Monday 5 September 2016

Vì sao TS. Nguyễn Quang A xứng đáng nhận "bông hoa tulip về nhân quyền"?

Có thể các bạn trẻ ít quan tâm đến chính trị-xã hội sẽ không biết “Quang A là ông nào”, “làm được cái gì cho đời”. Hoặc, nếu chẳng may bạn bị đầu độc bởi những trang web bẩn của dư luận viên – lực lượng đen tối và phản tiến bộ nhất hiện nay ở Việt Nam – có khi bạn còn tưởng ông Quang A là một lão già phản động, kẻ chống phá đất nước (!)

Nhưng nếu bạn chịu khó tìm hiểu một chút, bạn sẽ hiểu ngay vì sao TS. Nguyễn Quang A xứng đáng nhận giải "Hoa Tulip về Nhân quyền" 2016 từ Chính phủ Hà Lan, vinh danh ông vì sự can đảm và những đóng góp để bảo vệ nhân quyền cho người dân Việt Nam – trong đó có các bạn.

Ông Nguyễn Quang A sinh năm 1946 tại Bắc Ninh. Thời trẻ, ông du học tại Hungary ngành điện tử-viễn thông, và là một sinh viên xuất sắc, được xem như “thần đồng” (*) trong khối du học sinh về khoa học kỹ thuật. (Nghe nói thời đó, dân du học Việt Nam ở Hung truyền nhau rằng “kỹ thuật có Quang A, xã hội có Hoàng Thắng” – tức là TS. Đinh Hoàng Thắng, cây viết về chính trị quốc tế ở Việt Nam hiện nay).

Có thể coi Nguyễn Quang A là “người đàn ông của những cái đầu tiên”. Ông luôn đi tiên phong, hệt như cái tên của ông luôn đứng đầu bảng chữ cái vậy. Và điều quan trọng là, tất cả những hoạt động mà ông đi tiên phong đó đều là những hoạt động đóng góp cực kỳ to lớn cho cộng đồng và xã hội.

- Ông là người sáng lập VP Bank - ngân hàng TMCP các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tiên (năm 1993).

- Ông là sáng lập viên, Chủ tịch Công ty cổ phần Máy tính-Truyền thông-Điều khiển 3C (năm 1989).

- Ông là sáng lập viên, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) - có thể được coi như một "think tank" (viện tư tưởng) đầu tiên độc lập với Nhà nước, phản biện chính sách mạnh mẽ và quyết liệt ở Việt Nam trong những năm 2007-2009, từ vấn đề xây dựng thị trường điện, ổn định giá điện/dầu, đến đương đầu với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên v.v.

- Và điều này có thể bạn chưa biết: Ông là một trong những người đưa Internet vào Việt Nam.

Người đưa Internet vào Việt Nam

Internet vào Việt Nam (tháng 11/1997) là một câu chuyện rất dài và sẽ cần được viết và kể lại đầy đủ trong một cuốn sách/ bộ phim trong tương lai. (Người viết bài này rất mong sẽ có lúc được tìm hiểu và phục dựng lại hết quá trình lịch sử đó).

Nhưng ở đây, các bạn chỉ cần biết rằng, vào thời điểm ấy (năm 1997), nếu những trí thức, doanh nhân như TS.Nguyễn Quang A mà không thành công trong việc “dụ khị” (nói nôm na là “lừa”) chính quyền mở cửa cho Internet vào Việt Nam, thì chúng ta sẽ không có tất cả những gì chúng ta (kể cả các DLV) đang hưởng lúc này: Google, chat, blog, mạng xã hội, email, mua bán trên mạng, game… Và lúc đó mà đã không có, thì sẽ vĩnh viễn mất. Bởi vì, thời điểm ấy, những thanh niên Việt Nam (giống như các bạn bây giờ) thuộc về thế hệ 5x, 6x, 7x, là những thế hệ “giao thời”: Họ phải chịu một nỗi sợ, gọi là “cyber fear” – tâm lý sợ mạng. Nếu vượt qua được, họ sẽ bắt kịp với thời đại Internet, kinh tế tri thức… Nếu không vượt qua nổi, họ sẽ trở thành như mù chữ. Nếu Việt Nam không hòa mạng Internet lúc ấy, hàng triệu người của thế hệ 5x, 6x, 7x sẽ là người mù chữ bây giờ. Chúng ta sẽ còn tụt hậu bao nhiêu năm nữa so với thế giới? Chúng ta liệu có khác gì Bắc Triều Tiên? 

