Tuesday 31 January 2017

Năm Gà, xin hãy cất cao tiếng gáy!

Không tính các quan chức cộng sản (tức những người có chức có quyền) và các doanh nhân XHCN mới giàu (những người mạnh vì gạo, bạo vì tiền), xã hội Việt Nam nói chung vẫn dành một sự vị nể nhất định cho trí thức, xem họ là giới tinh hoa.

Và tất nhiên, cả phong trào dân chủ cũng vậy. Đa số những người hoạt động dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam đều có sự trọng thị đối với nhân sĩ trí thức. Cuộc tuần hành, biểu tình nào có mặt trí thức thì dường như sang trọng, có tính chính danh hẳn lên, và nhất định là hình ảnh của trí thức đó sẽ được đăng tải, chia sẻ rộn ràng trên mạng xã hội. Cuộc phỏng vấn nào của truyền thông quốc doanh với trí thức cũng được chú ý ít nhiều; lời nào của họ mang tính phản biện mạnh mẽ một chút (mà vẫn được báo chí duyệt đăng) đều sẽ được chia sẻ, trích dẫn nhiều nơi trên facebook.

Thái độ vị nể trí thức đó là một điều tốt. Một xã hội trọng thị trí thức cũng là xã hội tốt, vì nó cho thấy người ta tôn trọng tri thức cũng như ngưỡng mộ những người đã đầu tư cuộc đời vào việc theo đuổi và phát triển tri thức.

Tuy nhiên, có một sự thật không phải ai cũng thấy, đó là: Trong xã hội hiện đại, “biển học vô bờ”, tri thức đã mở rộng và chuyên biệt hóa thành vô số ngành chuyên sâu, mà trong đó, hoạt động chính trị cũng là một lĩnh vực cực kỳ rộng lớn (bản thân nó cũng chia thành nhiều nhánh nữa). Và một thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí viện sĩ trong một ngành khoa học nào đó, không nhất thiết là người biết đấu tranh chính trị, không nhất thiết là chuyên gia trong hoạt động dân chủ-nhân quyền.

Khuyên và tư vấn

Đôi khi ta có thể nghe thấy những lời khuyên như thế này từ những người đi trước, trong đó có cả trí thức:

- Làm gì thì làm, phải biết lúc tiến lúc lùi. Thời điểm này cộng sản còn mạnh lắm, chưa thể có đối lập, mà nếu có thì cũng không làm gì nổi cộng sản đâu.

- Không ai chống cộng sản giỏi hơn chính người cộng sản. Cứ để nó tự chết, không cần làm gì cả.

- Viết thì gì viết, phải tỉnh, phải khéo, làm sao để “nó” không làm gì được mình mà dân vẫn hiểu được ý mình muốn nói.

- Không phải cứ xuống đường biểu tình là hay đâu. Cực đoan quá, dân người ta sợ, mà cuối cùng cũng có thay đổi được gì đâu. Cần những cách làm khôn khéo hơn.

Hãy cứ tin những lời khuyên đó xuất phát hoàn toàn từ thành ý và thiện chí đối với phong trào dân chủ. Nhưng ta cũng nên nhớ thêm rằng một chuyên gia hàng đầu trong một ngành khoa học nào đó không nhất thiết là người biết đấu tranh chính trị.

Chống độc tài, trong đó có đấu tranh phi bạo lực, thật sự là một lĩnh vực rất mới ở Việt Nam và ít ai có thể nói hay được về nó, cho dù người ấy có là bậc đại trí thức đi chăng nữa.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng:
"Con gà kiểu Nhật và con gà kiểu Tàu:
Một bên thể hiện chí kiêu hùng,
một bên chỉ mơ có tiền".

"Chờ khi có lợi"

Ở ta thường có câu: “Cái này đưa ra vào thời điểm này chưa có lợi”. Ví dụ đạo diễn Đặng Nhật Minh khi trình kịch bản phim Mùa Ổi lên Hội đồng duyệt, được trả lời: “Trong giai đoạn này, dựng phim chưa có lợi”. Về sau ông Minh trả lời phỏng vấn báo An Ninh Thế Giới, có kể: “Tôi chờ hai năm, làm sao biết lúc nào có lợi, tôi sốt ruột quá vì không thể chờ sang năm thứ ba”.

Đó. Đúng là ai cũng có thể dễ dàng khuyên người khác “chờ thời điểm có lợi” rồi mới làm cái gì đó. Vấn đề là làm sao biết lúc nào có lợi?

Người viết bài này, với tư cách một nhà báo, có quan điểm sau:

Trong kinh doanh, thời điểm tốt để khởi nghiệp là khi thị trường đã có nhu cầu mà chưa ai đưa ra được giải pháp, và thành công là khi bạn làm việc gì mà chưa ai làm, chứ không phải là khi mọi người đã làm rồi và bạn “hòa vào dòng chảy”. Cơ hội của bạn chỉ là cơ hội khi chưa ai phát hiện ra nó, còn khi nhiều người đã nhìn thấy nó, thậm chí thực thi nó rồi, thì nó không còn là cơ hội nữa.

Trong nghề viết cũng vậy. Bạn phải là người viết thay cho mọi người, viết lên điều mà nhiều người muốn nói mà không nói được, chứ không phải ngồi chờ tới lúc ai cũng nói rồi, viết rồi và bạn lên tiếng để “hòa vào dòng chảy”.

Muốn nắm được cơ hội, bạn phải hiểu thị trường, hay rộng ra là hiểu xã hội. Chẳng hạn, đến thời điểm này, nếu là người viết, chúng ta phải ý thức được rằng cái thời của sự bóng gió đã qua rồi. Độc giả nhìn chung không còn ưa thích, không còn cần đến những truyện ngụ ngôn, những ám chỉ, phiếm chỉ, nói bóng nói gió để trình bày một vấn đề chính trị nào đó nữa.

Còn người dân Việt Nam nói chung thì cần những giải pháp, được trình bày một cách rõ ràng, thuyết phục và hấp dẫn, chứ không cần những lời ca thán, và đặc biệt chán ghét sự dài dòng, lằng nhằng, bóng gió.

Trên tất cả, họ cần trí thức lên tiếng, đưa ra giải pháp và cùng họ thực hiện. Tất cả đều phải được nêu lên rõ ràng, thuyết phục, hấp dẫn và tất nhiên, mạnh mẽ. Họ không cần những lời khuyên “phải tỉnh, phải khéo” nữa.

Nếu cần bóng gió thì xin được viết rằng: Năm nay là năm con gà trống (rooster), nên rất mong giới tinh hoa sẽ hùng dũng ngẩng cao đầu, đập cánh và gáy vang…

Monday 30 January 2017

Đôi lời trần tình đầu năm về chuyện "chửi công an"

Một vài người quen, bạn bè của tôi có thắc mắc “sao Trang ‘chửi công an’ ghê thế”. Có một chị đồng nghiệp, sau khi chia sẻ với tôi nhiều điều, mới hạ giọng: “Hỏi thật, hai chân thế nào rồi, đau lắm phải không? Vì tôi thấy mỗi lần cô viết về công an, tôi thấy giọng cô khác, nặng nề quá, không phải là cô nữa. Những lúc đó, tôi nghĩ chắc cô đang đau lắm”.

