Tuesday, 29 November 2016

Nghe "Đảng ta" nói chuyện ơn nghĩa...

Việc đảng Cộng sản Việt Nam ép toàn dân phải quốc tang Fidel Castro làm cho bao nhiêu người vốn không định nói gì về sự kiện này, bây giờ khó chịu quá lại phải nói, ví dụ như tôi.

Tôi có học chút ít tiếng Tây Ban Nha, chơi tây ban cầm, và cũng từng quan tâm đến Cuba cũng như mối quan hệ quốc tế vô sản Việt - Cu. Ai học tiếng Tây Ban Nha thì đều biết Fidel Castro là nhà hùng biện nổi tiếng, và cách ông ấy phát âm chữ "r" thì tuyệt vời, maravilloso.

Ai quan tâm đến quan hệ Việt Nam - Cuba thì đều biết trong thời gian chiến tranh (kể cả chiến tranh lạnh), đảng và nhà nước Cuba đã là người bạn tốt của đảng và nhà nước Việt Nam. Fidel Castro từng nói nhiều câu nổi tiếng, đại loại như "vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu mình", "cần tạo ra hai, ba và nhiều Việt Nam hơn nữa". (Ở đây, Việt Nam được hiểu là Bắc Việt). Cuba xây đường xá, bệnh viện, trường học cho Việt Nam, cử chuyên gia y tế sang Việt Nam chữa bệnh cho dân. Thời bao cấp, lúc dân Việt Nam đói vàng mắt thì Cuba tặng đường mía. Đấy là chưa kể đến đội ngũ hàng trăm sinh viên Việt Nam được đảng và nhà nước cho du học Cuba, sau này trở về đều thành cán bộ, nói theo cách của tuyên giáo là đều nắm giữ những cương vị quan trọng để tiếp tục cống hiến cho đất nước.

Thiết tưởng Cuba thương Việt Nam đến không lời nào tả xiết, chẳng có nước nào trên thế giới này thương Việt Nam làm vậy, chứ đến như hai ông anh vĩ đại Liên Xô và Trung Quốc rồi cũng bỏ rơi Việt Nam hết. (Riêng anh hai Trung Quốc thì sau khi đánh Việt Nam, dạy cho thằng em một bài học, đã trở thành cố vấn, sư phụ, bạn vàng bốn tốt của đảng Cộng sản Việt Nam. Chính sách ngoại giao của đảng ta quả thật là khủng khiếp).

Nói chung, để kể về mối quan hệ thắm tình hữu nghị Việt – Cu hay nói đúng hơn là quan hệ giữa hai đảng và nhà nước anh em thì tôi kể hay hơn các dư luận viên nhiều. Vậy nên, không cần nhắc tôi những câu "sống phải có ơn nghĩa", "nghĩa tử nghĩa tận"...

Nhưng chẳng có gì biện minh được cho việc làm lố bịch của đảng Cộng sản ngày hôm nay.

- Thời chiến tranh, một nửa đất nước không phải là bạn của Cuba và không nhận được gì từ Cuba.

- Saddam Hussen cũng từng nói những lời có cánh về Việt Nam đó, sao lúc y chết, đảng không tổ chức viếng?

- Trong thời đại ngày nay, bày trò khóc thương một nhà độc tài (bất chấp luật pháp và lòng dân) là cách làm tốt nhất để thể hiện cho dân chúng và cộng đồng quốc tế thấy mình lạc hậu và lạc lõng như thế nào.

- Ngay cả thời chiến tranh và thời kỳ bao cấp hậu chiến, việc Việt Nam thân với Cuba cũng chỉ cho người ta cảm giác đó là một đám nước nghèo và kém văn minh tự co cụm lại, lủi thủi chơi với nhau. Có cái gì đó vừa đáng thương, vừa đáng buồn, vừa đáng giận.

Một lần nữa phải nhắc lại: Chính sách ngoại giao của đảng Cộng sản Việt Nam quả thật là khủng khiếp.

Người dân Cuba vẫn phải kỷ niệm 90 năm ngày sinh lãnh tụ, như thế này.
Ảnh: FB Lê Nguyễn Duy Hậu.

Còn ai nói Fidel Castro không phải nhà độc tài, thì hãy nhìn xem ông ấy ngồi ghế bao nhiêu năm? Vâng, "Người" đã là Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba từ 1959 đến 2008. Suốt nửa thế kỷ không có một cuộc bầu cử nào, "đảo tươi một dải" của các bạn đấy!

Cũng xin nói thêm, chuyện nền y tế của Cuba ưu việt, thật ra giống một huyền thoại hơn, các bạn ạ. Đừng quên là khi xảy ra động đất ở Armenia năm 1988, khi tham gia cứu trợ, các bác sĩ Việt Nam đã làm cho bạn bè quốc tế phải ngạc nhiên về trình độ (thao tác thủ công) của mình.

