Thursday, 25 August 2016

Bị ung thư khi làm việc ở Formosa

Người dân phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh hầu như không ai không biết đến câu chuyện thương tâm của “cặp vợ chồng làm cho Formosa, cả vợ cả chồng đều bị ung thư”.

Anh là Lê Văn Lâm (SN 1969) và chị là Nguyễn Thị Hương (SN 1970). Gia đình anh chị hiện sinh sống tại xóm Ngâm, tổ dân phố Thắng Lợi, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Anh bị ung thư vòm họng, còn chị bị ung thư vú. Có điều đáng chú ý là cả hai vợ chồng trước đây đều từng làm nhân viên bảo vệ, trông coi một số trong hàng trăm kho hóa chất của tập đoàn Formosa ở Hà Tĩnh. 

Anh Lâm kể, anh chị vốn là người phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, sinh ra, lớn lên và thành gia thất đều ở đây. Cuộc sống của người dân nơi đây gắn chặt với biển, họ chỉ làm các nghề liên quan tới biển như đi khơi, lặn, làm muối, buôn bán hải sản. Bản thân anh cũng theo tàu đánh cá nhiều năm, hoặc làm công nhân xây dựng bên Lào… Cho tới năm 2012, Formosa bắt đầu triển khai dự án ở Việt Nam, thì hai vợ chồng cùng vào làm cho một nhà thầu của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. 

Chẳng ai biết chính xác tên của nhà thầu đó là gì; hai anh chị Lâm-Hương cũng chỉ biết đến họ với vài thông tin ít ỏi: Đó là MC5 - một công ty của Trung Quốc, chủ lao động làm việc trực tiếp với anh chị là một người đàn ông Trung Quốc tên Lưu Hán, tầm 35-36 tuổi. Công ty có phiên dịch tiếng Trung, tuy nhiên Lưu Hán cũng nói được tiếng Việt, hình như trước kia từng lấy vợ là người Việt Nam, sống ở Hà Nội, sau bị vợ bỏ. 

Và tất cả thông tin chỉ có thế. Hai anh chị làm nghề coi kho cho MC5. Công việc của hai vợ chồng là trực đêm, trông coi một số container hóa chất, bốn ống khói và hai ống thoát nước (?) của MC5 trong khuôn viên Formosa, từ 6h tối mỗi ngày đến 6h sáng hôm sau. Lương tháng của anh là 9 triệu đồng, của chị 6 triệu. Cả hai đều không ký hợp đồng lao động, và thậm chí không có giấy tờ nào để chứng minh rằng anh chị từng là nhân viên làm việc bên trong Formosa. Họ cũng có đóng 200.000 đồng Việt Nam cho MC5, khoản đó được gọi là “bảo hiểm lao động”, nhưng chỉ chi trả cho những người bị tai nạn (ngã, va chạm…) trong lúc làm việc. Giấy tờ về khoản tiền này, MC5 cũng cầm cả, anh chị không được giữ.

Khoảng tháng 6/2015, chị Hương thấy đau ngực, khó chịu trong người, đi khám thì phát hiện bị ung thư vú. Chị báo lại Lưu Hán. Ông này, theo lời kể của anh chị, chỉ “à thế à mấy câu rồi lờ đi”, coi như không có trách nhiệm. Chị nghỉ việc, ở nhà chữa bệnh. Được vài tháng thì anh cũng thấy ù tai, váng đầu … và bị chẩn đoán là mắc bệnh ung thư vòm họng. Tới đây thì MC5 xong phần công trình ở Việt Nam và “rút đi đâu không rõ”, anh tiếp tục làm cho Formosa tới tháng 5/2016 thì buộc phải nghỉ vì sức khỏe đã quá yếu.