Tôi chỉ cười cười, không biết nói sao. Không phải vì sợ hay có điều gì phải giấu giếm, mà chỉ đơn giản vì tôi mắc một thứ “bệnh nghề nghiệp” của nhiều nhà báo, đó là luôn cảm thấy khó khăn khi nói về bản thân.

Tuy nhiên, về chuyện “chửi công an” trong năm vừa qua, thì có thể làm rõ một vài vấn đề như sau:

Thứ nhất, nó không liên quan đến chấn thương của tôi. Nói cách khác, không phải vì bị công an đánh què chân mà tôi đâm ra thích chỉ trích họ.

Thứ hai, nếu xem kỹ, bạn đọc có thể thấy tôi không “chửi”, mà là vạch mặt và lên án họ.

Thứ ba, đối tượng của sự lên án không phải là toàn ngành công an nói chung, mà định danh chính xác là “lực lượng an ninh bảo vệ chế độ”, tức là những kẻ mà lợi ích đang gắn chặt với chế độ độc tài và vì thế, ra sức bảo vệ nó.

Chẳng người bình thường, có suy nghĩ nào lại không hiểu công an là một nghề trong xã hội, nên nó phải được hưởng sự tôn trọng bình đẳng với mọi nghề khác. Hơn thế nữa, do sứ mệnh của nó là bảo vệ quyền và quyền tự do của người dân, vì lợi ích cộng đồng, cho nên đúng ra nó còn là một nghề cao quý, như những nghề phục vụ cộng đồng khác.

Tiếc rằng ở xứ độc tài cộng sản, nghề công an đã bị bóp méo đến biến dạng. Nó đã hư hỏng ngay từ đầu (năm 1945), khi dung nạp nhan nhản những thành phần thất học, bất lương, thậm chí lưu manh, vào trong lực lượng. Chiến tranh càng là cơ hội cho nó hỏng thêm, bởi lẽ trong chiến tranh, vì mục đích “chiến thắng”, người ta có thể làm tất cả, đương nhiên kể cả chà đạp lên pháp luật và nhân quyền: Thời chiến, công an có thể mặc nhiên ám sát bất kỳ ai bị nghi là “Việt gian”, “phản bội cách mạng”, mà không cần một quá trình điều tra, xét xử nào. Ví dụ như chiến sĩ công an nhân dân Võ Thị Sáu đã vài lần dùng lựu đạn giết và làm bị thương hàng chục người, trong đó chỉ có một sĩ quan Pháp, còn lại đều là người Việt. Chẳng ai biết họ phạm tội gì mà bị chị Sáu “thay mặt cách mạng” trừng trị như vậy.

Dù sao cũng phải nói rằng, chiến tranh là khi cuộc sống đảo lộn và xã hội đã biến dạng; không thể thực hành dân chủ, nhà nước pháp quyền hay thực thi nhân quyền trong thời chiến được. Vì thế, khó có thể dùng nhãn quan của người trong thời bình để phán xét các hành động xảy ra trong chiến tranh, và cũng vì thế, chiến tranh là đáng ghê tởm.

Tuy nhiên, sau chiến tranh, nghề công an ở Việt Nam tiếp tục hư hỏng khi trở thành công cụ trong tay đảng độc tài, trong đó, đội ngũ an ninh bảo vệ chế độ trở thành lực lượng phản động nhất, vì chúng tiếp tay cho đảng đắc lực nhất. Dần dần, chính chúng cũng sử dụng đảng và “lý tưởng” của đảng làm công cụ, chiêu bài để kiếm chác.

Cụ thể hơn, đội ngũ ấy là cái hang ổ có những tên gọi như: “Tổng cục An ninh”, “Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an”… Không một hoạt động nào của hang ổ này được công khai, kể cả địa chỉ chính xác của nó. Ngân sách dành cho nó đương nhiên là bí mật nhà nước; công việc, nhiệm vụ của nó, danh tính của nhân viên cũng được giữ kín. Nói chung, tính bí mật, mưu mô, thủ đoạn là đặc thù và cũng là sức mạnh của nó, cứ phải công khai minh bạch cái gì là nó chết.

Cho nên nó càng không thể công khai sự bất lực và đê hèn của nó: Không chống nổi tình báo Trung Quốc, không bảo vệ được an ninh quốc gia, chủ quyền quốc gia, thì đè mấy thằng dân đen ra mà chống, rồi dán cho dân cái nhãn “khủng bố”, “xâm hại an ninh quốc gia”. Không có phản động thì vẽ ra phản động, vẽ ra thế lực thù địch, chống phá. Luôn luôn, an ninh Việt Nam phải tạo ra kẻ thù, phải có kẻ thù, vì thực sự chúng sống nhờ kẻ thù. Không có “bọn dân chủ”, an ninh cạp đất mà ăn.

Ném mắm tôm vào "kẻ thù của chế độ",
cho dù có là trẻ con.
Nghiệp vụ của an ninh đó.
 
Đã thành lệ, cứ sau mỗi vụ bắt bớ, đàn áp, lại có an ninh lên lương, lên chức. Ít người biết rằng vụ bắt Thúy Nga sẽ giúp một đồng chí thượng tá kịp được thăng lên đại tá trước khi nghỉ hưu, để khi “về vườn” sẽ được hưởng lương cao hơn. Cũng ít người biết rằng, mỗi vụ phá một hoạt động nào đó của “bọn dân chủ”, như hội thảo, lớp học, biểu tình… đều ghi điểm cho ít nhất một đồng chí an ninh, để khi xét thi đua sẽ được hưởng thêm nhiều lợi tức.

Chúng gọi những người hoạt động xã hội là “bọn dân chủ”, “bọn lợi dụng chiêu bài nhân quyền để gây rối và chống phá nhà nước”. Nhưng thực chất, chính chúng mới là những kẻ lợi dụng chiêu bài “bảo vệ chế độ” để vẽ dự án, xin kinh phí, xin hỗ trợ, nhằm đàn áp dân chủ và phá hoại sự phát triển bình thường của xã hội, và CHỈ ĐỂ ĐỚP.

Những kẻ kiếm ăn và làm giàu nhờ tự do của người khác như thế, bạn nghĩ chúng có đáng bị “chửi” không? Có lẽ chúng đáng bị một điều gì hơn vậy nữa kia.

* * *

Dẫu sao, trong năm 2017, ngoài những bài tấn công vào lực lượng “còn đảng còn mình”, tôi sẽ cố gắng viết về một vài lĩnh vực khác mà tôi rất quan tâm, và có lẽ đó cũng là những lĩnh vực mà nhiều người dân Việt Nam như tôi cần phải biết: chính trị và chính sách công.

Đảng Cộng sản đã và đang ăn tàn phá hại đất nước này. Tham nhũng, bóp nghẹt doanh nghiệp tư nhân, kìm hãm tầng lớp trung lưu, cấu kết với tư bản đỏ tàn phá môi trường và tài nguyên, tiêu diệt xã hội dân sự, nhồi sọ và tẩy não thanh niên… Như Lech Walesa (nhà hoạt động công đoàn, tổng thống Ba Lan sau cải cách) đã nói: “Người cộng sản là những tổ sư về phá hoại. Họ có thể biến cái hồ cá thành tô súp cá dễ như chơi. Cái mà chúng tôi phải đối đầu hôm nay là biến tô súp cá đó thành cái hồ cá lại”. Điều ông nói đã thành hiện thực ở Việt Nam những năm tháng mạt sản.

