Friday, 4 November 2016

Vì đâu "mạng người Việt Nam rẻ lắm"?

Ý thức về nhân quyền lâu nay đã được chính quyền Việt Nam xóa bỏ về căn bản, và họ cũng đã thành công trong việc “dạy” cho phần lớn dân chúng nghĩ về nhân quyền như một cái gì đó xa lạ, nhạy cảm, thậm chí đáng sợ hay đáng ghét, gắn với “hải ngoại”, “cờ vàng lưu vong” và là một chiêu bài để “phản động” lợi dụng nhằm chống phá, lật đổ nhà nước.

Tiếc rằng rất có thể chính thứ tư duy đó là khởi nguồn của những gì chúng ta chứng kiến và chịu đựng hàng chục năm nay, mà chỉ đến bây giờ, nhờ Internet và mạng xã hội, chúng mới bộc lộ và phản ánh một sự thực: Chúng ta quá dễ chết. 

Chúng ta chết vì bệnh tật. Không chỉ vì ung thư mà còn vì nhiều căn bệnh khác: xơ gan, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim… và đừng quên: tự tử vì trầm cảm.

Chúng ta chết vì tai nạn giao thông.

Chúng ta chết vì ngộ độc thực phẩm.

Chúng ta chết đuối vì sông ngòi, hồ nước, biển.

Chúng ta chết đuối vì lũ lụt thiên tai và lũ lụt nhân tai (thủy điện xả lũ).

Chúng ta chết vì điện giật, sét đánh.

Chúng ta chết vì rắn cắn, chó cắn, ong đốt.

Chúng ta chết cháy vì hỏa hoạn.

Chúng ta chết vì (ai đó) cưa bom.

Chúng ta chết ngạt vì bếp than tổ ong.

Chúng ta chết vì… bị người khác giết (đánh chết, cắt cổ chết, đâm chết, v.v.).

Chưa có một thống kê nào đáng tin cậy về tỷ lệ tử ở nước ta, chỉ có thể chắc là nó rất cao (không thể chỉ là 5,6/1000 vào năm 2001 như một cuốn SGK nào đó dạy).

Trên đây là các nguyên nhân trực tiếp, nhưng suy cho cùng, tất cả chúng ta đều quá dễ chết, bởi vì một nguyên nhân gián tiếp: Chúng ta sống trong một xã hội độc tài, nơi tính mạng con người rẻ như bèo, do người dân không hề được tôn trọng, không hề có nhân quyền.

Những chính sách của bộ máy Đảng và Nhà nước hiện nay, nếu chúng vì nhân quyền một chút thôi – tức là vì người dân chứ đừng vì sự trường tồn của đảng – thì con người đã được quý trọng hơn bao nhiêu, xã hội đã phát triển biết bao nhiêu.

Những quan chức, cán bộ lãnh đạo hiện nay, nếu họ vì nhân quyền một chút thôi, thì các chính sách đã thông minh hơn biết bao nhiêu.

Khi ấy, ý thức của cả xã hội về nhân quyền sẽ khác. Chúng ta sẽ biết xót nhau hơn. Chính quyền, thay vì đàn áp hay để kệ "sống chết mặc bay", sẽ bảo vệ, chăm lo cho dân, từ những hoạt động như hướng dẫn, tuyên truyền các kỹ năng thoát hiểm, đến huy động nguồn lực sơ tán, cứu trợ từng người dân trong thiên tai, và lăn xả bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài; từ việc xây dựng quy chuẩn luật pháp để bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn lao động, đến một việc rất đỗi bình thường là hãy để yên cho xã hội dân sự phát triển và làm những gì họ có thể làm, đừng kìm kẹp, hành hạ họ nữa.

Khi ấy, tất cả chúng ta đều sẽ thấy nhân quyền là tối quan trọng và con người là quý giá lắm – bất kể là người nào. Sẽ không ai khoái trá vì sự kiện một nhóm cán bộ chết cháy trong phòng karaoke; không ai hả hê nghĩ đến cảnh sau này “treo cổ mấy thằng lãnh đạo”; không ai tỉnh bơ “xả lũ đúng quy trình” trong đêm, mặc kệ dân chới với trong nước lụt…

Dân Việt cứ hay nói với nhau: “Bọn Tây nó sợ chết”, “Bên Tây nó quý con người lắm”…

Lẽ ra dân Việt nên hiểu thêm rằng “bọn Việt Nam” cũng phải như thế; sự khác biệt chẳng qua là vì chính quyền các xứ ấy tôn trọng nhân quyền, còn “Đảng và Nhà nước” thì không mà thôi. Mạng người Việt Nam rẻ là vì vậy.

Ảnh: Nguyễn Lân Thắng.