* * *

Lão già độc tài Fidel Castro nằm xuống, Trung ương Đảng ra thông cáo bắt cả nước để tang. Dư luận viên bảo thế là Đảng ta ăn ở có ơn có nghĩa. Ờ, thì cho là thế. Cũng cứ cho "nghĩa tử là nghĩa tận" đi.

Năm xưa khi Trung tướng Trần Độ mất, trong đám tang của ông (tháng 8/2002), người quá cố còn đang nằm trong áo quan ở nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, mà Trung ương Đảng vẫn kịp để Vũ Mão đọc điếu văn và tranh thủ nhét vào đó mấy câu: "Tuy nhiên, về cuối đời, ông (Trần Độ) đã phạm nhiều sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng...".

Khi người nhà phản đối, hàng chục công an thường phục cầm gậy xuất hiện ngay lập tức, bao lấy áo quan trong tư thế sẵn sàng giáp lá cà với chủ nhà. (Tôi có mặt ở đó vào giờ phút ấy, nên tôi chứng kiến hết. Tôi còn thấy cả cảnh công an ép người của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải sửa băng chữ trên vòng hoa tang thành "Kính viếng anh Trần Độ", thay vì "Kính viếng Trung tướng Trần Độ" nữa kia).

Lúc ấy sao các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước không nghĩ tới hai từ "ơn nghĩa", không nhớ tới câu "nghĩa tử là nghĩa tận" đi? Chẳng gì thì Trung tướng Trần Độ cũng từng là đồng chí của các vị cơ mà.

Saturday, 26 November 2016

Sao phải buồn vì một chuyện bình thường?

Khi nói về phong trào dân chủ, rất thường xuyên, trong và ngoài phong trào có những người viết trên facebook những câu đại loại: “Chán”, “Chẳng còn biết tin vào ai bây giờ”, “Thế này thì bao giờ mới thắng được cộng sản”, “Buồn”…

Không tính đến những dư luận viên không bao giờ làm bất kỳ điều gì để thúc đẩy dân chủ, tự do ở Việt Nam mà chỉ chăm chăm theo dõi phong trào đấu tranh và hể hả, sung sướng mỗi khi “bọn nó đánh nhau”, có thể thấy những người chia sẻ các ý kiến như trên là có thiện ý, thành thật mong công cuộc vì dân chủ, nhân quyền thành công, và các bạn đau khổ khi giới hoạt động có biểu hiện mất đoàn kết, lục đục, chống phá lẫn nhau.

Tuy nhiên, có lẽ các bạn cũng là những người quan niệm và mong muốn rằng mọi cuộc đấu tranh vì chính nghĩa đều phải đẹp rực rỡ, mọi cá nhân dự phần ở bên chính nghĩa đều phải can đảm, trong sáng, đoàn kết và yêu thương nhau. Các bạn muốn phong trào phải đẹp, người hoạt động phải thánh thiện, đạo đức (thì mới xứng đáng để được gọi là nhà đấu tranh cho dân chủ).

Và, chắc là các bạn không hiểu, hoặc không chịu thừa nhận rằng mâu thuẫn là đặc điểm tất yếu, không thể thiếu trong mọi xã hội. Chính trị là tiến trình người ta học cách chung sống với nhau, để cùng hạn chế tác hại của mâu thuẫn, nếu có, chứ không phải triệt tiêu hoàn toàn mâu thuẫn. Một xã hội, một môi trường chính trị không có mâu thuẫn, là một xã hội, một môi trường chính trị hết sức bất thường.

Những tranh cãi, đấu đá kiểu như trong phong trào dân chủ ở Việt Nam cũng đã xảy ra trong phong trào đối kháng ở tất cả các nước khác trước chuyển đổi – Miến Điện, Ai Cập, Tunisia, Đông Âu cũ… Trước khi có những diễn biến dân chủ hóa, Miến Điện có hàng nghìn tổ chức xã hội dân sự độc lập với nhà nước (tức là “phản động”, “thế lực thù địch”, nói như ngôn ngữ của công an và dư luận viên Việt Nam). Họ cũng đánh phá nhau loạn xạ, hết chia tách lại sáp nhập, rồi công kích lẫn nhau. Một “đồng chí” rất thân thiết của lãnh tụ Aung San Suu Kyi là nhà hoạt động lưu vong Khin Ohmar thì đến tận bây giờ vẫn còn lưu vong, không về nước được. Riêng chiếc logo hình con công của NLD (Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, đảng của bà Aung San Suu Kyi) cũng là chủ đề tranh cãi và nhiều nhóm "chửi" nhau ỏm tỏi về chuyện ai là chủ nhân của ý tưởng đó.

