưỡi bò, bảo vệ Tổ quốc”.

- Hai ngày trước khi Tòa ra phán quyết cuối cùng, vào tối 10/7/2016, một trong các thành viên tích cực nhất của No-U, anh Lã Việt Dũng, bị “côn đồ” đánh chảy máu đầu. “Tội” của anh có thể là trước đó, anh đã hô to “Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam” khi cùng một số thành viên No-U ngồi uống bia sau trận bóng chiều chủ nhật hàng tuần.

- Và chỉ hai ngày sau khi Tòa ra phán quyết cuối cùng, vào ngày 14/7/2016, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam họp với người đồng nhiệm Trung Quốc để đề nghị “thời gian tới, Chính phủ hai nước cùng tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai hiệu quả nhận thức chung cấp cao và kết quả đạt được trong Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc; duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao thường xuyên nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy chính trị, cùng nhau thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất phát triển cân bằng, lành mạnh”.

BẠN NÓI ĐI, BẠN SẼ NGHĨ GÌ?

Monday, 18 July 2016

6 điểm cơ bản bạn cần biết về vụ kiện Biển Đông (kỳ 1)

Nhằm giúp bạn đọc tìm hiểu một cách nhanh nhất về vụ án Philippines kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế và được xử thắng, Luật Khoa Tạp chí xin giới thiệu bài viết sau đây, trong đó tác giả cố gắng tóm lược lại tiến trình vụ án, lập luận của hai bên và phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA).

Phạm Đoan Trang

1. Tiến trình tố tụng

Vụ án bắt đầu vào ngày 22/1/2013 khi Philippines gửi Trung Quốc một Thông báo (Notification) và một Tuyên bố Yêu sách “về tranh chấp với Trung Quốc xung quanh quyền tài phán của Philippines ở biển Tây Philippines” (tức là Biển Đông trong tiếng Việt, biển Nam Trung Hoa theo cách gọi quốc tế. Trong bài này, người viết xin gọi chung là Biển Đông).

Sự kiện này xảy ra sau khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi đá cạn Scarborough – một rạn san hô nằm cách bờ biển Philippines khoảng 140 dặm (tương đương 225 km).

Trong Thông báo gửi Trung Quốc, Philippines cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật quốc tế khi cho tàu thuyền vào đánh bắt cá, đe dọa tàu thuyền Philippines và không bảo vệ môi trường, cụ thể là hút cát và trầm tích dưới đáy biển lên để xây đảo nhân tạo trên một vài rạn san hô trong Biển Đông, trong đó có Scarborough mà Philippines khẳng định là nằm trong vùng biển của mình.

Philippines cũng yêu cầu tòa án quốc tế bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, đòi toàn bộ vùng biển nằm bên trong một đường chín đoạn. Xuất hiện trên bản đồ chính thống của Trung Quốc, đường chín đoạn này có hình dạng như cái lưỡi bò, bao trùm khoảng 85-90% Biển Đông, tức là tương đương diện tích nước Mexico, và đây cũng là vùng biển có tính chất quan trọng sống còn đối với thương mại toàn cầu, đặc biệt rất giàu tài nguyên, khoáng sản, kể cả dầu mỏ.

2. Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia tố tụng

Ngày 19/2/2013, Trung Quốc gửi cho Philippines một công hàm mô tả “lập trường của Trung Quốc về các vấn đề biển Nam Trung Hoa”, bác bỏ và trả lại Thông báo của Philippines. Theo đó, Trung Quốc không chấp nhận và cũng không tham gia tiến trình tố tụng.

Bắc Kinh đã nhiều lần nhắc lại lập trường này trong các công hàm, tuyên bố, thư từ của Đại sứ nước CHND Trung Hoa tại Hà Lan gửi các thành viên của Tòa án, cũng như trong văn bản có tên “Tham luận nêu lập trường của CHND Trung Hoa về vấn đề quyền tài phán trong vụ kiện liên quan đến biển Hoa Nam do CH Philippines khởi xướng”, đề ngày 7/12/2014.

