Wednesday, 26 April 2017

Hội chứng Stockholm ở nhà báo Việt Nam

Khi viết những lời này, tôi biết phần đông các bạn giận hoặc ghét tôi lắm, các bạn phóng viên nội chính trong làng báo Việt Nam.

Có thể các bạn sẽ bảo tôi nói toàn những điều rác rưởi, “mày không nói thì có ai bảo mày ngu đâu”.

Nhưng tôi nghĩ mình vẫn nên liều “đổ dầu vào lửa” xem sao. Tôi muốn nói bởi vì đây là một quan sát từ lâu của tôi, tôi không nêu ra lúc này (sau vụ Đồng Tâm) thì cũng sẽ nêu lúc khác.

Ấy là chuyện về cái tâm lý “hội chứng Stockholm” trong mỗi người làm báo.

* * *

ĐBQH Dương Trung Quốc
luôn được coi là người
"xuất hiện đúng lúc', tức là lúc
an toàn. Ảnh: Người Đưa Tin.
Hội chứng Stockholm là gì thì chắc nhiều người biết rồi, nó là “thuật ngữ mô tả một loạt những trạng thái tâm lý, trong đó con tin lâu ngày chuyển từ cảm giác sợ hãi, căm ghét sang quý mến, đồng cảm, có thể tới mức bảo vệ và phát triển phẩm chất xấu của kẻ bắt cóc”.

(Đây là định nghĩa tôi lấy từ Wikipedia, không hoàn toàn đáng tin cậy, định nghĩa gốc thì không tìm được – tuy vậy vì thực dụng, tôi xin phép dùng tạm).

Phần sau của định nghĩa quan trọng hơn: “Tuy nhiên, những cảm xúc nói trên của nạn nhân hoàn toàn vô lý vì họ đang nhầm lẫn hành vi hành hạ với lòng tốt của kẻ bắt cóc, mặc cho những nguy hiểm mà họ đã phải trải qua”.

Tôi nhận thấy đa số nhà báo Việt Nam, nhất là trong mảng nội chính, có biểu hiện của hội chứng Stockholm ở thể nhẹ.

Xin nhấn mạnh là “thể nhẹ”, bởi vì các nhà báo đó chưa tới mức sợ hãi, căm ghét thủ phạm, họ cũng chưa thấy ai là kẻ bắt cóc, hành hạ họ cả. Tâm lý phổ biến của họ chỉ mới ở mức thông cảm với chính quyền, với các quan chức, cán bộ Đảng và Nhà nước mà họ thường xuyên tiếp xúc do yêu cầu công việc.

Đó là một điều hoàn toàn có thể hiểu được.

Khi không gần gũi quan chức chính quyền, ta không thể hiểu hết họ - cho dù có đọc báo, xem tivi, nghe đài về họ nhiều đến mấy đi chăng nữa. Nhất là, nếu chỉ qua mạng Internet, đọc bài của “thế lực thù địch” hay những kẻ “bất mãn, chống đối chính quyền”, ta sẽ thấy quan chức hiện lên như ác quỷ, hay ít nhất cũng như một lực lượng vừa ngu dốt vừa tham nhũng, tóm lại là xấu xa.

Chỉ khi gặp gỡ thường xuyên, gần gũi, tiếp xúc trực tiếp với họ, ta mới chứng kiến những gì họ làm, nghe những lời họ nói, tận mắt nhìn nét mặt, cử chỉ, điệu bộ của họ. Khi đó, ta sẽ thấy điều gì? Gạt bỏ hết cái vỏ ngoài quan chức, bộ complet (hoặc quân phục), những phòng họp máy lạnh, xe hơi, cảnh vệ, thư ký, v.v. thì họ cũng chỉ là những người bình thường như ta.

Ta sẽ thấy Nguyễn Tấn Dũng không phải là “thủ tướng tưởng thú”, “y tá Dũng”, kẻ tham nhũng và kéo lùi nền kinh tế đất nước nhiều năm, mà chỉ còn là một người cha thương con hết mực, một vị thủ trưởng có tình có nghĩa, hết lòng bảo vệ lính, một nhà lãnh đạo quyết đoán, từng tuyên bố “không đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông”.