Dẹp đảng cộng sản đi rất khó, dọn cái đống rác khổng lồ mà đảng để lại cũng sẽ cực nhọc không kém (tuy lúc đó không còn nguy hiểm nữa). Chúng ta sẽ phải bắt tay vào việc đưa tô súp thành hồ cá trở lại kể từ bây giờ.

Monday 23 January 2017

Kỹ thuật nghiệp vụ bắt người trong hoạt động bảo vệ chế độ

Như đã nói ở bài trước, một kỹ thuật rất quan trọng trong nghiệp vụ trấn áp của an ninh là phải chọn đúng thời điểm ra tay, đảm bảo yếu tố bất ngờ (nôm na gọi là “đánh úp”), và giành thế thượng phong, làm mất tinh thần và trấn áp đối tượng ngay từ đầu.

Từ trước đến nay, đã có một số người “xin” đi tù thay cho hoặc cùng với các tù nhân lương tâm (như Nguyễn Anh Tuấn trong vụ Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vụ Trương Duy Nhất, và mới hôm qua, 21/1/2017, là Hoàng Dũng trước vụ bắt Thúy Nga; sau đó, một loạt nhà hoạt động cũng tuyên bố sẵn sàng đi tù thay Thúy Nga).

Họ đều rất dũng cảm, và chính thái độ không sợ hãi của họ là cái mà an ninh cộng sản căm ghét nhất.

Tuy nhiên, cũng phải nói rõ rằng an ninh sẽ không đáp ứng đề nghị của họ. Không khi nào an ninh bắt một người ngay sau khi người đó xin đi tù thay cho hoặc cùng với tù nhân lương tâm, bởi lẽ thời điểm ấy, người đó đã có sự chuẩn bị, và sự chú ý của cộng đồng dành cho vụ việc đang ở mức cao nhất.

Cũng vậy, trong các vụ án chính trị, không khi nào an ninh bắt một người khi người đó đang khỏe mạnh, vững vàng nhất cả về thể chất và tinh thần. Càng không thể để người đó bị bắt trong tư thế chiến thắng, kiểu "chúng nó phải bắt mình theo đúng ý mình, theo sự tính toán, sắp xếp của mình".

Nguyên tắc của việc bắt bớ là phải đảm bảo yếu tố bất ngờ, phải đúng vào lúc “đối tượng” đang tưởng mình ít có khả năng bị bắt nhất, hoặc đang trong tình trạng yếu đuối, sa sút nhất, hoặc đang có nhiều ràng buộc và cần được tự do nhất.

Ngoài ra, thời điểm cộng đồng đang dành sự chú ý cho một vấn đề khác cũng là thời điểm tuyệt vời để an ninh cộng sản ra tay bắt người hoạt động dân chủ-nhân quyền. Cho nên, bạn đừng ngạc nhiên nếu kịch bản này xảy ra: Khi xã hội rơi vào tình cảnh loạn lạc, rối ren, có những biến động gây hoang mang nào đó (ví dụ đổi tiền hay có xung đột biên giới với Trung Quốc), đó sẽ là khi an ninh bắt hàng loạt nhà hoạt động, nhà bất đồng chính kiến. Làm như vậy, an ninh đạt rất nhiều mục đích:

- Đổ tội cho người hoạt động “gây rối”, “gây bất ổn chính trị”, “làm rối loạn xã hội”;

- Đảm bảo được rằng việc bắt bớ diễn ra đúng lúc cộng đồng, công luận đang không chú ý đến các cá nhân bị bắt đó (và vì thế, không thể bảo vệ);

- Phá hoại, làm suy yếu phong trào đối lập, bằng cách khiến giới đấu tranh hoang mang, mất tinh thần, mất tập trung, không còn làm nổi việc gì.

Tuy nhiên, mục đích tối thiểu của an ninh trong các vụ bắt bớ người hoạt động vẫn luôn phải là: chọn đúng thời điểm ra tay để đảm bảo yếu tố bất ngờ.

Lê Hoàng

Mai Phương Thảo (Thảo Teresa)

Nguyễn Phương

Bạch Hồng Quyền
Lực lượng an ninh đã vây hãm suốt đêm, rồi bắt Trần Thị Nga (Thúy Nga) tại nhà riêng, bỏ mặc hai đứa con nhỏ của chị bơ vơ, khi chỉ còn sáu ngày là đến giao thừa Tết Đinh Dậu, thời khắc của sự đoàn tụ gia đình.
An ninh cũng đã bắt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm), khám nhà và lục tung đồ đạc, còng tay Quỳnh đưa đi, ngay trước mặt đứa con gái nhỏ mới 10 tuổi.
An ninh đã bắt Lưu Văn Vịnh (Vịnh Lưu) tại nhà, đúng bữa trưa, và đánh đập anh Vịnh trước mặt thân nhân của anh.
Còn nhiều, rất nhiều vụ việc nữa, mà sự đàn áp diễn ra với sự hiện diện của người thân, gia đình của nạn nhân. Lực lượng an ninh làm điều đó không phải do vô tình hay do thiếu hiểu biết về quyền con người, mà ngược lại: Đấy là chủ ý của họ, là biện pháp nghiệp vụ của họ, nhằm khủng bố cả con mồi lẫn những cá nhân có liên quan.

Sunday 22 January 2017

Tính chất khủng bố của lực lượng an ninh bảo vệ Đảng

Tôi tin rằng hiện nay, đa số người dân thường, khi nghe các nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền gọi công an Việt Nam bằng các từ như “an ninh cộng sản”, “mật vụ cộng sản”, “khủng bố”, “côn đồ”, v.v. đều cảm thấy dị ứng, thậm chí khó chịu, mà nguyên nhân chính là vì họ không tin lực lượng chấp pháp của “Đảng và Nhà nước” lại có thể như vậy.

Nhưng sự thực – dù rất cay đắng – lại đúng là như thế: Chúng ta đang là dân của một nhà nước độc tài công an trị, và lực lượng an ninh đóng vai trò vừa là rường cột vừa là công cụ của cái nhà nước ấy; nó vận hành nhờ hai vũ khí chính: lừa đảo và khủng bố.

Bài viết ngắn dưới đây chỉ tập trung vào vũ khí thứ hai của nó: khủng bố.

Trước hết cần hiểu khủng bố là gì. Khủng bố là việc cố ý sử dụng bạo lực (bằng cả hành động lẫn ngôn từ) nhằm gây sợ hãi, trên một diện càng rộng càng tốt, để đạt một mục đích chính trị nào đó, chẳng hạn như tác động tới chính sách: Buộc nhà nước phải thay đổi hay xóa bỏ một chính sách sai lầm, hoặc đe dọa để dư luận không dám ủng hộ nó nữa.

Và lực lượng an ninh, hơn ai hết, hiểu rõ hiệu quả của khủng bố, của việc gây sợ hãi trên diện rộng. Có điều, trong ngành, nó được gọi bằng một từ chuyên môn mỹ miều là “biện pháp nghiệp vụ”.

