Friday, 21 October 2016

Một câu hỏi cho "thành phần thứ ba"

Nhiều người trong và ngoài phong trào dân chủ chia sẻ một quan điểm cho rằng, đấu tranh chống độc tài thì cứ đấu tranh NHƯNG tuyệt đối phải giữ một hình ảnh hết sức ôn hòa, mềm mại, không đối đầu với chính quyền, không cực đoan, không dữ dội… để không làm “thành phần thứ ba” (*) sợ.

“Thành phần thứ ba” ở Việt Nam thời nay là những người tuy đã hiểu rõ bản chất độc tài và bất tài của chính quyền hiện tại, nhưng vẫn e ngại, không muốn đấu tranh hoặc không muốn dính dáng đến một cá nhân/tổ chức nào trong phong trào dân chủ, vì thấy họ chưa đủ độ tin cậy, thấy họ "cực đoan quá"... Chiếm tỷ lệ cao trong “thành phần thứ ba” là trí thức, luật sư, nhà báo, sinh viên, doanh nhân… tức những người có hiểu biết, có địa vị xã hội v.v. và là lực lượng mà phong trào dân chủ cần thu hút, tranh thủ. Để thu hút thì tất nhiên không được để họ sợ hãi, xa lánh, mà muốn thế thì phải không đối đầu, không cực đoan…

Quan điểm này nghe thuận tai, có vẻ có lý, song nó có một điểm rất mơ hồ: Vậy, thế nào là cực đoan?

Hy vọng bạn thấy rằng, cực đoan và “không cực đoan” không phải là hai cực rõ ràng như đen với trắng. Một hành động có thể được đánh giá là “cực đoan” hay “mềm mại” phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh và vào người đánh giá. Lấy chính người viết bài này làm ví dụ: Thời tôi là một phóng viên “quốc doanh”, hàng trăm nhà hoạt động dân chủ có thể đánh giá tôi là ôn hòa, thậm chí hiền lành, nhút nhát. Nhưng cùng lúc đó, rất có thể có hàng chục đồng nghiệp sẵn sàng nói tôi là kẻ cực đoan, chống phá gay gắt, dữ dội (ấy là giả sử họ biết tôi).

Hành động của hàng nghìn ngư dân kéo đến đại bản doanh của Formosa, vẫy cờ đạo và băng-rôn, biểu tình đòi Formosa “cút khỏi Việt Nam” có thể là cực đoan trong mắt bạn, nhưng lại hoàn toàn ôn hòa trong mắt nhiều người khác: Họ đã không hề đập phá đồ đạc, không hề đánh ai, tóm lại, không gây thiệt hại vật chất nào, dù không phải là không có khả năng làm điều đó.

Hành động của hàng nghìn người biểu tình bảo vệ môi trường ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng… có thể là cực đoan trong mắt bạn, nhưng sao bạn không nghĩ họ đã có thể làm những việc mang tính phá hoại hơn, mà trên thực tế họ không hề làm thế?

Cầm bóng xanh, cầm biểu ngữ đi quanh Bờ Hồ kêu gọi “ngừng chặt cây”, “yêu cầu minh bạch” mà bạn còn cho là cực đoan, thì phải làm gì mới là không cực đoan? Bạn thử liệt kê tất cả các hoạt động không cực đoan mà bạn cho là “đáng làm hơn” xem nào, để ta cùng nhận xét tính chất ôn hòa, “đáng làm” và hiệu quả của nó.

Còn riêng với những người thuộc “thành phần thứ ba” như định nghĩa ở trên – tức là có học, có địa vị xã hội, đã hiểu rõ bản chất chính quyền, nhưng vẫn e ngại, vẫn cần được “thuyết phục”, “thu hút”, “an ủi”, “phủ dụ”, rồi mới tham gia hành động nếu có – thì tôi chỉ muốn hỏi một câu rất thành thật thế này, dù biết nó có thể làm bạn giận dỗi; tôi xin lỗi trước:

- Bạn mấy tuổi rồi?

Tuần hành vì cây xanh cũng là cực đoan?

-------------------

(*) Thành phần thứ ba, nghĩa gốc, là từ dùng để chỉ lực lượng đối lập với chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nhưng đi theo đường lối hòa giải dân tộc.

Tuy nhiên, trong cách hiểu của nhiều người lâu nay thì thành phần thứ ba là những người không theo hẳn phe nào trong hai phe đang đối đầu nhau, mà luôn tỏ ra ôn hòa và cố gắng giữ vị thế đứng ngoài, quan sát, có thể là chờ thời (chẳng hạn, xem phe nào mạnh hơn thì theo).