Và, bạn tin không, những người cộng sản Việt Nam đời đầu thật ra cũng thế. Họ cũng giành giật quần chúng, tranh cướp từng xu tài trợ nước ngoài hay tiền của các nhà hảo tâm ủng hộ cách mạng. Họ cũng nói xấu, chơi bẩn, cắn xé lẫn nhau. Như Lý Thụy đã từng bán đứng Phan Bội Châu cho mật thám Pháp. Như Trần Phú đã ký giấy bắt Hồ Chí Minh. Thậm chí, họ có chuyện này còn tệ hại hơn các nhà dân chủ bây giờ nhiều, đó là họ giết nhau, nghĩa đen. Kẻ nào bị chi bộ nghi ngờ là phản bội đồng chí, hay là kẻ thù của cách mạng, kẻ đó sẽ bị cách mạng buộc phải “đền tội”: bắn, chém, bỏ rọ trôi sông…

So với những nhà hoạt động chủ trương đấu tranh ôn hòa bây giờ, cộng sản thời xưa kinh khủng hơn nhiều, vì họ sẵn sàng dùng bạo lực và hoàn toàn không có khái niệm "nhân quyền" hay "dân chủ" trong đầu. Họ chẳng đẹp đẽ như trong sách báo, phim ảnh tuyên truyền đâu.

Mà suy cho cùng thì con người là thế và xã hội là thế. Mâu thuẫn, cạnh tranh, đấu đá giữa các cá nhân, các phe phái sẽ tồn tại mãi mãi, ngay cả khi Việt Nam đã dân chủ hóa. Chỉ có cái khác là khi Việt Nam tương đối có dân chủ, tự do, nhà nước pháp quyền, chúng ta sẽ có cơ chế để hạn chế những tác hại của mâu thuẫn và cạnh tranh.

Cờ của NLD với chiếc logo hình con công.

Friday, 25 November 2016

Tình hình biển miền Trung: Thị trường bế tắc

Trong những ngày qua, một số đại diện của nhóm Green Trees (trước là Vì Một Hà Nội Xanh) đã đến Hà Tĩnh và Nghệ An để trao tận tay báo cáo “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển miền Trung” cho ngư dân – những người chịu thiệt hại nặng nề nhất từ thảm họa này.

Đây là những đại diện cho hơn 10.000 thành viên của Green Trees, và cũng là đồng tác giả của báo cáo. 

Tình hình môi trường ở các tỉnh miền Trung không có gì tiến triển. Mặc dù các quan chức, chẳng hạn như Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà, vẫn nói rằng “biển đã sạch”, nhưng ngư dân không nhận thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ điều đó. Hàng chục chiếc ghe vẫn phủ vải nằm im trên bãi. Ngư dân gần như đã bỏ biển.

Ông Lê Xuân Thế (xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, từ khi thảm họa xảy ra (được tính là từ ngày 6/4/2016), ông chỉ đi biển có… ba lần, mà đi là do quá nhớ biển, nhớ nghề, chứ không phải do còn hy vọng đánh bắt được cá. 

Một vài ngư dân khác thỉnh thoảng cũng đi biển, nhưng số lượng hải sản đánh bắt được rất ít, theo ghi nhận của Green Trees. Họ đã phải bắt đến cả cá con, mực con, điều này đe dọa khả năng tăng trưởng và phục hồi của hải sản. Ở trong một ghe, giữa lèo tèo vài con cá, Green Trees trông thấy một cá mập con, dài chỉ chừng 60cm.


Thị trường tê liệt

Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất chưa phải là không còn hải sản để đánh bắt, mà là hải sản mang về hầu như không bán được vì không còn ai tiêu thụ. Thỉnh thoảng, có một số tư thương vẫn đến mua của bà con, nhưng họ ép giá rất mạnh. Ví dụ như ghẹ, trước khi có thảm họa, giá có thể lên tới 400-500.000 đồng/kg thì giờ chỉ còn trên dưới 100.000 đồng. Số hải sản đó được tư thương chuyển đi đâu sau khi mua và xử lý như thế nào, cũng không ai biết.

Nhìn bãi biển vắng tanh vắng ngắt và các mâm cơm không có cá, các thành viên của Green Trees – tác giả bản báo cáo về thảm họa Formosa – hiểu rằng: Nghề đánh bắt, kinh doanh hải sản ở các vùng biển một thời rất giàu tôm cá, nay đã chết. Nghề này chỉ có thể sống lại khi thị trường hải sản đã được khơi thông, mà thị trường hải sản thì chỉ có thể được khơi thông khi người mua, người bán tin chắc là biển đã sạch. Niềm tin đó, hiện không có mảy may.

Không chỉ nghề đánh bắt hải sản, Green Trees ghi nhận rằng các nghề khác có liên quan đến biển như kinh doanh du lịch, làm muối, làm sỏi… cũng đều bế tắc. Dân bỏ nghề, ruộng muối bỏ không, nhà nghỉ, khách sạn ế khách. 