Bắc Kinh quả thật đã hành động đúng như lập trường của họ: Không tham gia tố tụng. Đồng thời, họ nêu rõ rằng các tuyên bố, hồ sơ, tài liệu, văn bản nêu lập trường đều “không bao giờ được diễn giải thành sự tham gia của Trung Quốc vào tiến trình tố tụng dưới bất kỳ hình thức nào”.

Đội ngũ pháp lý của Philippines trong vụ kiện.
Ảnh: The Diplomat.

3. Trung Quốc: Là tranh chấp chủ quyền / Philippines vi phạm thỏa thuận

Trong “tham luận lập trường” đề ngày 7/12/2014, Bắc Kinh khẳng định: “Quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa trong tiếng Việt – NV) của Trung Quốc hoàn toàn có đủ tư cách để có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa”.

Bắc Kinh khẳng định Tòa án không có quyền tài phán trong vụ việc này. Tham luận viết, bản chất của vụ án là vấn đề chủ quyền đối với một số cấu trúc hàng hải trên biển Nam Trung Hoa, và như thế là nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (sau đây gọi tắt là “Công ước”), không liên quan đến việc diễn giải và vận dụng Công ước:

“Chỉ sau khi chủ quyền của một nhà nước đối với một cấu trúc hàng hải đã được xác lập, và nhà nước ấy đã có tuyên bố chủ quyền tương ứng, thì mới có thể có chuyện nảy sinh tranh chấp liên quan đến việc diễn giải hay vận dụng Công ước – đó là khi mà một nhà nước khác đặt câu hỏi về việc liệu các yêu sách kia có tuân thủ Công ước hay chưa, hoặc liệu yêu sách của các bên có đang chồng lấn. Nếu chủ quyền đối với một cấu trúc hàng hải còn chưa được xác quyết, thì không thể tồn tại tranh chấp cụ thể, thực sự để mà phải đưa ra trọng tài phân xử xem các yêu sách chủ quyền của nhà nước nọ đối với một cấu trúc hàng hải như vậy có phù hợp với Công ước hay không”.

Diễn giải đơn giản là: Nếu không biết những miếng đất/đá nào đó thuộc về ai, thì không thể dùng Công ước để tuyên bố chủ quyền với những vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải xung quanh những miếng đất/ đá ấy. Tòa cũng không có quyền xác định xem những miếng đất/đá đó thuộc về ai (bởi Công ước chỉ xử lý tranh chấp trên biển chứ không xử lý tranh chấp đất).

Trung Quốc cũng tố ngược lại Philippines là hành xử phi pháp khi kiện Trung Quốc ra trọng tài quốc tế, vì vào năm 1995, hai nước đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp “một cách ôn hòa và hữu nghị thông qua cơ chế tham vấn”. Năm 1999, 2000, 2001, hai nước tiếp tục có những tuyên bố chung khẳng định việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thông qua tham vấn và đàm phán. Tuyên bố chung về Ứng xử của Các Bên trên Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN cũng quy định như vậy.

4. PCA: Tranh chấp có liên quan đến diễn giải và vận dụng Công ước

Ngày 29/10/2015, Tòa án ra phán quyết về quyền tài phán và thụ lý, theo đó, Tòa thấy rằng:
  • Tòa được thành lập đúng, phù hợp với Phụ lục VII của Công ước;
  • Sự vắng mặt của Trung Quốc trong quá trình tố tụng không làm cho Tòa mất quyền tài phán;
  • Hành động khởi kiện của Philippines không vi phạm tiến trình tố tụng;
  • Không có bên thứ ba nào là “không thể thiếu được” đến mức sự vắng mặt của họ có thể làm Tòa mất quyền tài phán;
  • Căn cứ Điều 281, 282 của Công ước, thì Tuyên bố về Ứng xử của Các Bên trên Biển Đông (DOC), Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á, Công ước về Đa dạng Sinh học, v.v. không ngăn cản việc phải có một thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc;
  • v.v.
Điều đó nghĩa là, dù Trung Quốc vắng mặt, Tòa vẫn tiếp tục tiến trình tố tụng. Cơ sở luật pháp của việc này là, Điều 9, Phụ lục VII của Công ước quy định: “Sự vắng mặt của một bên, hoặc việc một bên không tự bảo vệ mình trong vụ án, đều không cấu thành sự cản trở tiến trình tố tụng”.