* * *

Chiến thuật "biển người"

Bạn có bao giờ tự hỏi: Tại sao có những người bình thường làm những việc tưởng chừng như cực kỳ bình thường, ví dụ mở lớp học hay tổ chức một chương trình văn nghệ nơi công cộng, mà bị cả đoàn công an đến kiểm tra giấy tờ, khiến ban tổ chức sợ xanh mắt, phải lật đật đưa giấy, rối rít trình bày?

Đó là vì toàn lực lượng an ninh đã được quán triệt ngay từ môi trường đào tạo, rằng “không được để đốm lửa bùng phát thành ngọn lửa”, “tiêu diệt tổ chức phản động từ trong trứng nước”.

Mà muốn triệt tiêu mọi mầm mống phản loạn thì phải gây sợ hãi ngay từ đầu, phải biểu dương lực lượng, đe dọa, răn đe, trừng phạt, lấy đó làm gương, sao cho dân chúng nhìn vào thì chết khiếp mà không dám ho he gì nữa.

Tương tự, bạn có bao giờ tự hỏi: Tại sao mọi cuộc “làm việc” của công an với dân, luôn luôn bên công an phải huy động số lượng áp đảo bên dân? Ví dụ, một buổi café của bạn với “anh em an ninh” chẳng hạn, quen rồi thì không sao chứ nếu mới là giai đoạn tìm hiểu, phía an ninh bao giờ cũng phải đi thành nhóm 2-3 người, nhưng ngược lại, họ muốn bạn một mình gặp họ, chỉ một mình thôi, không kéo thêm ai khác.

Sài Gòn, 5/11/2015.
Những cuộc đàn áp biểu tình, số lượng an ninh, cảnh sát bao giờ cũng phải đông gấp bội nhóm biểu tình. Tỷ lệ thường là 1:3 (một người biểu tình phải chịu sự khống chế, kiểm soát của ít nhất ba an ninh, dân phòng), nhưng có khi lên tới 1:5 hay thậm chí 1:10. Đương nhiên không chỉ có an ninh – chính quyền còn phải huy động cả dân phòng, thanh niên xung kích, tổ phụ nữ, cựu chiến binh và hàng lô hàng lốc đoàn thể khác không rõ chức năng, có thế an ninh mới yên tâm công tác. Ngoài ra, mục đích chính là để biểu dương lực lượng và đe dọa chung bằng chiến thuật “biển người”.

Những vụ bắt giam hoặc xét xử người bất đồng chính kiến, được truyền hình quốc doanh (ưu tiên đặc biệt là truyền hình của an ninh) ghi lại, luôn có thể khiến người xem kinh khiếp trước hình ảnh: 1, 2 cá nhân bị bắt hoặc bị xét xử đứng lẻ loi trước hàng chục áo xanh an ninh vòng trong vòng ngoài. Đừng ngạc nhiên tại sao chỉ một vài cá nhân mà phải có đông quân số kèm chặt như thế, cũng đừng tưởng an ninh sợ gì họ. Chuyện đó chẳng có gì khác ngoài biểu dương lực lượng và đe dọa những người chưa kịp thành phản động: Thấy không, chúng tao đông lắm, mạnh lắm nhé, mày ngo ngoe là chúng tao xử ngay.

Đánh phủ đầu

Trong hoạt động điều tra, hay công việc hàng ngày của an ninh nói chung, thì khủng bố, gây sợ hãi là một biện pháp nghiệp vụ đặc biệt quan trọng. Nếu có dịp tiếp xúc với an ninh với tư cách không phải là cấp trên hay bạn bè chiến hữu của họ, bạn sẽ thấy họ luôn cố gắng giành thế trên, thế thượng phong, bằng cách ra đòn phủ đầu rất sớm. Ví dụ như họ phải nghiêm sắc mặt, sừng sộ, gằn giọng ngay từ đầu, mặc dù thực chất vấn đề chưa có gì to tát:

- Cái gì đây? Khám người.

- Này, nói năng kiểu ấy à? Định chống người thi hành công vụ hả?

- Câm mồm.

Kiểu như vậy.

Song song với việc giành thế trên là phải hạ thấp đối phương (ở đây là dân) ngay lập tức, làm cho dân cảm thấy mình không là gì cả, mình vô cùng nhỏ bé, mình sai hoàn toàn trước cơ quan công quyền uy nghiêm và tuyệt đối đúng.

- Sao, hiểu chưa? Tôi giải thích như thế mà anh vẫn chưa hiểu à?

- Chúng tôi giải thích rõ ràng, đầy đủ rồi đấy, anh không hiểu thì về nhà tự tìm hiểu thêm đi. Nhá. 

Chọn thời điểm để đánh tâm lý

Và một kỹ thuật nữa, rất quan trọng trong nghiệp vụ trấn áp của an ninh, đó là phải chọn đúng thời điểm ra tay.

Nhà văn Phan Tứ, trong tiểu thuyết chiến tranh nổi tiếng “Mẫn và tôi”, đã mô tả về một “tên ác ôn” chống cộng như sau: “Thằng Chinh con ưa bắt người vào đúng bữa cơm tối, khi ngoài đường đã vắng, ai ở nhà nấy đông đủ”. Chinh con còn tra tấn hai vợ chồng một người “ủng hộ cách mạng” cùng lúc, suốt cả một ngày, khiến anh chồng chết lúc sẩm tối trước mặt vợ, hôm sau lại giết nốt chị vợ. Chinh con tàn ác như thế nên cuối cùng đã phải đền tội vì những viên đạn của du kích.

Tiếc là ngày nay, nhìn lại, thấy Chinh con thật ra phải là hình mẫu của an ninh cộng sản.

Lực lượng an ninh đã vây hãm suốt đêm, rồi bắt Trần Thị Nga (Thúy Nga) tại nhà riêng, bỏ mặc hai đứa con nhỏ của chị bơ vơ, khi chỉ còn sáu ngày là đến giao thừa Tết Đinh Dậu, thời khắc của sự đoàn tụ gia đình.

Mẹ Nấm, 10/10/2016.
An ninh cũng đã bắt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm), khám nhà và lục tung đồ đạc, còng tay Quỳnh đưa đi, ngay trước mặt đứa con gái nhỏ mới 10 tuổi.

An ninh đã bắt Lưu Văn Vịnh (Vịnh Lưu) tại nhà, đúng bữa trưa, và đánh đập anh Vịnh trước mặt thân nhân của anh.

Còn nhiều, rất nhiều vụ việc nữa, mà sự đàn áp diễn ra với sự hiện diện của người thân, gia đình của nạn nhân. Lực lượng an ninh làm điều đó không phải do vô tình hay do thiếu hiểu biết về quyền con người, mà ngược lại: Đấy là chủ ý của họ, là biện pháp nghiệp vụ của họ, nhằm khủng bố cả con mồi lẫn những cá nhân có liên quan.

Bị chấn động về tinh thần, nạn nhân sẽ rất dễ bị bẻ gẫy, đánh gục về ý chí, và dễ hợp tác với an ninh trong quá trình điều tra sau này.