Bốn tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của thảm họa đều là địa phương có biển, tỷ lệ sinh rất cao (vì đặc thù của nghề đi biển là tiêu hao sức lao động, cần lao động nam). Mỗi hộ gia đình đều có 6-7 con, nhà nào hiếm lắm thì 3-4 con. Thảm họa biển miền Trung làm số thanh niên trai tráng thất nghiệp, bỏ biển tăng vọt. Họ ở nhà chơi cả ngày. Có một số tìm đến lối thoát khác, là theo tàu đánh bắt xa bờ ở miền Nam, hoặc trốn sang Lào, Campuchia, Thái Lan làm thuê (nhập cư bất hợp pháp). 

Hoàng Tiến Sỹ, một ngư dân trẻ, là người đã từng lái tàu đưa các tác giả báo cáo ra gần nơi Formosa xây cảng nước sâu Sơn Dương vào tháng 8 vừa qua. Em cho biết đó là lần đầu tiên em đi biển kể từ xảy ra thảm họa. Mới đây, lúc nhóm gặp lại em là lúc em đang ngồi chơi trước cổng nhà. Em nói: “Mọi việc vẫn thế”, và tỏ ra rất vui khi được Green Trees ký tặng một cuốn báo cáo.

Bồi thường không thỏa đáng

Liên quan đến khoản bồi thường 500 triệu USD của Formosa, chính quyền xã Kỳ Lợi đã tiến hành thống kê thiệt hại của người dân theo Quyết định 1880/QĐ-TTg ngày 19/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng chưa có hộ nào được chi trả gì. Xin lưu ý: Ngay cả khi được bồi thường, thì thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa cũng chỉ là sáu tháng, từ tháng 4/2016 đến hết tháng 9/2016.

Còn ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), chính quyền đã và đang trả tiền bồi thường cho dân. Tuy nhiên, phần lớn cư dân bị áp một mức chung là 17.460.000 đồng cho cả sáu tháng. Trong khi đó, theo kê khai của ngư dân, trước khi xảy ra thảm họa, thu nhập của họ đạt trung bình 2 triệu đồng/ngày.

Mức bồi thường không thỏa đáng đang gây bức xúc cho rất nhiều người dân.


Bản báo cáo “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển” của nhóm Green Trees được xuất bản vào đầu tháng 10, bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Đài Loan. 

Green Trees đã gửi báo cáo đến Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, và hai bộ Tài nguyên-Môi trường, Thông tin-Truyền thông, nhưng không nhận được phản hồi nào từ đó đến nay.

Bài và ảnh: Green Trees, tháng 11/2016

Thursday, 10 November 2016

Hillary thì sao mà Trump thì sao?

Một nửa số bạn trên Facebook của mình buồn vì bà Hillary Rodham Clinton thất cử và tỉ phú Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ. Nhiều bạn thích Hillary hơn vì một “background” có liên hệ đến Việt Nam (từng sang Việt Nam trên tư cách ngoại trưởng), bày tỏ lập trường có lợi cho Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, và còn vì bà có chồng là vị tổng thống mà dưới thời ông, Mỹ và Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ. Trong khi đó, lý lịch của ông Trump chẳng có liên quan gì với Việt Nam, ông còn tỏ ra kỳ thị, bài ngoại và hẳn là sẽ chẳng quan tâm đến cái xứ nhỏ xíu ở Đông Nam Á.

Vì thế, nhiều bạn của mình muốn Hillary làm tổng thống hơn, và sợ rằng Trump lên thì sẽ rất có hại cho tình hình dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam, bởi Trump sẽ bỏ mặc Việt Nam, để cho chính quyền công an trị này tha hồ đàn áp bắt bớ dân.

Nhưng cá nhân mình chẳng nghĩ Hillary trở thành tổng thống Mỹ thì sẽ quan tâm đến dân chủ, tự do cho Việt Nam và sẽ ngăn chặn nạn buôn dân của nhà nước Việt Nam xã nghĩa. Vì hai lý do:

Một là, vấn đề dân chủ-nhân quyền của Việt Nam phải do người dân Việt Nam quyết định. Chuyện của nước mình mà lại mong đợi Mỹ, EU hay bất kỳ quốc gia nào khác giải quyết giúp thì thật buồn và buồn cười. Chưa nói là Washington cũng có đầy vấn đề của riêng họ.

Hồi ở Mỹ, nhiều khi mình cũng phải ngạc nhiên (và xấu hổ) thấy các văn phòng nghị sĩ, dân biểu của họ cứ phải dành thời gian liên miên tiếp những nhà hoạt động đến từ hết Việt Nam lại Ethiopia, hết Azerbaijan lại Syria… Lo được cho chừng ấy nước thì đến bố Mỹ cũng chết chứ còn à. Đúng là, chuyện nhà chẳng giải quyết được, đành mang đi kêu hàng xóm - chắc tại trong nhà có thằng Chí Phèo côn đồ và cứng đầu quá.