Cũng theo Công ước, một tòa án được xác lập theo Phụ lục VII thì có quyền tài phán – nôm na là có thẩm quyền – để xét xử tranh chấp giữa các nhà nước tham gia Công ước nếu như tranh chấp đó có liên quan đến việc “diễn giải hoặc vận dụng” Công ước.

Kết luận là Tòa có quyền tài phán.

Theo đúng quy định trong Điều 5 Phụ lục VII về nghĩa vụ của tòa, “đảm bảo bên nào cũng có cơ hội đầy đủ để được lắng nghe và trình bày vụ việc”, Tòa án đã cập nhật cho Trung Quốc về tất cả các diễn biến, nêu rõ rằng tiến trình tố tụng luôn để ngỏ để Trung Quốc có thể tham gia bất kỳ lúc nào, và mời Trung Quốc bình luận về bất cứ điều gì được đưa ra trong tiến trình.

(Còn tiếp)

--------

Tài liệu tham khảo:


Thursday, 14 July 2016

Tuyên truyền về chủ quyền: Sự bài bản của Trung Quốc và sự ngu dốt của "Đảng ta"

Vào những ngày 26-27/1/2011, các nhà hải dương học Trung Quốc đã nhóm họp tại một hội nghị ở Thượng Hải để thảo luận về một dự án có tên là “Biển Hoa Nam sâu thẳm” (South China Sea-Deep). Mục đích của dự án là thăm dò, khám phá Biển Đông, nơi mà Trung Quốc gọi là biển Hoa Nam hay biển Nam Trung Hoa.

Theo một bài viết trên tờ The Economist ngày 10/2/2011, tổng kinh phí cho “Biển Đông sâu thẳm” là 150 triệu Nhân dân tệ (tương đương 22 triệu USD), được chi trả trong vòng 8 năm. Dự án do Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia– một cơ quan Nhà nước có trụ sở tại Bắc Kinh – thực hiện. Quỹ này không phải đơn vị duy nhất của Trung Quốc nghiên cứu về hải dương học: The Economist cho biết Trung Quốc cũng sẽ chi 400 triệu Nhân dân tệ (khoảng 58 triệu USD) để mở một trung tâm công nghệ hàng hải ở Thanh Đảo, và đầu tư tới 1,4 tỷ Nhân dân tệ (hơn 200 triệu USD) xây dựng một mạng lưới đài quan sát đáy đại dương tương tự như chương trình Neptune của Canada và Sáng kiến Đài Quan sát Hải dương của Mỹ.

Điều đáng chú ý là, cả ba dự án trên cũng không phải là một vài dự án nghiên cứu Biển Đông lẻ tẻ của Trung Quốc, mà chỉ là một phần trong công cuộc nghiên cứu và tuyên truyền về biển đảo, chủ quyền lãnh thổ, v.v. từ những năm 50 của thế kỷ trước và ngày càng tiến hành một cách bài bản, đồng bộ hơn.

Đặc điểm nổi bật trong hoạt động nghiên cứu và tuyên truyền của Trung Quốc là sự đồng bộ và toàn diện từ Trung ương xuống địa phương, và nhất quán giữa truyền thông chính thống (tức báo chí quốc doanh) và phi chính thống (tức mạng xã hội).

Từ trung ương xuống địa phương

Ông Phạm Hoàng Quân – một trong số rất ít người ở Việt Nam hiện nay (có thể đếm trên đầu ngón tay) nghiên cứu về cổ sử Trung Quốc – cho biết, Trung Quốc thực hiện nghiên cứu và phổ biến kết quả nghiên cứu về chủ quyền biển đảo trên ba cấp: Trung ương, địa phương (tỉnh thành), và hệ thống trường đại học.

