Ngày 10/10, đông đảo facebooker sôi sục với sự kiện blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) bị bắt. Suốt mấy ngày, facebook tràn ngập ảnh Mẹ Nấm và những lời bình luận, chia sẻ về vụ việc.
Đêm 14/10, thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ bất ngờ, kết hợp với mưa lớn từ trước đó, gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho hàng chục nghìn người dân không kịp trở tay. Cộng đồng mạng lại sôi lên phẫn nộ với những nhà máy thủy điện xả lũ giết dân.
Đêm 14/10, thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ bất ngờ, kết hợp với mưa lớn từ trước đó, gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho hàng chục nghìn người dân không kịp trở tay. Cộng đồng mạng lại sôi lên phẫn nộ với những nhà máy thủy điện xả lũ giết dân.
Tiếp sau đó, ồn ào một chút với việc sáng 18/10, giáo dân ở Phú Yên cùng linh mục Đặng Hữu Nam đến Tòa án huyện Kỳ Anh nộp đơn khởi kiện tập đoàn Formosa và bị taxi Mai Linh từ chối chuyên chở. Cùng lúc ấy là chuyện MC Phan Anh quyên góp được 10 tỷ đồng cứu trợ đồng bào lũ lụt chỉ sau chưa đầy 24 giờ kêu gọi (từ 17 đến sáng 18/10).
Ngay sau đó, cộng đồng mạng chuyển qua chiến dịch tẩy chay hai doanh nghiệp, taxi Mai Linh và tập đoàn nước chấm Masan. Đồng thời, phẫn nộ về vụ hai hành khách côn đồ Trần Dương Tùng và Đào Vịnh Thuấn hành hung một nữ nhân viên hàng không trên sân bay Nội Bài.
Ngắn hạn là "dân tộc tính"?
Có thể thấy, chỉ trong một thời gian rất ngắn (không đầy 10 ngày), cộng đồng mạng xã hội ở Việt Nam đã có quá nhiều việc để bày tỏ thái độ, quan điểm, và các nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền thì có quá nhiều việc để làm.
Cùng lúc đó, như thường lệ, sẽ có một số lớn dư luận viên và những người suy nghĩ bằng tư duy tư luận viên lên tiếng răn dạy, chỉ trích và mắng nhiếc cộng đồng mạng là “bầy đàn”, “cảm tính”, “ngắn hạn”, “chạy theo sự kiện”, “nông cạn”, “hời hợt”, v.v. Để rồi đi tới kết luận chung rằng cộng đồng này, nói rộng ra là toàn dân Việt Nam, là một tập hợp những cá nhân kém cỏi và (sẽ) chẳng làm được tích sự gì.
Nhận định như vậy hẳn nhiên là sai. Nếu nhìn từ giác độ truyền thông thì phải thấy rõ hai điều: (1) Ngắn hạn, chạy theo sự kiện, bị thu hút bởi các thông tin mới lạ, hiếm có, giật gân luôn là một đặc tính của công chúng; (2) Dân ở đâu mà chẳng thế.
Bởi vì đó là tin tức
Ở bất kỳ đâu và vào bất kỳ lúc nào, công chúng cũng sẽ quan tâm đến một sự kiện nếu nó mới, lạ, hiếm gặp; nếu nó liên quan đến nhân vật nổi tiếng; nếu nó chứa đựng bạo lực, xung đột, mâu thuẫn, hay chuyện thương tâm; và nếu nó có quy mô lớn (số người tham gia đông đảo) hoặc có ảnh hưởng đến nhiều người…
Đối chiếu với những sự kiện xảy ra dồn dập trong 10 ngày qua, chúng ta sẽ hiểu ngay vì sao cộng đồng mạng lại sôi sục như thế.
- Bắt một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng có phải là sự kiện đáng quan tâm không? Có, vì nó liên quan đến người nổi tiếng.
- Bắt một người phụ nữ chỉ vì cô ấy viết những khẩu hiệu đòi khởi tố kẻ tàn phá môi trường, có phải là sự kiện đáng quan tâm không? Có, vì nó… lạ, hay nói đúng hơn, nó vô lý tới kỳ lạ. Lẽ ra cô ấy phải được khen ngợi, ít nhất cũng được bảo vệ, chứ không thể nào bị bắt.
- Thủy điện xả lũ bất ngờ, hại dân, có phải là sự kiện đáng quan tâm không? Có, vì nó thương tâm, nó có quy mô lớn, ảnh hưởng đến nhiều người (dân chết, hàng chục nghìn ngôi nhà bị chìm trong nước). Và đặc biệt, vì nó… lạ, hiếm: Có nước nào trên thế giới mà cứ vài năm thủy điện lại xả lũ bất thình lình trong đêm, để dân trở tay không kịp mà chết không?