Lời kết

An ninh cộng sản nói riêng và cộng sản nói chung giành được quyền lực và duy trì quyền lực ấy nhờ lừa đảo và khủng bố. Họ hiểu quá rõ hiệu quả và sức mạnh của khủng bố, của việc gây sợ hãi trên diện rộng. Đơn giản là nếu không làm cho dân chúng sợ hãi, nhà nước công an trị này không thể tồn tại được nữa.

Vậy, để đối phó với lừa đảo và khủng bố, người dân phải làm sao?

1. Để đối phó với lừa đảo: Chỉ có một cách là phải tỉnh táo, hiểu biết. Nói một cách triết học thì “phải nâng cao dân trí”, mà nói một cách thị trường thì “hãy là người tiêu dùng thông minh”.

2. Để đối phó với khủng bố: Mục đích của khủng bố là gây sợ hãi, vậy nếu người dân không sợ hãi thì khủng bố mất tác dụng.

Nếu những hình ảnh Mẹ Nấm, Vịnh Lưu, Thúy Nga bị bắt không làm bạn sợ hãi, thì chiến lược khủng bố của an ninh thất bại.

Thúy Nga, 21/1/2017.
Nhìn vào các ánh mắt,
theo bạn, ai mới là kẻ đang hoảng sợ?

Monday 16 January 2017

"Cờ về chiều tung bay phất phới, gợi lòng này..."

Tháng 4/2014, trong một cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt ở Bắc Mỹ, tôi để ý có một người khoảng ngoài 60 tuổi, vẻ mặt khắc khổ, chỉ lừ lừ nhìn diễn giả suốt buổi mà không nói năng gì.

Tới giờ nghỉ, ông đến gần tôi, nhìn thẳng vào mặt tôi và hỏi:

- Tại sao cô đến đây được?

Tôi ngẩn ra, chưa hiểu câu hỏi là gì. Ông dằn giọng:

- Tại sao cô không bị chặn? Tại sao cô ra ngoài được? Tại sao cô sang được đây? Cô là an ninh nằm vùng phải không?

Tôi có cảm giác như bị một cái tát vào mặt. Như vậy có nghĩa là tất cả những lời chúng tôi đã nói trước đó, bằng tất cả lòng nhiệt tình và niềm tin, về tình hình Việt Nam, về những cơ hội bị bỏ lỡ, về những mong ước bị vùi dập của tuổi trẻ, về cảnh sống cực nhọc, không dám nghĩ đến tương lai của những bạn trẻ “trót” quan tâm đến xã hội… Tất cả những lời đó đều chẳng lọt vào tai người đàn ông ấy. Ông chỉ thấy một điều, rằng tôi sinh ra và lớn lên ở miền Bắc cộng sản, tôi ra được nước ngoài mà không bị an ninh chặn giữ, như vậy thì tôi là cộng sản, là an ninh nằm vùng, chỉ thế thôi.

Sau khi hỏi tôi xối xả mấy câu đó, ông quay ngoắt đi. Ông bỏ về, không dự họp nữa.

Tôi cũng tức giận không kém.

Về sau, tôi mới biết rằng trong cộng đồng mà tôi gặp hôm đó, có những người đi tù của “bên thắng cuộc” tới cả chục năm, có những người chết cả mấy đứa con trên đường vượt biên, thậm chí có người đã trở thành gần như điên loạn vì phải bất lực chứng kiến cảnh vợ con mình bị hiếp bị giết trên tàu.

* * *

Tôi cũng đã ở cùng những con người mà tấm lòng của họ, tôi chỉ có thể nói rằng nó trong vắt như kim cương. Bao nhiêu năm xa xứ, cuộc sống đã bị ép vào guồng của bên đó – ngày đi làm, tối mịt mới về nhà, xung quanh là dân Mỹ, truyền hình, sách báo và giải trí Mỹ; hàng ngày gần như chỉ nói tiếng Anh, hàng tuần phải lo doanh số cho công ty, cửa hàng mình. Nhưng họ vẫn nhớ đến Việt Nam, thậm chí chỉ nghĩ đến Việt Nam mà thôi. Họ luôn nghĩ về những người Việt ở trong nước đang phải chịu đựng một chính thể ngu dốt đến tăm tối. Càng sống đầy đủ về vật chất, càng được ăn đồ ngon, mặc quần áo đẹp (và rẻ), hít thở không khí trong lành, sống ở những căn nhà mà dân trong nước mơ đến kiếp sau cũng không thấy, v.v. họ chỉ càng thương người Việt, thương Việt Nam hơn.

Những con người đó thật sự chẳng tiếc gì với tôi. Họ nuôi tôi suốt thời gian tôi ở Mỹ, đến mức đến giờ tôi vẫn không biết động tác “quẹt thẻ” nó như thế nào. Họ cho tôi tới lọ nước lau kính mắt, bộ dây đàn guitar, thuốc thang thì đương nhiên rồi, đến cả quần áo lót cũng dúi cho tôi, v.v. Và thương tôi thế nào thì họ cũng thương những người hoạt động trong nước y như vậy. Họ không ngó đến truyền hình, báo chí Mỹ; lúc nào họ cũng chỉ chăm chú “canh Facebook” đọc tin tức quê nhà, xem có anh chị em nào bị công an bắt, đánh đập không. Nghe tin có người bị an ninh hành hung, họ khóc, chửi cộng sản một hồi, lau nước mắt, rồi lại lật đật ra phố, đi gửi tiền về cho các nạn nhân.

Nhưng họ cũng yêu cờ vàng. “Cờ về chiều tung bay phấp phới, gợi lòng này thương thương nhớ nhớ…”. Đó là cờ vàng. Với những người Việt đó, lá cờ vàng là quốc kỳ của cộng đồng hải ngoại, biểu tượng của tự do-dân chủ, của một thời đã mất ở Việt Nam mà bây giờ chúng ta phải xây dựng lại – tức là giành lại tự do cho đất nước. Ngày Tết, ngày lễ, và ngày “quốc hận 30/4”, họ treo cờ vàng khắp nơi.

Tôi biết nói gì hơn về những con người ấy? Tôi nói họ cực đoan được sao?

Họ là một phần của Việt Nam, một phần của phong trào dân chủ ở Việt Nam, và cũng là một phần của chính cuộc đời tôi.

Nếu không có họ, chắc tôi sẽ nghĩ xấu về cộng đồng hải ngoại, tôi sẽ la lối, căm ghét sự cực đoan, sẽ sợ cờ vàng, sợ “bọn phản động lưu vong”… giống như rất nhiều du học sinh khác.

Và cũng rất có thể là nếu không có họ, tôi đã chẳng về lại Việt Nam, chẳng tham gia đấu tranh làm gì. Nhưng tôi đã về, bởi vì tôi muốn họ cũng sẽ có ngày trở về Việt Nam, và tôi mong muốn sẽ được gặp lại họ – ở đâu cũng được, nhưng là khi đất nước này đã tự do.


Monday 9 January 2017

Con trâu pê-đê và con rồng pikachu

Hồi học ở Mỹ, một trong những thắc mắc mà tôi hay đem ra hỏi nhiều người nhất là: Ở nước Mỹ, ai hay cơ quan nào là người quyết định về các công trình công cộng, ví dụ thiết kế của tượng đài, vườn hoa hay công viên? Hoặc các sản phẩm trí tuệ mang tính đại diện cho bộ mặt thành phố hay quốc gia, như biểu trưng (logo), biểu tượng, cờ, v.v?