Hai là, mình cảm thấy Hillary và đảng Dân chủ Mỹ luôn tiếp cận chính quyền Việt Nam với một đường lối mềm dẻo, nhẹ nhàng, và mình có cảm giác nếu Hillary làm tổng thống thì chính phủ của bà sẽ rất dễ bị nhà nước công an trị ở ta… bắt nạt. Mình hay hình dung “Đảng và Nhà nước” của công an xứ ta như một thằng Chí Phèo chẳng làm ăn gì, lâu lâu ngồi buồn ngứa ngáy chân tay lại rút hộp quẹt xòe lửa lên mái tranh hoặc túm vợ con ra đánh đấm để gây chú ý với thiên hạ, đặng xin tí tiền uống rượu tiếp.

Cũng giống như cha con vua Ủn ở Bắc Hàn thỉnh thoảng lôi hạt nhân ra tí toáy để dọa thế giới, chính quyền công an trị của Việt Nam cứ độ nửa năm, một năm lại bắt lấy 1-2 người hoạt động nhân quyền-dân chủ, bỏ tù để kiếm cớ “gây sức ép ngoại giao” với Mỹ. Chính quyền của bà Clinton – nếu bà ấy ngồi ghế tổng thống – là dễ bị bắt nạt kiểu đó lắm; nói chung phụ nữ có xu hướng thương và ngại bọn Chí Phèo quen lối rạch mặt ăn vạ, làm mình làm mẩy. Thế thì không khéo bà Hillary trở thành tổng thống, trong nhiệm kỳ của bà ấy, công an Việt Nam còn bắt nhiều nhà hoạt động hơn ấy chứ.

Còn nếu đó là Donald Trump, rất có thể ông ấy sẽ mặc kệ, kiểu “dân của mày, mày đánh bắt kệ con mẹ mày”. Thằng Chí Phèo mà biết trước là nó có bóp cổ vợ, đốt nhà, cũng chẳng ai buồn để ý, thì liệu nó có làm thế nữa hay không? Có thể không, nó sẽ tu tỉnh làm ăn. Mà cũng có thể nó sẽ kiếm trò khác còn kinh hơn nữa để gây chú ý cũng nên… cho đến lúc vợ con nó nổi khùng, táng lại.

Xin nhấn mạnh là mình hoàn toàn có thể sai. Tương lai thế nào ai mà biết được.

Cũng xin nói thêm là gạt hết chuyện Việt Nam qua một bên thì mình thích Hillary hơn và ủng hộ bà ấy làm Tổng thống Mỹ, vì một lý do đơn giản, duy nhất là, mình cũng là phụ nữ (như bà ấy).


Monday, 7 November 2016

Ngành an ninh đói dự án quá hay sao?

Đã thành lệ, cứ sau mỗi vụ bắt bớ chính trị trong nước, dư luận lại ồn ào phân tích, suy luận, phán đoán. 

Một ví dụ là tháng 5/2008, sau vụ bắt hai nhà báo Nguyễn Văn Hải (Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (Thanh Niên), làng báo Việt Nam trải qua nhiều ngày xao xác. Ai không quan tâm thì thôi, ai quan tâm thì sẽ đua nhau bàn tán, với đủ mọi giả thiết và thuyết âm mưu: “Đang Đại lễ Phật đản, đang họp Quốc hội, dư luận quốc tế đang nhìn vào. Sao lại bắt lúc này? Phải chăng là có một sự dàn dựng nào đó, để chứng minh một điều gì? Phải chăng là có một cuộc đấu đá nội bộ?”, v.v. 

Làn sóng bắt bớ nhằm vào những người hoạt động dân chủ, bắt đầu từ blogger Mẹ Nấm vào ngày 10/10 đến nay, một lần nữa làm dấy lên những phân tích, suy luận và phán đoán. Câu hỏi lớn nhất đặt ra luôn xoay quanh từ Tại Sao? Tại sao bắt? Tại sao lại là (những) người đó? Tại sao lại là lúc này? 

Buôn dân

Nói chung thì có nhiều lý do để lực lượng bảo vệ chế độ bắt một cá nhân nào đó, ví dụ:

- Cần dằn mặt phong trào đấu tranh;

- Cần gây mất tập trung, gây rối, làm nhiễu loạn phong trào đấu tranh, nôm na là “phá thối cho chúng nó không yên thân làm nổi việc gì”;

- Cần tiêu diệt ngay một nhóm hội có biểu hiện “có tổ chức, làm được việc”, bởi lý thuyết mà an ninh Việt Nam thuộc nằm lòng là luôn phải đập tan tổ chức phản động từ trong trứng nước, quyết không để tia lửa bùng phát thành ngọn lửa;

- Cần “hàng” để mặc cả cái gì đó với quốc tế, chủ yếu là Mỹ và phương Tây;

- Cần thể hiện cái gì đó với quốc tế, chủ yếu là Mỹ và Trung Quốc;

- Cần giải ngân nguồn kinh phí khổng lồ dành cho hoạt động trấn phản (chống phản động);

- Cần lên lon, lên lương, lên chức, khen thưởng;

- Phe này cần bắt để đổ vấy và bôi xấu phe kia (trong nội bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước);

- v.v.