Ở cấp Trung ương, Trung Quốc có hẳn một viện nghiên cứu rất lớn về Biển Đông là “Trung Quốc Nam Hải Nghiên cứu Viện”, và nhiều cơ quan trực thuộc Trung ương khác như: Sở Nghiên cứu Nam Hải (Viện Khoa học Trung Quốc), Bộ Tư lệnh Hải quân, Sở Nghiên cứu Tình báo Khoa học Kỹ thuật Hải dương… Hoạt động thường xuyên của các cơ quan này là tiến hành nghiên cứu, biên soạn tài liệu, tổ chức hội thảo v.v. về chủ quyền biển đảo. Ngay từ năm 1975, Viện Nghiên cứu Biển Đông đã xuất bản “Báo cáo sơ bộ về việc điều tra tổng hợp khu vực quần đảo Tây Sa” (tức Hoàng Sa, theo cách gọi của Trung Quốc).

Ở cấp tỉnh, mỗi tỉnh ven biển Trung Quốc đều có nhiều cơ quan nghiên cứu về biển đảo. Hoạt động mạnh nhất có lẽ là các cơ quan thuộc Quảng Đông, Phúc Kiến. Tháng 9 năm 1974, Bảo tàng Lịch sử Quảng Đông đã in “Hiện vật khảo cổ Tây Sa”. Năm 1976, Sở Ngoại vụ Quảng Đông tung ra một loạt tài liệu: “Địa lý các đảo Nam Hải”, “Vấn đề đối ngoại của nước ta về các đảo Nam Hải”, “Khái luận về chủ quyền của nước ta đối với các đảo Nam Hải”, v.v.

Ở các trường đại học, chẳng hạn Đại học Hạ Môn trong hai năm 1975-1976 đã xuất bản trọn bộ sáu cuốn “Tổng hợp sử liệu các đảo Nam Hải nước ta”. Khoa Địa lý Đại học Sư phạm Hoa Nam xuất bản cuốn “Nghiên cứu địa danh các đảo Nam Hải” (1983). Đại học Trung Sơn xuất bản nghiên cứu chuyên đề về “Lịch sử địa lý quần đảo Nam Sa” (1991). Các tác phẩm đều được dịch sang tiếng Anh để đưa ra thế giới.

Bên cạnh đó, các cơ quan Trung Quốc cũng tiến hành dịch công trình nghiên cứu của nước ngoài sang tiếng Trung để giới khoa học tham khảo. Chẳng hạn, Tập san Sử Địa, chuyên đề về Hoàng Sa - Trường Sa, của Việt Nam ra đời năm 1974 thì năm 1978 có bản tiếng Trung. Cuốn “Đất nước Việt Nam qua các đời” của học giả Đào Duy Anh (không nhắc tới Biển Đông) cũng được Trung Quốc dịch sang Trung văn với tựa đề “Việt Nam cương vực sử”.

Từ báo chí chính thống đến mạng xã hội

Chính quyền Trung Quốc huy động cả báo chính thống lẫn mạng xã hội vào cuộc “đấu võ mồm” để tranh giành biển đảo với các nước. Báo chí chính thống có những tờ như Nhân Dân nhật báo, hay một tờ khét tiếng chống Việt Nam lâu nay là Hoàn Cầu thời báo. Mạng xã hội thì có Sina Weibo (tương tự như Twitter hay Facebook).

Khi cần “chiến” với Việt Nam, Trung Quốc sẵn sàng huy động tổng lực cả hai loại. Thật là giống với cách làm của an ninh Việt Nam, hay nói đúng hơn, với nhà nước công an trị ở Việt Nam: Khi cần “đấu tranh với các thế lực thù địch”, Nhà nước huy động cả các cơ quan ngôn luận chính thức như báo Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, An Ninh Thủ Đô v.v. lẫn đội ngũ dư luận viên phủ sóng trên mạng bằng hàng chục blog và hàng nghìn comment từ mỉa mai, khiêu khích tới mạt sát, chửi rủa. Tiếc là đội ngũ dư luận viên của công an và tuyên giáo Việt Nam chỉ giỏi phồng mang trợn mắt lăng nhục, ngậm máu phun… đồng bào mình thôi chứ chưa bao giờ dám “oanh tạc” nước bạn - ngoại ngữ và trình độ là cả một vấn đề.