Sở dĩ hỏi thế là vì tôi rất nhớ năm 2003, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức Sea Games, và linh vật nước chủ nhà trình làng năm ấy là một con trâu, Việt Nam gọi là “trâu vàng”. Nghe nói logo hình trâu mặc khố này được các quan chọn ra sau một thời gian tranh cãi ùm xòe, và ngay cả sau khi được chọn, nó vẫn tiếp tục gây tranh cãi. Nhiều nhà thiết kế mà tôi biết chê trâu vàng vì cái dáng vặn vẹo, “đườn đưỡn đườn đưỡn”, “không ra đực không ra cái” của nó, và họ gọi béng nó là con trâu pê-đê. Nói chung, trâu vàng pê-đê bị chửi không khác gì rồng pikachu ở Hải Phòng bây giờ, chỉ có cái khác là hồi Sea Games 22 đó chưa có mạng xã hội.

Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia, nên logo và bộ nhận diện thương hiệu của nó cũng có thể được coi như hình ảnh đầu tiên của đất nước mà du khách nước ngoài nhìn thấy. Logo bông sen vàng của Vietnam Airlines bị nhiều người chê là “như nải chuối”, còn đồng phục áo dài mà họ mới sử dụng từ 2015 thì bị đánh giá là biến tiếp viên thành “cứng như lính khố xanh”.

Nhưng bên cạnh đó thì cũng nhiều người khen logo bông sen vàng đơn giản, dễ nhận diện, còn áo dài của tiếp viên thì “vừa giữ gìn được nét văn hóa, bản sắc dân tộc, vừa không quên những cách tân rất sáng tạo và mới mẻ”.

Tòa thị chính Stockholm.
Tóm lại, cứ mỗi lần ở Việt Nam xuất hiện một công trình công cộng, một thiết kế mang tính “bộ mặt chung”, là lại thấy tranh cãi, khen ngợi và chê trách ỏm tỏi. Đó là lý do vì sao tôi thấy choáng ngợp khi nhìn ngắm những vườn hoa rực rỡ, những vòi phun nước, phù điêu, tượng đài trắng toát, những tòa thị chính với mái tròn màu đỏ hồng, và những biệt thự cổ 100-200 năm, v.v. ở Mỹ và châu Âu. Tôi luôn có thắc mắc: Ở nước họ thì có những tranh cãi tương tự không, và nếu có, ai là người ra tiếng nói quyết định, phê duyệt? Vì sao họ làm đẹp đến thế?

Câu trả lời chung mà tôi nhận được, là sẽ có một quá trình mời thầu thiết kế công khai, sau đó sẽ có một hội đồng chuyên môn thẩm định. Ví dụ như bức tường tưởng niệm các quân nhân tử trận trong chiến tranh Việt Nam – một bức tường đá đen, dài khoảng 75 mét, ở Washingon D.C. – là do một nữ sinh thiết kế, năm ấy (1981) cô mới 21 tuổi. Cô tên là Maya Ying Lin, người gốc Trung Quốc. Tất cả các bản thiết kế đều được trưng bày tại một khuôn viên rộng lớn, chiếm diện tích hơn 3300 m2, để cho công chúng đến xem và hội đồng thẩm định chấm điểm. Mỗi mẫu đều được đánh số, không ghi tên tác giả, để đảm bảo việc đánh giá được khách quan.

Bức tường tưởng niệm.
Kết quả là mẫu số 1026 đã chiến thắng trước 1420 bản khác. Đó là tác phẩm của Maya Ying Lin, và cô giành giải thưởng 20.000 USD (giải này do tư nhân gây quỹ).

Ban đầu mẫu thiết kế được chọn cũng gây tranh cãi, trong đó có một chàng rể của Việt Nam – Thượng nghị sĩ James Webb (hay Jim Webb) – chỉ trích rất dữ. Ông Webb là một trong những người phản đối mạnh mẽ nhất sau khi trông thấy thiết kế của Lin: “Ngay cả trong những giấc mơ điên khùng nhất thì tôi cũng không tưởng tượng được ra một dãy những phiến đá hư vô như thế”.

Tuy nhiên, sau khi công trình được hoàn thành, chỉ trong vòng vài năm đầu, những lời chê bai đã lắng xuống. Đến nay thì có lẽ ai cũng thấy nó là một đài tưởng niệm đẹp, thiêng liêng và trang trọng.

Vậy hội đồng thẩm định là ai? Tôi hỏi tiếp như vậy, và được trả lời rằng hội đồng chắc chắn chỉ bao gồm các chuyên gia, và tiếng nói của họ độc lập, không lệ thuộc vào các quan chức. Nói cách khác, quyết định của họ thuần túy là chuyên môn, không bị chính trị hóa, không phải phục vụ hay minh họa đường lối nào, không phải “còn chờ chủ trương ở trên” hay chờ anh X chị Y nào duyệt.

Vậy nếu trình độ của họ không đủ cao, và mẫu thiết kế được chọn lại là một cụm tượng đài “đườn đưỡn đườn đưỡn” thì sao? Tôi hỏi và đến đây thì không ai trả lời được nữa, tất cả chỉ khẳng định rằng đã là chuyên gia thì trình độ chuyên môn của họ chắc chắn là cao hơn người ngoài lĩnh vực.

Riêng tôi thì nghĩ, nếu chuyên gia mà cũng chọn một tác phẩm xấu tệ hại nữa thì chỉ có thể nói rằng mặt bằng thẩm mỹ chung của cả dân tộc là như vậy. Đối với thiên hạ, một vườn hoa rực rỡ sắc màu rập rờn trong gió là đẹp, nhưng với chúng ta, bông hồng nhựa trong mỏ một con gà luộc nằm trên bàn thờ mới là đẹp, thì chúng ta đòi hỏi gì hơn ở các công trình công cộng?

Rồng pikachu ở Hải Phòng. 
Nguồn ảnh: FB Hoàng Dũng.

Wednesday 4 January 2017

Chia sẻ kinh nghiệm trong trường hợp người thân bị CA đánh và đánh chết

Trịnh Kim Tiến

Tôi viết bài này với mong muốn nó có thể đến tay được nhiều người, nhất là những người dân bình thường chưa bao giờ quan tâm đến xã hội, bởi họ là những nạn nhân đáng thương nhất. Họ không ý thức được những tai ương sẽ đến bất ngờ và không định ra được một con đường cần phải đi trong hành trình đau thương.

Bài viết chia sẻ lại kinh nghiệm tôi đã từng trải qua, những bước đi cần thiết khi người thân bị đánh. Trong một xã hội thượng tôn và luật pháp bảo vệ người dân, những dòng này không có giá trị, nhưng trong một cơ chế mà ngành công an chiếm quyền lực tối cao và bao che lẫn nhau như hiện nay thì tôi nghĩ bài viết này sẽ là một cẩm nang hữu ích cho mọi người.

Trước hết tôi sẽ đi vào 5 bước cơ bản cần thiết sau đó sẽ đi vào từng trường hợp cụ thể.

Bước 1: Điều cần phải làm ngay khi người thân bạn bị đánh là quay, chụp lại hiện trạng của thân nhân. Ví dụ hình ảnh họ còng tay khi chưa có án, mọi thương tích trên người người bị hại.