- Sự kiện hơn 1000 giáo dân đi 200 km từ Phú Yên đến Kỳ Anh nộp đơn kiện Formosa có đáng quan tâm không? Có, vì nó có quy mô lớn, nó liên quan đến một thảm họa môi trường làm ảnh hưởng tới 4 triệu người dân ở miền Trung và cả nước, và nó… lạ, hiếm: Ở Việt Nam, cứ biểu tình, khiếu kiện tập trung tới cả ngàn người, là hiếm rồi. Rồi một hãng taxi từ chối khách vì sức ép của công an lại còn là chuyện lạ nữa.
- MC Phan Anh kêu gọi được 10 tỷ đồng chỉ trong gần 24 giờ, có phải là sự kiện đáng quan tâm không? Có, vì nó liên quan đến người nổi tiếng, và vì nó cũng rất lạ, hiếm ở Việt Nam: Phan Anh đã làm được một điều kỳ diệu, trong khi chưa bao giờ hệ thống ban bệ, đoàn thể ở Việt Nam vận động được một số tiền lớn như thế trong thời gian ngắn như thế, kể cả khi đã ra sức bòn rút.
- Tẩy chay hai tập đoàn Mai Linh và Masan có phải sự kiện đáng quan tâm không? Có, vì nó chứa đựng mâu thuẫn, xung đột, và vì nó cũng lạ, hiếm gặp.
- Và cuối cùng, sự kiện hai hành khách côn đồ Trần Dương Tùng và Đào Vịnh Thuấn hành hung nữ nhân viên sân bay Nguyễn Lê Quỳnh Anh có đáng quan tâm không? Có, vì nó chứa đựng mâu thuẫn, bạo lực, và nó quá lạ, hiếm: Hai gã đàn ông ngang nhiên bóp cổ, đấm một phụ nữ ngay tại sân bay, nơi công cộng.
Vì những lẽ ấy, dễ thấy rằng việc công chúng sôi sục phẫn nộ, ngạc nhiên, vui mừng hay kinh hoàng, tóm lại là quan tâm đến một sự kiện nào đó, là điều hoàn toàn bình thường, có thể hiểu được và chấp nhận được. Các blogger, facebooker Việt Nam không đáng bị răn dạy, nhiếc móc chỉ vì họ đã “tư duy ngắn hạn, chạy theo thời sự”. Tâm lý con người trên cả thế giới đều như vậy, không chỉ dân Việt.
Cũng phải thấy rằng sự tồn tại một không gian mạng để mọi người còn có nơi phát biểu quan điểm, chia sẻ cảm xúc, và họ còn lên tiếng được, là điều đáng mừng. Nếu không có mạng xã hội, tất cả đều im lặng, hoặc nếu tất cả cùng thống nhất một tư duy, một ý chí… mới bệnh hoạn và đáng sợ.
Cẩn thận với các kỹ thuật tuyên truyền của tuyên giáo
Tuy thế, cũng cần lưu ý đến việc những nhà tuyên giáo ở xứ độc tài có thể lợi dụng đặc điểm tâm lý chung của công chúng để dẫn dắt, định hướng họ.
Định hướng dư luận (tiếng Anh: spin) là việc trình bày thông tin nhằm tạo ra một phản ứng mà mình mong muốn ở đối tượng mục tiêu. Dĩ nhiên nó không phải là sáng tạo của ngành tuyên giáo nước CHXHCN Việt Nam. Tuy vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã và vẫn đang vận dụng một cách xuất sắc các kỹ thuật nhào nặn, định hướng dư luận.
Dưới đây là một vài kỹ thuật căn bản, xin nêu ra để các blogger chính trị ở Việt Nam nhận biết và tỉnh táo, không để bị mắc bẫy tuyên truyền:
- Kiểm duyệt kỹ thông tin và lập luận trước khi công bố ra báo giới: Về khoản này (kỹ năng trả lời phỏng vấn, công khai thông tin trước báo giới), các quan chức của Đảng Cộng sản nhìn chung khá yếu kém (do đã quá nửa thế kỷ không bị sức ép phải cạnh tranh với chính trị gia nào của các đảng khác). Vậy nên khi xuất hiện trước báo chí, họ rất dễ nói hớ, lỡ lời để tạo ra nhiều phát ngôn trí tuệ đỉnh cao khó vượt. Do đó, tuyên giáo đã cẩn thận sửa chữa tình hình này bằng việc tung ra Quy chế Phát ngôn và Cung cấp Thông tin cho Báo chí (2013), nhằm giảm thiểu rủi ro “vạ miệng” của cơ quan nhà nước, nhất là của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
- Kiểm soát các nguồn cung cấp thông tin (source) để đảm bảo là chỉ “quan điểm chính thức” mới được công bố và được công nhận: Ví dụ rõ nhất của việc này là các nhà báo ở Việt Nam nói chung đều được tập để nghĩ rằng chỉ có phát ngôn của quan chức mới là nguồn chính thống, đáng tin cậy nhất, chuẩn mực nhất, còn ý kiến ngay cả của chuyên gia thì cũng chỉ có tính chất tham khảo, quan điểm của “lũ phản động” chống Đảng thì không bao giờ có thể trích dẫn được (trừ phi để đấu tranh, vạch mặt “chúng”).