Từ khi phát hiện bệnh đến nay, anh Lâm và chị Hương đều đã qua vài đợt hóa trị; chị phải cắt bỏ phần ngực bên trái. Hai vợ chồng nằm nhà cả ngày, mỗi tháng lại đến Bệnh viện Trung ương Huế 1-2 tuần để tái khám và điều trị. Nhiều đêm, anh chị mệt và đau không ngủ được, nhưng cái đau về thể xác còn không bằng nỗi đau và lo buồn cho tương lai của ba đứa con. Con gái học lớp 10 đã bỏ học để ở nhà chăm sóc cha mẹ, còn cậu con trai đang học đại học ở Vinh cũng định bỏ nhưng anh chị không chịu, cứ động viên con cố gắng nốt ba năm nữa.

Chi phí chữa bệnh cho mỗi người giờ đã lên tới cả trăm triệu, trong khi hai vợ chồng không còn nguồn thu nhập nào. Tất cả chỉ trông vào số tiền dành dụm được từ trước tới nay, và tiền giúp đỡ của những người hảo tâm. Hội liên hiệp phụ nữ phường Kỳ Phương có một lần quyên góp tiền của người dân địa phương, giúp đỡ anh chị được hơn 23 triệu đồng; nhưng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, đến giờ hai vợ chồng thực sự chỉ ngồi nhà, chờ đợi... Mỗi lần có khách đến, anh chị ra nói chuyện với vẻ mặt thẫn thờ, lo lắng, và cứ nói được vài câu là chị lại rân rấn nước mắt: “Con người ta còn được đi học, con mình thì bỏ học vì cha mẹ…”.

Nhà thầu “MC5” nào đó mà anh chị từng làm việc, giờ đã rút về nước hoặc chuyển đi đâu không rõ. Formosa Hà Tĩnh thì càng chẳng một lời hỏi thăm – có lẽ họ cũng không biết đến hai người lao động bị ung thư này. Hai vợ chồng đã làm việc gần bốn năm trời bên trong Formosa, tiếp xúc với nhiều hóa chất, thậm chí như anh Lâm khẳng định, với nhiều lần rò rỉ hóa chất, mà không có một thứ gì để tự bảo vệ mình: Không quần áo bảo hộ, không trang thiết bị bảo hộ, không hợp đồng lao động, không một khoản phụ cấp nào ngoài lương, không bác sĩ, không kiểm tra sức khỏe, khám chữa bệnh, không một chút thông tin cảnh báo hay hướng dẫn nào từ chủ lao động, và đương nhiên, không công đoàn.

Được hỏi, có nghĩ tới chuyện kiện Formosa để đòi bồi thường thiệt hại không, anh Lâm ngần ngừ: “Cũng khó, vì bảo hiểm lao động của họ chỉ chi cho những ai bị tai nạn, như là rớt, ngã hay va chạm gì đó thôi, còn chúng tôi bị bệnh”. Và, cũng không thể chứng minh căn bệnh ung thư của hai vợ chồng là do công việc coi kho hóa chất ở Formosa trực tiếp gây nên…

Đến giờ, có lẽ ai cũng đã thấy khoản tiền 500 triệu USD mà Formosa hứa bồi thường cho Việt Nam chẳng đủ bù đắp thiệt hại cho một thôn làm nghề biển ở Hà Tĩnh. Mà đấy là còn chưa kể tới thiệt hại của hàng chục nghìn dân địa phương không làm nghề biển, trong đó, có những người như vợ chồng anh Lâm - chị Hương này. Những người lao động không hợp đồng, không bảo hiểm, không thông tin… Ai bảo vệ quyền lợi cho họ? 


* * *

Bạn đọc trong và ngoài nước, có lòng hảo tâm muốn giúp đỡ anh Lê Văn Lâm và chị Nguyễn Thị Hương, xin gửi về địa chỉ: 

Anh Lê Văn Lâm, xóm Ngâm, Tổ dân phố Thắng Lợi, phường Kỳ Phương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. 

Hoặc về tài khoản của con trai anh chị là: Lê Công Tuấn, số tài khoản 711AC1006393, ngân hàng Viettin Bank.