Ta sẽ thấy Nguyễn Phú Trọng không phải “đảng trưởng”, “tổng bí lú”, mà chỉ còn là một ông giáo tóc bạc kính trắng, một trí thức hiền lành nho nhã, một cán bộ cao cấp mà trong sạch, không tham nhũng.

Tiếp xúc sâu hơn nữa, ta sẽ còn thấy những giây phút các nhà lãnh đạo căng thẳng lo “đàm phán với Trung Quốc, quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước”, ngặt nỗi “Trung Quốc mạnh quá, rắn quá, mà Việt Nam thì nội lực yếu”. Ta sẽ nghĩ: Làm gì có chuyện lãnh đạo bán nước, đ.mẹ cái bọn phản động chỉ bôi nhọ là giỏi.

Ta sẽ thấy những khoảnh khắc thật là cảm động, khi các vị đại biểu quốc hội đi xe riêng đến điểm nóng gặp dân, không quên mua cho phóng viên và người đồng nhiệm miếng bánh mì lót dạ. Hay là khi các vị ấy lặng lẽ thu thập tài liệu và thức đêm ngồi đọc, tự mình tìm hiểu vấn đề để cố gắng giúp dân theo cách của mình…

Và rồi ta sẽ nổi giận khi bọn phản động hằn học, bất mãn ra sức họ, chê bai bỉ bôi họ. Ta sẽ nghĩ: Đ.mẹ cái lũ não phẳng chỉ chửi đổng là giỏi.

Đơn giản bởi vì ta đã chứng kiến những gì chúng không được chứng kiến. Ta tự tin rằng ta “có thông tin” còn chúng thì không, chúng chẳng biết cái quái gì.

Chỉ có điều, khi mê mải với những sự thật đó, ta quên mất một sự thật khác quan trọng hơn nhiều, rằng: Thực ra, những việc ấy là điều mà quan chức nhà nước, đại biểu quốc hội phải làm, đó là NGHĨA VỤ của họ, hoặc cũng là chuyện họ nên làm để lấy lòng dân chúng. Họ không thực hiện thì họ đáng bị lên án, còn nếu thực hiện, thì là bình thường, đúng chức năng phận sự, không có gì đáng để ca ngợi.

Và còn nữa, khi mê mải với những việc làm tốt, những cử chỉ thân thiện của quan chức, ta cũng quên luôn là nhà nước này định hướng thông tin tuyên truyền, kiểm soát báo chí đến mức nào.

Chứng kiến hình ảnh này
thì phóng viên dễ mắc chứng Stockholm lắm.
Ảnh: Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung
đối thoại với dân Đồng Tâm, 22/4/2017. VNN.
* * *

Sự tiếp xúc, gần gũi thường xuyên của các phóng viên, nhà báo với quan chức dần dần sẽ tạo ra tâm lý cảm thông của họ với quan chức nói riêng và bộ máy chính quyền nói chung.

Đây là điều có thật, là xu hướng có thể xảy ra với tất cả nhà báo trên thế giới chứ không riêng Việt Nam, và là trong quan hệ giữa nhà báo với mọi thành phần xã hội chứ không riêng với chính quyền. Tuy nhiên, rõ ràng là trong các giới trong xã hội, thì quan chức nhà nước và doanh nghiệp là hai nhóm có khả năng mua chuộc nhà báo cao nhất.

Vì thế, trong báo chí phương Tây thường có lời khuyên dành cho các nhà báo: “Hãy tránh xa những công ty mua quảng cáo trên báo của bạn”.

Tương tự, người làm báo chính trị nên cố gắng giữ khoảng cách với quan chức chính quyền, đừng thân thiết quá với họ, để không nảy sinh tâm lý cảm thông và chia sẻ, nhất là để tránh trở thành phát ngôn viên/ nhân viên PR/ cán bộ tuyên truyền của các lãnh đạo.

Tôi biết những điều này rất khó áp dụng ở Việt Nam. Trong nền báo chí công cụ, nhà báo giỏi là người quan hệ rộng, quan hệ sâu với quan chức. Nếu bị bất kỳ cá nhân lãnh đạo hay cơ quan nhà nước nào ghét, tẩy chay, dẫn đến mất nguồn tin, thì chỉ có nhà báo thiệt.