- Bí mật tung tin từ nguồn ẩn danh, rò rỉ thông tin: Những NguyenTanDung.org, TranDaiQuang.org, Chân Dung Quyền Lực, Đại Hội Đảng 12, Quan Làm Báo... vẫn sờ sờ ra đó.
- Chỉ cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông thân tín và ủng hộ mình: Các cơ quan ngôn luận của Đảng, các đảng ủy, và công an, luôn được ưu tiên cao nhất trong tác nghiệp, hơn hẳn so với các cơ quan báo chí khác và đặc biệt là hưởng lợi thế tuyệt đối so với báo chí lề dân. Ví dụ một số báo sướng nhất Việt Nam: VTV, VOV, Thông tấn xã Việt Nam, Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân...
- Cung cấp thông tin thật trễ, sát nút, để khiến báo chí không còn đủ thời gian kiểm chứng, phe đối lập, bọn phản động v.v. không còn kịp phân tích, phản biện. Nếu sau đó “chúng” vẫn cố viết, thì chất lượng bài thường sẽ yếu vì thiếu thông tin; khi ấy đội ngũ dư luận viên sẽ vào cuộc đấu tranh, đả kích những tay viết phản biện kia là dốt nát, chém như thánh, lý luận linh tinh, nhảm nhí v.v. Đồng thời, không quên hạ thấp cộng đồng mạng, nhấn mạnh rằng cộng đồng ấy là một tập hợp ngu dốt, rác rưởi.
- Tung tin khác (ví dụ tin xấu, tin thật giận gân, sốc-sếch-sến...) vào lúc các sự kiện quan trọng đang chiếm sóng trên truyền thông. Không ngại cả việc trình ra và/hoặc ký thông qua những dự thảo luật, nghị định, thông tư… thật nhảm nhí, những chính sách thật ngu ngốc, để thu hút sự chú ý của công luận.
- v.v.
Hai trong số những bức ảnh nổi tiếng
của đợt lũ lụt ở miền Trung tháng 10/2016.
Đối phó với các thủ đoạn tuyên truyền
Tuy nhiên, kỹ thuật tuyên truyền dù tinh vi đến đâu cũng phải có giới hạn. Hiệu quả của tuyên truyền phụ thuộc vào:
1. Trình độ dân trí, tư duy phản biện: Người dân càng có đầu óc phản biện và duy lý thì càng khó bị thuyết phục, dẫn dụ.
2. Chủ đề tuyên truyền: Vấn đề người dân càng ít quan tâm, ít biết đến, thì càng dễ tuyên truyền và ngược lại.
3. Thông thường, người ít đọc sách dễ bị tuyên truyền hơn người đọc nhiều sách.
4. Thông thường, người không có quan điểm, chính kiến hoặc chính kiến không mạnh sẽ dễ bị tuyên truyền hơn người đã có sẵn quan điểm, chính kiến.
5. Cá nhân/ tổ chức nào càng nắm được nhiều kênh truyền thông thì càng dễ tuyên truyền hơn. Đó là lý do vì sao Đảng Cộng sản sống chết cũng phải kiểm soát cho được gần 900 tờ báo in và 67 đài PT-TH trên cả nước...
Lời kết
Hiểu như vậy, các facebooker, blogger Việt có thể tự trang bị kiến thức cho mình để không trở thành đối tượng bị tuyên giáo “dắt mũi”, và nhất là để có thể tự tin ở mình, với một điều chắc chắn: Chẳng có gì là “tư duy ngắn hạn”, “hời hợt”, “nông cạn” khi chúng ta “chạy theo thời sự” và cùng nhau lên tiếng, hành động. Chỉ có thái độ bàng quan, im lặng hoàn toàn, không biết, không quan tâm, không làm gì, mới cần phải được xem lại.