Ngày nay, các bạn trẻ vào mạng thật thoải mái, như cá xuống nước. Có lẽ các bạn không thể hình dung được trong những năm cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, với nhiều người, mạng Internet xa lạ và đáng sợ như thế nào.

Là những người đi đầu, với tầm nhìn xa trông rộng, TS. Nguyễn Quang A hẳn đã thấy ngay sức mạnh khổng lồ của Internet trong việc thay đổi xã hội, phát triển đất nước. (Năm đó, ông 51 tuổi, không còn là thanh niên nữa, nhưng hình như ông hiểu hoàn toàn cái điều mà thanh niên Việt Nam đang vô cùng thiếu: kiến thức, kỹ năng, sự hội nhập).

Năm 2007, một cuộc bầu chọn của báo Bưu điện Việt Nam và CLB Nhà báo CNTT đã chọn ông Nguyễn Quang A là một trong 10 nhân vật ảnh hưởng lớn nhất đến Internet tại Việt Nam.

Nhà hoạt động tiên phong

Và bây giờ cũng vậy, ông Nguyễn Quang A vẫn là người đi tiên phong. Ông đã 70 tuổi, không phải là thanh niên, nhưng ông vẫn luôn nhìn thấy những điều mà thanh niên Việt Nam đang vô cùng thiếu, đang rất khao khát… mà thậm chí một số người còn không hề biết là mình thiếu và lẽ ra phải khao khát nó. Đó là TỰ DO, NHÂN QUYỀN VÀ SỰ PHÁT TRIỂN.

Chỉ có tự do thì tư duy con người, đặc biệt người trẻ, mới phát triển. Thanh niên Việt Nam cần được tự do và cần phải được khuyến khích để tự do: học tập, suy nghĩ, phản biện, bày tỏ thái độ chính trị, quan tâm đến cộng đồng, du học, du lịch, tranh cử, tham gia chính trị…

Có lẽ trí thức nào cũng sẽ nghĩ và có thể nói được như thế. Nhưng TS. Nguyễn Quang A không chỉ nghĩ và nói như thế, mà ông còn luôn luôn LÀM như thế. Ông luôn nắm tay các bạn trẻ để kéo họ lên, nâng họ lên, một cách trân trọng nhất, để họ hiểu rằng ông thực sự muốn họ và đất nước này phát triển biết bao.

Ảnh: Hoàng Thành, 2/2016

* * *

Giải "Hoa Tulip về Nhân quyền" là giải thưởng của Chính phủ Hà Lan, do Bộ Ngoại giao Hà Lan tổ chức, ra đời từ năm 2008 nhằm vinh danh "những người bảo vệ nhân quyền can đảm đã thúc đẩy và ủng hộ nhân quyền theo nhiều cách mới mẻ, sáng tạo".

TS. Nguyễn Quang A là một trong 10 ứng viên cho giải này năm nay.

Các bạn có thể tiếp tục vào bỏ phiếu cho TS. Nguyễn Quang A tại trang web của giải Hoa Tulip về nhân quyền, ở đây.



-----------------

Có một chi tiết nhỏ, xin lưu ý bạn đọc trẻ: Từ "thần đồng" đúng nghĩa là "đứa trẻ kỳ tài", nên nếu các du học sinh VN ở Hungary ngày trước gọi TS. Nguyễn Quang A là "thần đồng" thì không chính xác lắm về ngữ nghĩa của từ Hán Việt này. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng tiếng Hán Việt hoàn toàn có thể khác với tiếng Hán, và từ gì người Việt dùng sai (so với tiếng Hán) lâu thì cũng có thể thành đúng. Ở đây, từ 
"thần đồng" được hiểu là "tài năng xuất chúng".