Wednesday, 28 December 2016

Mấy người làm gì mà bị đối xử như thế?

Mỗi khi thấy ai đó gặp rắc rối với an ninh Việt Nam và các thể loại tay sai – ví dụ bị đánh hộc máu, bị nhốt vào đồn, bị ném mắm tôm vào nhà hay bị đổ keo trét đầy ổ khóa để không ra ngoài được – người dân thường, bên cạnh cảm giác xót xa và thương cảm (nếu có), cũng dễ thắc mắc: “Không hiểu mấy ông bà ấy làm gì mà bị đối xử như vậy?”.

Bên cạnh đó, dư luận viên và những người tư duy kiểu dư luận viên thường hay đặt câu hỏi “cắc cớ” cho ra vẻ ta đây có óc suy luận, kiểu như sau: “Thì bọn đấy cũng phải làm gì mới bị như thế chứ. Như tớ đây, viết bài trên mạng, tổ chức mít-tinh đông người, dự hội thảo nước ngoài nước trong, đi lại thoải mái, xuất cảnh ầm ầm, có sao đâu”.

Một số trí thức băn khoăn: “Có thể do đường lối đấu tranh của những người đó chưa đủ ôn hòa, vẫn còn cực đoan quá, kích động quá, nên mới bị chính quyền ghét mà trấn áp nặng tay chăng?”.

Kỳ thị và ngược đãi

Các cách đặt câu hỏi thì nhiều, nhưng nội dung cơ bản thì chỉ có một: Những người ấy phải làm gì mới bị như thế chứ?

Và câu trả lời cũng chỉ có một: Đúng, những người bị công an đàn áp đúng là có “làm gì” thật. Đúng là có những sự kiện mà người bình thường làm thì không sao, nhưng có một số công dân đặc biệt hễ cứ làm là bị cản phá, nặng hơn thì bị đánh đập, bắt nhốt, bỏ tù v.v.

Ông Trương Minh Hưởng
bị CA đánh ngày 22/12/2016.
Ảnh: LS. Hà Huy Sơn.
Đúng là mỗi ngày trên đất nước này, có hàng chục, hàng trăm hội thảo, hội nghị, với hàng nghìn người tham dự. Phần lớn các hội thảo, hội nghị đó đều có tiền cho ban tổ chức, thậm chí phong bì cho người dự, cho báo đài đến đưa tin. Đó là tiền rót từ ngân sách hoặc tiền do tư nhân tài trợ. Nhưng có một số công dân hễ cứ mon men tham gia là bị an ninh canh cửa, chặn đường, bắt nhốt. Và có một số hội thảo hễ cứ tổ chức là bị an ninh kéo cả đàn tới phá, cúp điện, cắt nước, gây rối, đe dọa người tham dự, thậm chí bắt giữ ban tổ chức.

Đúng là mỗi ngày có hàng nghìn người Việt Nam xuất cảnh, trong đó có không ít thanh niên du học hoặc tham gia sự kiện này khác ở nước ngoài. Nhưng có một số công dân hễ cứ ra sân bay là bị lôi vào đồn công an cửa khẩu thẩm vấn (thật ra là hỏi vớ vẩn để câu giờ cho họ trễ chuyến bay), rồi tịch thu hộ chiếu hoặc trương ra cái lệnh cấm xuất cảnh.

Đúng là mỗi ngày có hàng nghìn người Việt Nam nhập cảnh. Nhưng có một số công dân hễ cứ trở về nước sau một chuyến thực tập hoặc hội thảo, là bị lôi vào đồn công an cửa khẩu thẩm vấn, vặn vẹo xem đi đâu về, làm gì ở bên ngoài, và quan trọng nhất là “ai cho tiền mà đi?”.

Đúng là lâu lâu ở Việt Nam, cũng có diễn ra những cuộc tuần hành (tiếng Việt cộng sản gọi là “mít-tinh”), đạp xe, chạy bộ v.v. với các mục đích kỷ niệm một sự kiện gì đó, hay bảo vệ cái gì đó. Và các cuộc tuần hành, đạp xe hay chạy bộ đó đều diễn ra ổn thỏa, thậm chí còn được báo đài đưa tin, được “lên ti vi” – một cụm từ đầy hãnh diện, đáng tự hào.

Nhưng có một số công dân hễ cứ tụ tập và tuần hành – cho dù họ ôn hòa đến đâu, cho dù vì mục đích chống Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ môi trường hay bất cứ cái gì khác – là bị an ninh, dân phòng đổ xô đến bẻ tay, bẻ cổ, bắt lên xe buýt tống về đồn, về trại phục hồi nhân phẩm hay mấy cơ quan khác. Trong lúc bắt, an ninh, dân phòng cũng không quên tranh thủ bấm huyệt, cấu véo họ, tiện thì đạp chân, móc sườn, bóp cổ… Cờ quạt, biểu ngữ, băng-rôn của họ bị giật, bị xé, bị cướp sạch.

Tất cả những điều trên đều đúng cả. Đúng là có những sự kiện mà người bình thường làm thì không sao, nhưng có một số công dân đặc biệt hễ cứ làm là bị cản phá, đánh đập, bắt nhốt, bỏ tù v.v.

Đúng là “mình phải thế nào mới bị người ta đối xử như thế chứ”.

Họ đã làm gì?

Sự thực là họ có làm gì thật. Tất cả họ đều có một điểm chung: Họ là những người ủng hộ dân chủ, nhân quyền; họ không chấp nhận sự kiểm soát của độc tài đối với đất nước – nói theo cách của tuyên giáo thì họ “không chấp hành đường lối”, “không chịu sự quản lý của Đảng và Nhà nước”. Hội thảo, hội nghị, du học, tuần hành, mít-tinh, biểu tình… gì thì gì, cứ phải theo sự chỉ đạo thống nhất, không phục tùng đường lối thì nện cho là phải rồi.

Hơn thế nữa, điều mà chính quyền công an trị ghét nhất ở họ còn là: Những gì họ làm có nguy cơ khiến cho dân chúng cũng bớt sợ hãi mà dám đứng thẳng dậy, thách thức những điều sai trái của chế độ, do chế độ gây ra. Một nhà nước mà dân lại ý thức được quyền của mình và không sợ chính quyền nữa, thì còn gì là độc tài độc đảng.

Nói cách khác, những kẻ “bướng bỉnh” đó có thể tạo tiền đề cho một sự thay đổi – điều mà đảng và nhà nước công an trị không thể chấp nhận.

Họ ủng hộ dân chủ, và trong thể chế độc tài thì họ trở thành những người bất đồng chính kiến.

Thông điệp từ những người hoạt động - mà chính quyền CA trị căm ghét nhất - 
luôn là: Không sợ hãi.

Người bất đồng chính kiến chính là nhóm bị kỳ thị và ngược đãi nhất hiện nay ở Việt Nam, và sự kỳ thị, ngược đãi ấy chỉ đến từ phía chính quyền chứ không phải từ xã hội.

Hơn cả LGBT, hơn cả bà con dân tộc thiểu số, hơn cả dân nghèo, người tàn tật, khuyết tật v.v., người bất đồng chính kiến mới là nhóm dân bị chính quyền ra mặt hành hạ, đàn áp, triệt đường sống và nói chung là muốn tiêu diệt.

* * *

Đó. Đó là câu trả lời cho thắc mắc “không biết mấy người làm gì mà bị đối xử như thế”.