Tóm lại là nhiều lý do, nhưng chẳng cái nào lương thiện.

Tất cả những lý do, mục đích để an ninh bắt người chỉ đều làm nổi lên một sự thực chua chát: Nhà nước CHXHCN Việt Nam là một nhà nước buôn dân. Cấp cao thì buôn tù nhân lương tâm để đổi lấy hợp đồng, hiệp định, điều ước quốc tế. Cấp thấp thì buôn người hoạt động dân chủ để lấy thành tích, lên lon, lên lương, lãnh thưởng.

Logic của việc "bắt phản động"

Sự thật vốn đơn giản lắm: Chống tình báo Hoa Nam, chống Tàu cộng để bảo vệ đất nước, thì tất nhiên với trình độ và năng lực vô cùng hạn chế của mình, an ninh Việt Nam bó tay rồi. Chống CIA, khủng bố ISIS lại càng không. Tóm lại là chẳng làm được gì nước ngoài, thôi thì quay sang đè bọn dân đen ra, dán cho nó cái nhãn “chống phá nhà nước”, “lật đổ chính quyền nhân dân”, thổi phồng nó lên cho nó có vẻ nguy hiểm, rồi bắt vậy. Có thế mới có cớ ăn lương hay giải ngân “kinh phí hỗ trợ” chứ, không thì thất nghiệp. 

Và vì vậy, những cá nhân lẻ loi hoạt động dân chủ-nhân quyền kia bỗng dưng bị đẩy lên thành phần tử nguy hiểm, đe dọa an ninh quốc gia. Sự thật đơn giản nhưng lại cay đắng: Họ trở thành nạn nhân của an ninh Việt Nam, nạn nhân của sự điên cuồng lập thành tích, kiếm chác. 

Ta thấy sự thật đó trong vụ án Điếu Cày và CLB Nhà báo Tự do (2012). Không ai nghĩ những blogger không thẻ nhà báo, không quan hệ thân thế, không địa vị, tiếng tăm… lại có thể trở thành một lực lượng đe dọa chế độ. Nhưng an ninh Việt Nam thì tin đấy, hay nói đúng hơn, an ninh cố tình đẩy Điếu Cày và CLB Nhà báo Tự do tới tầm đó. 

Ta thấy sự thật đó trong vụ án Trần Huỳnh Duy Thức – Lê Công Định – Lê Thăng Long (2010). Không ai nghĩ việc ba cá nhân lập ra một nhóm “nghiên cứu Chấn” để đăng bài trên blog Yahoo 360! lại có thể đe dọa chế độ. Nhưng an ninh Việt Nam thì tin đấy, hay nói đúng hơn, an ninh cố tình đẩy ba trí thức “trói gà không chặt” này tới tầm đó. 

Để tăng cường tính thuyết phục cho cáo trạng, an ninh còn vẽ thêm nhiều chi tiết bí hiểm và rắc rối, tạo cho đương sự vẻ “nặng tội”, như CLB Nhà báo Tự do có quan hệ với các đảng phái bên ngoài, nhận tiền đô-la của “thế lực thù địch”, Lê Công Định từng sang Thái Lan, dùng tới 7 cái điện thoại di động để che mắt cơ quan điều tra…

Ta thấy sự thật đó trong các vụ án Nguyễn Xuân Nghĩa Phạm Thanh Nghiên, Hùng  Hạnh – Chương, 14 thanh niên Công giáo, Phương Uyên – Đinh Nguyên Kha, Ba Sàm Minh Thúy. Ta rồi cũng sẽ thấy điều đó trong các vụ án Nguyễn Văn Đài – Lê Thu Hà, Mẹ Nấm, Hồ Hải, Lưu Văn Vịnh… sau này.

Thực chất là tất cả các cá nhân ấy có thể nguy hiểm, nhưng không tới mức đe dọa cả chế độ. Chính quyền công an trị này, tuy thối nát, song thừa đủ sức mạnh để đè bẹp bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào mới manh nha có ảnh hưởng tới xã hội. 

Song, các cá nhân đó vẫn bị bắt, vẫn bị xét xử và kết án như những tội phạm đe dọa an ninh quốc gia, vì lực lượng an ninh cần thế. Logic ở đây là: Bảo vệ an ninh quốc gia thật thì khó lắm, bất khả thi lắm, cho nên thôi thì bảo vệ Đảng cho nó dễ, rồi gọi đấy là vấn đề an ninh quốc gia là xong. Cứ đè mấy đứa “dân chủ-nhân quyền” ra mà trấn áp, coi như hoạt động của chúng nó là xâm hại an ninh quốc gia. Kiểm soát, đánh, bắt, tiêu diệt bọn ấy rất dễ dàng, vì bọn nó có chống lại được đâu, chẳng khác lũ gà trong chuồng, thích hốt lúc nào thì hốt. Đã thế công việc lại ra tiền, mà nhiều tiền nữa - gì chứ kinh phí cho an ninh quốc gia thì miễn hỏi, miễn công khai. Được lợi nhiều bề, tội gì không làm.