Tôi hiểu tình trạng đó và cũng hiểu trình độ của mình ở mức nào, nên không dám và không có tư cách để “răn dạy” hay “khuyên” các bạn điều gì. Chỉ xin các bạn cảnh giác với “hội chứng Stockholm” – tâm lý thông cảm với những người lẽ ra phải chủ động làm những việc thuộc nghĩa vụ của họ.

Xin đừng tự tin với việc mình "có thông tin", bởi một xã hội trong đó nhà báo và công an tự tin vì mình "có thông tin chính thống", như một lợi thế so với người dân, là một XÃ HỘI MAN RỢ.

Và cũng xin các bạn bớt hằn học với “bọn phản động” suốt ngày bới móc và rình cơ hội chửi rủa chính quyền. Về căn bản, họ chỉ là những người dân thường đã và đang đòi hỏi ở giới lãnh đạo những điều bình thường.

Bài liên quan: Những ngụy biện phò chế độ

Monday, 24 April 2017

Đồng Tâm - thành công và thất bại

Cuộc đàm phán sáng nay (22/4/2017) giữa Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung và cư dân xã Đồng Tâm, và cuộc thả con tin vào buổi chiều, đã kết thúc và sẽ đi vào lịch sử.

Ta thấy gì trong sự kiện này? Thấy cả niềm vui và nỗi buồn.

VUI:

1. Đã không có (thêm) bạo lực và đổ máu sau vụ việc sáng 15/4. Ngay cả vào thời điểm căng thẳng nhất, đêm 19/4, bạo lực của công an và côn đồ nhằm vào dân cũng đã được kiềm chế. Phía dân Đồng Tâm không có hành động bạo lực nào.

2. Sự việc tạo một tiền lệ cho quan hệ nhân dân và chính quyền: Đối thoại, không đối đầu bạo lực. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, quan chức đến gặp dân “nói chuyện đàng hoàng, người lớn với nhau”, không có màn hống hách quát tháo, không có thái độ răn dạy, “giải thích đường lối” cho dân.

3. Với việc ông Chung hứa hẹn sẽ có điều tra về vụ bắt giữ trái phép cụ Lê Đình Kình, (hy vọng) sự việc góp phần thay đổi tư duy của một số người, giúp họ nhận ra rằng chính quyền có thể sai, công an có thể phạm pháp, và dân thường luôn cần được bảo vệ.

4. Vụ việc có thể tạo tiền lệ dân bắt giữ công an để phản ứng trong trường hợp cần thiết. Nhưng nếu công an, quân đội không làm sai, không phạm tội, không tiếp tay cho chính quyền và doanh nghiệp hà hiếp dân, thì sẽ chẳng có tiền lệ đó.

BUỒN:

1. Câu chuyện Đồng Tâm cho thấy trình độ của nền báo chí Việt Nam đang ở mức nào. Việc một quan chức cấp cao như ông Nguyễn Đức Chung đến gặp dân để đối thoại là chuyện cực kỳ bình thường và là việc phải làm của một chính trị gia bình thường trong một đất nước bình thường. Nhưng một số đông đảo nhà báo đã vẽ nó thành hành động anh hùng của một anh hùng. Ít nhất họ cũng biến ông Chung thành một tiên ông trong mắt dân chúng.

2. Vụ Đồng Tâm gây chia rẽ sâu sắc giữa giới báo chí “chính thống” với cộng đồng mạng (và chia rẽ giữa chính làng báo với nhau). Nó củng cố định kiến của nhiều người về “bọn facebooker” chuyên đưa tin nhảm, tin bịa đặt. Trong khi đó, những người ấy không nhận thấy rằng để xảy ra tình trạng facebooker phải vào cuộc đưa tin, chính là tội của chính quyền và của nền báo chí công cụ. Những người đổ tội cho “bọn facebooker” cũng không nhận ra rằng, nếu ngay từ đầu nhà nước và công an không làm sai thì đã không có vụ Đồng Tâm, và nếu không có mạng xã hội, thì Đồng Tâm đã bị đàn áp tàn bạo trong im lặng như những Nghệ An, Thái Bình, Tây Nguyên năm nào.