Sau sự kiện tàu Bình Minh II của Petro Vietnam bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp, vào tháng 6/2011, một cuộc chiến tranh mạng đã diễn ra giữa hacker của cả hai bên, phía Việt Nam có vẻ bại trận: Hàng trăm website của Việt Nam bị hacker Trung Quốc tấn công, kể cả trang web của Trung tâm biên phiên dịch thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Xem ra bắt nạt, hành hạ người trong nhà mình bao giờ cũng dễ hơn đương đầu với thằng hàng xóm to xác, xấu tính.

Cần hiểu rằng việc Bắc Kinh bật đèn xanh, thậm chí chủ động huy động blogger vào cuộc chiến truyền thông trên mạng để khẳng định chủ quyền, là một cách làm rất khôn ngoan: Họ luôn luôn có thể nói rằng đó là quan điểm của dân, không nhất thiết của chính quyền, và chính quyền không thể can thiệp, cấm cản. Nói cách khác, blogger Trung Quốc cứ việc chửi bới Việt Nam thả giàn mà chẳng làm sao cả.

Nhìn về Việt Nam mà đối chiếu, ta sẽ thấy một sự thật cay đắng: Nhà nước công an trị Việt Nam thẳng tay đàn áp các blogger có tinh thần chống Trung Quốc quá mạnh và có ảnh hưởng tới cộng đồng. Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Bọ Lập, Phạm Viết Đào, Ba Sàm, No-U Hà Nội… là những ví dụ nhãn tiền. Nói cách khác, lẽ ra phải để blogger – kênh truyền thông không chính thống – lên tiếng mạnh mẽ, càng mạnh càng tốt, thậm chí nói thay phần nhà nước ở những khía cạnh ngoại giao quá phức tạp, thì Đảng và Nhà nước làm ngược lại: phá biểu tình, đánh đập, bắt người. Trong rất nhiều trường hợp, công an Việt Nam, thay mặt cho Đảng và Nhà nước, đã phá hoại thông điệp chung về bảo vệ chủ quyền và công lý, vốn rất cần được phổ biến ra cộng đồng quốc tế.

Thật là không chỉ tàn ác mà còn ngu dốt nữa.

Thanh niên Trung Quốc biểu tình chống Nhật Bản. 

Còn đây là một thanh niên Việt Nam 
đang biểu tình chống người biểu tình chống Trung Quốc.

---------

(*) Người viết xin để bạn đọc tự đánh giá cách hành xử của Đảng và Nhà nước là "ngu dốt" hay "bán nước". Cá nhân tôi muốn dùng từ nhẹ hơn, nên gọi đó là "sự ngu dốt".

Sunday, 3 July 2016

Từ "thỏa thuận 500 triệu USD", nghĩ đến căn bệnh thủ dâm tinh thần mãn tính

Nhìn vào câu chuyện “Formosa cúi đầu nhận tội và cam kết bồi thường 500 triệu USD” , cũng như nhìn những phát biểu của một số đại nhà báo, kiểu “đòi được 500 triệu đôla rồi còn muốn gì nữa”, chúng ta có thể nhớ tới một vụ việc khác có nhiều nét tương tự, đó là Hiệp định biên giới trên bộ năm 1999 và Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ năm 2000, giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc.

Có lẽ rất ít người hiểu được nội dung cũng như ý nghĩa của hai hiệp định này. Thời gian đó (những năm 2000-2001), trong nước chưa có báo điện tử (VnExpress thành lập ngày 26/2/2001 nhưng chưa được công nhận là báo), trên mạng cũng có vài trang web tin tức như BBC Việt Ngữ, Hận Nam Quan, Ý kiến… nhưng bị chặn tường lửa dày đặc. Vấn đề là lâu lâu lại thấy lãnh đạo hai nước tổ chức một lễ cắm mốc biên giới, treo cờ kết hoa, bắt tay nhau tíu tít bên cột mốc. Rồi lại thấy một quan chức nhà nước nào đó lên báo hoặc tham dự hội thảo mà phát biểu, đại ý: Quá trình đàm phán diễn ra rất phức tạp, bên bạn yêu cầu thế này, bên ta bác bỏ và đề nghị thế kia… Bổ sung thêm vào đó là một loạt những khái niệm, những thuật ngữ kỹ thuật lắt léo, lằng nhằng, liên quan đến công tác phân định biên giới. Thật sự là một trận hỏa mù mờ mịt mà chắc chỉ các dư luận viên “duy lý, yêu nước sáng suốt, không a dua bầy đàn” ngày nay mới nắm bắt được đúng sai.