Còn Đảng còn mình, còn Đảng còn tiền, nghĩa là như thế đó.

Friday, 4 November 2016

Vì đâu "mạng người Việt Nam rẻ lắm"?

Ý thức về nhân quyền lâu nay đã được chính quyền Việt Nam xóa bỏ về căn bản, và họ cũng đã thành công trong việc “dạy” cho phần lớn dân chúng nghĩ về nhân quyền như một cái gì đó xa lạ, nhạy cảm, thậm chí đáng sợ hay đáng ghét, gắn với “hải ngoại”, “cờ vàng lưu vong” và là một chiêu bài để “phản động” lợi dụng nhằm chống phá, lật đổ nhà nước.

Tiếc rằng rất có thể chính thứ tư duy đó là khởi nguồn của những gì chúng ta chứng kiến và chịu đựng hàng chục năm nay, mà chỉ đến bây giờ, nhờ Internet và mạng xã hội, chúng mới bộc lộ và phản ánh một sự thực: Chúng ta quá dễ chết. 

Chúng ta chết vì bệnh tật. Không chỉ vì ung thư mà còn vì nhiều căn bệnh khác: xơ gan, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim… và đừng quên: tự tử vì trầm cảm.

Chúng ta chết vì tai nạn giao thông.

Chúng ta chết vì ngộ độc thực phẩm.

Chúng ta chết đuối vì sông ngòi, hồ nước, biển.

Chúng ta chết đuối vì lũ lụt thiên tai và lũ lụt nhân tai (thủy điện xả lũ).

Chúng ta chết vì điện giật, sét đánh.

Chúng ta chết vì rắn cắn, chó cắn, ong đốt.

Chúng ta chết cháy vì hỏa hoạn.

Chúng ta chết vì (ai đó) cưa bom.

Chúng ta chết ngạt vì bếp than tổ ong.

Chúng ta chết vì… bị người khác giết (đánh chết, cắt cổ chết, đâm chết, v.v.).

Chưa có một thống kê nào đáng tin cậy về tỷ lệ tử ở nước ta, chỉ có thể chắc là nó rất cao (không thể chỉ là 5,6/1000 vào năm 2001 như một cuốn SGK nào đó dạy).

Trên đây là các nguyên nhân trực tiếp, nhưng suy cho cùng, tất cả chúng ta đều quá dễ chết, bởi vì một nguyên nhân gián tiếp: Chúng ta sống trong một xã hội độc tài, nơi tính mạng con người rẻ như bèo, do người dân không hề được tôn trọng, không hề có nhân quyền.

Những chính sách của bộ máy Đảng và Nhà nước hiện nay, nếu chúng vì nhân quyền một chút thôi – tức là vì người dân chứ đừng vì sự trường tồn của đảng – thì con người đã được quý trọng hơn bao nhiêu, xã hội đã phát triển biết bao nhiêu.

Những quan chức, cán bộ lãnh đạo hiện nay, nếu họ vì nhân quyền một chút thôi, thì các chính sách đã thông minh hơn biết bao nhiêu.

Khi ấy, ý thức của cả xã hội về nhân quyền sẽ khác. Chúng ta sẽ biết xót nhau hơn. Chính quyền, thay vì đàn áp hay để kệ "sống chết mặc bay", sẽ bảo vệ, chăm lo cho dân, từ những hoạt động như hướng dẫn, tuyên truyền các kỹ năng thoát hiểm, đến huy động nguồn lực sơ tán, cứu trợ từng người dân trong thiên tai, và lăn xả bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài; từ việc xây dựng quy chuẩn luật pháp để bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn lao động, đến một việc rất đỗi bình thường là hãy để yên cho xã hội dân sự phát triển và làm những gì họ có thể làm, đừng kìm kẹp, hành hạ họ nữa.

Khi ấy, tất cả chúng ta đều sẽ thấy nhân quyền là tối quan trọng và con người là quý giá lắm – bất kể là người nào. Sẽ không ai khoái trá vì sự kiện một nhóm cán bộ chết cháy trong phòng karaoke; không ai hả hê nghĩ đến cảnh sau này “treo cổ mấy thằng lãnh đạo”; không ai tỉnh bơ “xả lũ đúng quy trình” trong đêm, mặc kệ dân chới với trong nước lụt…

Dân Việt cứ hay nói với nhau: “Bọn Tây nó sợ chết”, “Bên Tây nó quý con người lắm”…

Lẽ ra dân Việt nên hiểu thêm rằng “bọn Việt Nam” cũng phải như thế; sự khác biệt chẳng qua là vì chính quyền các xứ ấy tôn trọng nhân quyền, còn “Đảng và Nhà nước” thì không mà thôi. Mạng người Việt Nam rẻ là vì vậy.