Quay lại một clip kể lại sự việc đầu đuôi rõ ràng để dư lận có thể hiểu rõ hơn về sự việc và quan tâm. Nên để người nhà kể lại vì lúc này nạn nhân cần nghỉ ngơi. Khi quay chú ý ngồi bên nạn nhân.

Đến hiện trường nơi xảy ra sự việc, ghi hình lấy lời kể của nhân chứng tại đây. Việc này cần làm nhanh ngay sau khi sự việc xảy ra và nhớ là ghi hình, không phải ghi âm vì hiện nay người dân rất sợ công an nên khi bị sức ép họ sẽ không dám đứng ra làm chứng, hoặc sẽ phản cung so với lời kể ban đầu.

Sau đó đăng tải những thông tin vừa thu được lên mạng xã hội cá nhân với thứ tự lần lượt để dư luận theo dõi diễn tiến.

Bước 2: Yêu cầu phía bệnh viện cho biết rõ tình hình của người thân. Cũng ghi âm tất cả cuộc tiếp xúc với các bác sĩ. Vì nhiều trường hợp, trước sức ép của phía công an bệnh viện sẽ không dám nói tình hình thật của bệnh nhân. Hãy nói với họ, họ sẽ phải chịu tất cả trách nhiệm về những gì họ nói và đây là việc giữa gia đình và công an, không liên quan y bác sĩ.

Bước 3: Gọi đến đường dây nóng của các báo chính thống trong nước tố cáo và kêu cứu. Số điện thoại có thể tìm kiếm qua 1080 hoặc google, chỉ cần cho biết tên tờ báo muốn tìm.

Tại đây báo chí sẽ cho người xuống phỏng vấn lấy tin nhưng quan điểm báo chí là phải khách quan và một phần họ cũng bị sức ép vì vậy nếu họ có đăng bài không được đúng ý cho lắm thì cũng không quan trọng. Quan trọng là sự việc của bạn đã được đưa ra trước dư luận. Có một số báo sẽ rắc rối hơn, họ sẽ yêu cầu gia đình làm đơn tố cáo gửi đến toà soạn rồi mới xuống, không sao cứ làm và gửi cho họ.

Nếu báo chí chính thống vì một sức ép lớn nào đó từ phía công an hay ban tuyên giáo, không thể viết bài đăng bài cũng không vấn đề gì. Còn rất nhiều trang báo mạng phi chính thống của dân, còn gọi là lề trái, hay các báo đài Quốc tế không được công an thích cho lắm như BBC, RFA, VOA... bạn có thể gửi Mail đến họ thông tin về sự việc.

Báo chí nào cũng trả lời phỏng vấn được hết. Đừng nghe người khác dọa đó là trang phản động rồi sợ hãi, nó là trang gì đi nữa nếu bạn nói không sai thì không có gì phải sợ.

Điều quan trọng là đẩy sự việc vào lòng dư luận. Lưu ý khi trả lời phỏng vấn của bất cứ một báo đài nào đều cần kiểm soát lời nói, kìm lại sự phấn nộ. Nếu ghi lại được cuộc phỏng vấn là tốt nhất.

Bước 4: Làm đơn tố cáo gửi đến công an quận nơi xảy ra sự việc, công an thành phố nơi đang cư ngụ. Đơn này dân làm nên không cần quá cầu kỳ chỉ là tố cáo, trình bày sự việc và yêu cầu cơ quan có trách nhiệm lên tiếng.

Bước 5: Tìm luật sư để hướng dẫn pháp lý. Đây là một vấn đề hết sức khó khăn, tưởng chừng như dễ dàng nhưng không hề đơn giản. Bởi nếu gặp phải một luật sư không có tâm chỉ cần tiếng thì gia đình sẽ vừa mất tiền vừa ôm hận. Một luật sư có tâm không cần nói nhiều, chỉ cần hướng dẫn bạn đi như thế nào cho đúng luật. Cũng cấp cho bạn tất cả những gì luật sư nhận được từ phía cơ quan điều tra. Và luôn đứng sau hoặc đứng bên ủng hộ bạn. Luật sư của những nạn nhân bị công an đánh chết không cần phải là người nổi tiếng hay quá sức tài giỏi, nhưng phải có trái tim và cái tâm của người luật sư. Nếu ở Hà Nội bạn có thể tìm đến văn phòng luật Hưng Đạo Thăng Long, luật sư Hà Huy Sơn... Nếu ở miền Trung hay Sài Gòn có thể nhờ sự giúp đỡ của luật sư Nguyễn Khả Thành, Võ An Đôn...

Tiếp theo đây tôi sẽ chia những trường hợp bị công an đánh thành 2 khả năng có thể xảy ra:

* Trường hợp bị công an đánh mà chưa chết: Trường hợp này nếu không cẩn thận người bị nạn còn có khả năng đi tù cao về tội "chống người thì hành công vụ" do công an quy chụp.

Tôi có biết một vụ thế này, người con bị CSGT giữ phương tiện khi tham gia giao thông. Sau khi gọi điện cho bố báo cho biết là mình bị giữ xe, anh đôi co với CSGT yêu cầu lấy lại giấy tờ vì khẳng định mình không vi phạm luật. Theo lời của anh nói với luật sư người CSGT lao vào dùng mũ bảo hiểm của anh đã tháo ra để trên xe đập vào đầu anh, vừa đúng lúc bố anh đi đến. Thấy cảnh con mình bị đánh, ông bố cũng lao vào đẩy người CSGT kia ngã ra đất, lập tức rất đông CSGT lao đến đánh hai bố con và còng tay họ lại. Sau đó họ bị bắt giữ và truy tố với tội danh chống người thì hành công vụ. Đó là một trong rất nhiều trường hợp công an ăn vạ và đòi truy tố dân mà tôi biết được qua báo chia cũng như nghe người liên quan thuật lại.

Trong trường hợp bị đánh mà không nặng hoặc không chết, gia đình bạn có thể sẽ gặp phải hai tình cảnh:

- Một là sẽ bị công an dọa nạt và làm tiền, bởi dù đúng dù sai, quyền cũng đang tay họ. Trường hợp này bạn giả vờ chấp nhận, và ghi âm tất cả lại. Để khi làm truyền thông theo các nước trên đưa nó ra trước dư luận. Không tự ý nói bồi thường hãy để họ tự mở miệng yêu cầu để không bị quy là gài bẫy hối lộ.

- Hai là vì cay cú họ bất chấp, cho nạn nhân đi tù để thể hiện uy quyền của mình. Trường hợp này gia đình cần cương quyết không nhận tội và thực hiện đầy đủ 5 bước ở trên. Trong đó lời khai nhân chứng là quan trọng nhất, cần phải làm đầu tiên với trường hợp này. Sau đến tình trạng thương tích cần được công khai không sót điểm nào.


* Trường hợp bị đánh đến chết: Nạn nhân không còn có thể đi tù nên người nhà nạn nhân và người dân bức xúc có thể trở thành nạn nhân kế tiếp của công an với việc quy kết tội danh cho họ, ngành công an vừa có thể răn đe, làm dân sợ, vừa có thể ép gia đình bị hại rơi vào thế phải nghe lời.