Không mấy ai hiểu, nhưng nghe quan chức hồ hởi thông báo như thế thì đa số người ta cũng “à, ừ, à thế à, ồ thì ra thế”. Đại khái là ta đàm phán thành công, ta không mất đất, nếu có cũng mất ít thôi, nhờ ta đàm phán khéo đấy chứ lẽ ra phải mất nhiều hơn, không phải chỉ có 300 kilomet (?) đâu. Tóm lại là thành tựu, thành tựu!

Năm 2016 này, có vẻ như câu chuyện lại lặp lại. Đàm phán diễn ra bí mật giữa Formosa và đại diện Chính phủ Việt Nam mà chủ chốt là Bộ Công an, kèm thêm Bộ Tài Môi và vài thành phần khác. Tinh thần của công tác định hướng dư luận, cho đến phút cuối, vẫn là phải nêu bật việc “đàm phán thành công, Formosa nhận trách nhiệm, cúi đầu xin lỗi và cam kết bồi thường 500 triệu USD”. Trong lịch sử, chưa từng bao giờ có một doanh nghiệp nước ngoài lớn như thế phải cúi đầu nhận tội ngay tại họp báo và bồi thường nửa tỉ Mỹ kim như thế, ta đàm phán giỏi quá! Chứ nếu nó chối hết, nó gạt hết, không đền bù thiệt hại thì làm gì được nó, thậm chí giới đầu tư nước ngoài nhìn vào đó lại lũ lượt kéo nhau đi khỏi Việt Nam thì mới thật sự là chết, chết, chết…

Tuy nhiên, câu chuyện chỉ lặp lại một phần. Kỳ này, có lẽ Đảng và Nhà nước hơi bất ngờ: Chưa kịp định hướng dư luận ăn mừng chiến thắng, đã phải lật đật lo điều quân đi ngăn chặn biểu tình và tổ chức viết bài “đấu tranh”, bút chiến trên mạng với bọn phản động, thế lực thù địch.

Điều mà bộ sậu lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ban Tuyên giáo cùng các Bộ Công an, 4T chưa lường hết được là một bộ phận dân chúng bây giờ đã khác với số đông dân chúng của những năm 2000-2001. Nhờ sự trợ giúp của Internet, họ có tư duy độc lập và óc phản biện cao hơn nhiều, họ không dễ bị lừa và nhất là, họ không mắc căn bệnh thủ dâm tinh thần mãn tính của Đảng Cộng sản nữa. 

Dù còn ít ỏi, nhưng rõ là có một thiểu số người đã hiểu ra rằng chuyện môi trường và lợi ích của nhân dân không phải và không thể là chuyện “cứ để Đảng và Nhà nước lo”; không phải là Đảng và Nhà nước thì không thể sai hay không thể ngu dốt, mà thậm chí ngược lại: Họ không những sai, không những ngu dốt, mà còn bạo ngược và vô liêm sỉ nữa, một trong các bằng chứng là họ bán cả hiện tại và tương lai của dân tộc này chỉ với giá 500 triệu USD.

Có nhiều người đã đặt câu hỏi: Bây giờ phải làm gì? Đó là một câu hỏi rất đúng, nhưng thực ra chúng ta đã và đang làm rồi: Chúng ta đang học cách suy nghĩ độc lập, thoát khỏi sự định hướng của chế độ, chúng ta đang bóc mẽ bản chất bất tài, hại dân hại nước của độc tài… Tất nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, chúng ta sẽ còn phải tiếp tục, không thể ngồi yên tự ngợi khen, vì chúng ta không mắc bệnh thủ dâm tinh thần như Đảng Cộng sản.



Phá dễ hơn xây.
Tà đạo bao giờ cũng dễ hơn chính đạo. 
Đàn áp dân bao giờ mà chẳng dễ hơn bảo vệ nhân quyền, phát triển bền vững.