Ảnh: Nguyễn Lân Thắng.

Tuesday, 1 November 2016

Tròn một năm chuyến kinh lý phương Nam của "Hoàng đế Tập"

Một năm trước, vào thời gian này, không khí khủng bố và đàn áp đang dâng lên khắp Hà Nội và Sài Gòn, trước chuyến kinh lý phương Nam của thái thú Tập Cận Bình.

Ở Hà Nội, tối 21/10 năm ngoái, “côn đồ” tấn công nhà riêng anh Nguyễn Lân Thắng. Tối 24/10, “côn đồ” chém Lý Quang Sơn, làm thằng bé chảy máu tay be bét, may mà chạy thoát kịp.

Chiều 3/11, bọn mình láng cháng ra khu bảo tàng Hồ Chí Minh - Chùa Một Cột chơi, chụp ảnh “Việt Nam không thể lệ thuộc Trung Quốc”. Vào đến nơi đấy rồi mà một tốp an ninh vẫn theo nhằng nhẵng, mặt mày gian xảo và đặc biệt là ánh mắt rất ác – cái ánh mắt không thể lẫn vào đâu được, và những người đã quen với cuộc sống bị an ninh rình rập thì cũng không bao giờ có thể quên được nó.

Thấy không khí có vẻ căng thẳng, bọn mình kéo nhau sang gò Đống Đa. Đến đây thì “hỗn chiến” nổ ra, khi cả loạt “quần chúng tự phát” xuất hiện. Đó là những thanh niên to khỏe, trong độ tuổi lao động, không hiểu sao lại có cái thú vào Lăng Bác và gò Đống Đa trong giờ hành chính. Đám này gầm rít, chửi rủa bọn mình, chỉ một hai câu lặp đi lặp lại: “Địt mẹ bọn mày. Địt mẹ bọn phản động. Chúng mày yêu nước kiểu phản động à? Bố giết chết mẹ chúng mày”. Cứ thế. Một chú thanh niên đứng từ phía sau đẩy mình đánh uỳnh một cái; mình ngã văng ra tới gần 2 mét. Thấy hắn đánh lén, Thảo Gạo giận quá hét lên: “Này, làm cái trò gì đấy?” rồi xông đến trừng mắt nhìn thẳng vào mặt hắn, làm “quần chúng” này sững lại mất một lúc.

Tuy thế, so sánh đội hình thì rõ ràng là hơn chục “quần chúng tự phát” to khỏe và đông đảo về số lượng hơn hẳn 5-6 đứa loẻo khoẻo bọn mình, nên bọn mình cũng lẳng lặng lấy xe máy, bỏ đi. Các “quần chúng” vẫn chửi xối xả sau lưng.

Phải nói rằng giấu mặt kích động, giật dây, xúi giục là sở trường của an ninh Việt Nam. Một sở trường nữa là phá hoại những thông điệp của ngoại giao nhân dân. Cứ khi nào người dân cần đoàn kết, cần thể hiện tinh thần yêu nước, hay cần chuyển tải một thông điệp đến chính quyền hoặc ra bên ngoài, là y như rằng an ninh phá.

Những cuộc biểu tình năm ngoái, trước và trong khi Tập Cận Bình sang Việt Nam, hẳn đã là một thông điệp phản đối rất mạnh mẽ gửi tới họ Tập, nếu không bị công an phá và đàn áp, tức là nếu họ Tập được tiếp cận với thông tin về biểu tình.

Nhưng trên thực tế, thái thú họ Tập đã chỉ ở trong phòng khánh tiết “trướng rủ màn che”, đã chỉ đi trên thảm đỏ, dự những bữa tiệc linh đình mà các đồng chí phương Nam bày ra. Y đâu có thấy cảnh biều tình ngùn ngụt phẫn nộ ở Hà Nội và Sài Gòn để mà hiểu dân chúng căm ghét y bao nhiêu và không ai có nhu cầu làm “bạn vàng bốn tốt” với xứ sở của y cả, y đâu có thấy cảnh bạo lực dâng lên khắp thành phố để hiểu công an Việt Nam một lòng một dạ trung thành, phò hai đảng biết bao nhiêu.

Và mình cứ hình dung cảnh này: Chễm chệ trên chiếc ghế sang trọng, thái thú lim dim mắt hỏi tình hình Giao Chỉ thế nào. Xung quanh sẽ lao xao: “Bẩm, ổn định lắm ạ, dân man thảy đều mừng rỡ chào đón Hoàng đế ngài kinh lý qua đây, không đứa nào hó hé gì cả”.


Thảo Gạo tại Hoàng Thành Thăng Long, 1/11/2015.