Với hoàn cảnh đã không thể còn nước còn tát, người thân của nạn nhân buộc phải chấp nhận nỗi đau này và bình tĩnh giải quyết.

Điều đầu tiên, hãy yêu cầu pháp y Quân đội khám nghiệm tử thi cho người đã chết. Hiện nay ở Việt Nam có ba cơ quan khám nghiệm pháp y nhưng xét về tính độc lập thì chưa có. Nên yêu cầu pháp y Quân đội cũng chỉ là để an tâm hơn so với pháp y của bên công an mà thôi. Trong quá trình khám nghiệm gia đình cần cử người tham gia trực tiếp ghi âm và quay lại, nên có luật sư cùng tham gia trong quá trình này.

Nếu phía công an tự ý khám nghiệm mà chưa có sự đồng ý của gia đình người bị hại, thì phía bên bị hại hoàn toàn có thể yêu cầu khám nghiệm pháp y quân đội khám nghiệm lại bằng cách làm đơn yêu cầu và khiếu nại công an tự ý mổ tử thì khi chưa được sự cho phép.

Người thân đã bị chết một cách oan ức như vậy rồi, hãy ngưng sợ hãi và mạnh dạn lên trong việc kêu cầu công lý. Ngoài sức ép truyền thông còn cần sức ép từ phía người dân bên ngoài trang mạng. Tuỳ hoàn cảnh của mỗi gia đình, tôi không khuyên bạn một hành động cụ thể nào hết.

Cá nhân gia đình tôi thì lựa chọn cách căng băng rôn yêu cầu pháp luật xử lý nghiêm minh những người công an đã đánh chết người nhà mình cho đến khi có lệnh khởi tố bị can và bắt tạm giam nghi phạm mới tháo xuống. Mọi người đừng nhầm giữa lệnh khởi tố bị can và khởi tố vụ án nhé. Bởi khởi tố vụ án không có giá trị gì, chỉ khi có khởi tố bị can thì sự việc mới buộc phải điều tra và được đưa ra xét xử. Việc căng băng rôn ôn hoà không nhất thiết là phải cố định một địa điểm, nếu địa điểm nhà nạn nhân không thuận lợi cho việc kêu oan thì người thân hoàn toàn có thể ôn hoà trên đường phố với những yêu cầu chính đáng.

Chúng tôi không lựa chọn mang xác đi tuần hành như một số vụ từng xảy ra vì cảm thấy rất tội cho người đã khuất, thứ nữa là khi mang xác người thân đi tuần hành như vậy sẽ khó kiểm soát diễn biến hơn là biểu tình ôn hoà, dễ khiến những người đang bức xúc thay gia đình mình gặp phải chuyện không hay.

Tuy nhiên trong những ngày căng băng rôn, đến khi hạ xuống rồi chúng tôi vẫn quyết định giữ lại xác người thân trong nhà xác bệnh viện vì chưa có kết quả pháp y. Nếu đã quyết định bước đi trên con đường đầy những bất công thì phải chấp nhận chịu đựng nỗi đau cho đến ngày có được câu trả lời chính thức từ phía pháp y.

Khi có chứng nhận pháp y tôi nghĩ cũng là lúc gia đình có thể hoàn tất được thủ tục mai táng cho người thân.

Tôi nhấn mạnh một điều với mọi người là nên chôn cất khi có đủ ba yếu tố: lệnh khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối tượng và bản kết luật sơ bộ của pháp y. Bởi chỉ có 1, 2 trong ba không thể đưa bạn đến một phiên tòa trong tương lai. Như vụ anh Quốc Bảo bị đánh chết ở Hà Nội, gia đình giữ xác được 7 ngày, dù đã có pháp y bị chấn thương sọ não mà chết nhưng sau đó công an vẫn kết luận nguyên nhân là tự thương, tự tử vì chưa có được lệnh khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng gây án.


Ở trên là kinh nghiệm riêng của gia đình tôi còn đương nhiên là không phải lúc nào bạn cũng cần làm như vậy. Như vụ án của anh Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên thì có điều khác hơn là gia đình không cần giữ xác bởi vì những hình ảnh thương tích do bị tra tấn bằng dụng cụ chuyên dụng và hình ảnh sau mổ tử thì hiện lên rất rõ ràng là do bị đánh đến chết. Và sau đó có luật sư nhập cuộc ngay nên mọi thứ cũng đỡ phức tạp hơn rất nhiều.

Tôi xin được chú ý với gia đình người bị hại một vấn để khác là người thân, ngoại trừ cha mẹ, vợ chồng, con cái, thì những người khác đều có thể bị đe dọa để hòng chặn đứng sự phản kháng, và có thể họ sẽ còn cố gắng kích động người nhà để truy ra tội, ép đôi bên đi vào thế thỏa hiệp. Vậy nên trong nỗi đau này nên để phụ nữ thay nhau đứng ra gánh vác. Trong tất cả mọi cuộc làm việc với cơ quan chức năng gia đình đều cần ghi âm và lưu giữ lại.

Và tôi khuyên rằng nếu người thân bạn bị rơi vào những trường hợp này bạn đừng ngần ngại việc nhận bồi thường. Mất mát đau thương của bạn không gì có thể bù đắp được nhưng đó là những thứ gia đình bạn phải được nhận để bù đắp tổn thất tinh thần và vật chất, để người còn sống được yên tâm và người đã khuất được yên lòng. Hãy bỏ qua những luồng dư luận không hay ho và có phần khốn nạn bởi lòng tham và sự ngu dốt. Hãy dẹp những cái comment, những lời xúc xiểm không thiện ý sang một bên bởi nó không đáng phải để bạn nhìn đến. Trong một vụ án hình sự thì trách nhiệm dân sự là cần phải có vì vậy nhận bồi thường không có nghĩa là phải bãi nại cho kẻ thủ ác. Khi nhận đền bù gia đình chỉ cần viết một giấy biên nhận "khắc phục hậu quả" với chủ thể bên A và bên B là được. Biên nhận ghi rõ ràng đây không phải giấy bãi nại, mọi sai phạm xử theo quy định của pháp luật.

Tôi mong rằng những kinh nghiệm ít ỏi này sẽ được mọi người chia sẻ rộng rãi để góp phần giảm tải, ngăn chặn tình trạng công an lạm quyền đánh dân như hiện nay.

Trong cuộc chiến này những con người đang đau khổ phải là những con người bình tĩnh, khéo léo và quyết đoán nhất trong cách hành xử. Đây không chỉ là một cuộc chiến pháp lý, đây cũng không chỉ là một cuộc chiến truyền thông. Đây là một chuộc chiến truyền thông - pháp lý. Nếu chỉ làm truyền thông mà bỏ qua pháp lý hoặc tiến hành pháp lý mà gạt đi sự quan trọng của truyền thông thì việc đấu tranh cho các nạn nhân bị công an đánh sẽ không thu được kết quả nào. Hai điều này phải được tiến hành song song thì may ra người dân mới mong tìm đến được sự thật. Tôi nói ở đây là sự thật, không phải công lý, bởi để có được công lý còn xa vời lắm, công lý trong cơ chế tam quyền không phân lập là món hàng vô cùng xa xỉ với người dân.