3. Kết quả đối thoại hôm nay cho thấy Chủ tịch Nguyễn Đức Chung có ghi nhận ý kiến của cộng đồng mạng để phân định đúng, sai trong vụ Đồng Tâm, và ông cũng có ý thức “công tội phân minh”. Nhưng VTV và những cơ quan báo chí quốc doanh đã từng đưa tin sai sự thật, vu khống, mạ lị dân Đồng Tâm, thì chưa thấy phải chịu trách nhiệm gì. Chưa thấy ông Chung nhắc gì đến họ. Trên nguyên tắc, VTV và các báo đã đưa tin sai, đã viết bài bình luận nhảm nhí, thì phải đính chính và xin lỗi công khai. Trên thực tế, họ sẽ chẳng làm như thế, mà việc gì phải hạ cố xin lỗi dân khi họ đơn thuần là công cụ phục vụ chủ nhà nước, "ăn cơm chúa, múa tối ngày"?

4. Ý niệm về “tam quyền phân lập”, “nhà nước pháp quyền” còn rất xa vời ở Việt Nam, khi một lãnh đạo thành phố (nhánh hành pháp) lại quyết định được việc của cả viện kiểm sát, tòa án (tư pháp), và được báo chí hoan nghênh nhiệt liệt, được dân vỗ tay vang trời – dù rằng đó là quyết định đúng đắn.

22/4/2017

Những ngụy biện phò chế độ

Đâu đó trên mạng, ta vẫn thấy những ý kiến đầy băn khoăn, ưu tư về vụ Đồng Tâm, như là: Ừ, cứ cho là việc cưỡng chế đất của dân là sai đi, nhưng dân bắt giữ người thi hành công vụ thì là hành vi nguy hiểm, phạm pháp rồi.

Trong cách nói ấy, có sự tương đồng với kiểu công an TP. Hà Nội, vào ngày 16/4, ra công văn “đề nghị huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn đối với ông Kình vì ông đã khai báo về hành vi phạm tội, nhân thân chưa có tiền án tiền sự, không cần thiết áp dụng biện pháp tạm giữ”.

Tương đồng ở chỗ họ lờ tịt đi những kẻ thực sự đã có hành vi nguy hiểm và phạm pháp.

Dân bắt giữ công an bởi họ cần tự vệ trước một lực lượng dùng vũ lực cướp đất của họ, đặc biệt là tấn công họ, bắt bớ họ trái pháp luật. Sao chỉ xoáy vào hành vi của dân mà lờ tịt tội của những kẻ nhân danh thi hành công vụ kia đi?

(Xin nói thêm: Trong khi các vị ấy lo dân tạo tiền lệ bắt giữ công an, thì chuyện công an bắt người trái phép đã thành truyền thống của ngành rồi. Nói về bắt giữ người tùy tiện, trái pháp luật, lực lượng an ninh hẳn là quá thừa kinh nghiệm).

Công an “hủy bỏ biện pháp ngăn chặn” với cụ Lê Đình Kình, là hệ quả của việc trước đó công an đã bắt giam trái phép cụ Kình, đánh gãy xương hông cụ, ngay cả bây giờ vẫn đang giam lỏng cụ nhân danh “chăm sóc” (thực tế thì không rõ đã có anh chị công an nào đổ bô cho cụ chưa?). Sao dám bảo cụ đã “khai báo về hành vi phạm tội” (hành vi gì?) mà lờ tịt trọng tội của những kẻ nhân danh thi hành công vụ kia đi?

* * *

Các công dân phò chế độ kia sẽ nói: Ừ, thì cứ cho là bên công an cũng có phần sai đi. Nhưng thấy công an sai thì dân phải báo cáo, phản ánh với chính quyền, có gì thì khiếu nại, rồi từ từ tìm biện pháp giải quyết chứ sao lại cũng làm sai nốt? Chẳng hóa ra thấy người ta vi phạm pháp luật, mình cũng vi phạm theo?

Luận điệu đầy tinh thần “thượng tôn pháp luật” này chỉ thể hiện một sự đạo đức giả, lấp liếm và dối trá. Không hơn.

Lấy gì đảm bảo người dân sẽ không bị thiệt hại khi “thượng tôn” thứ pháp luật chưa bao giờ bảo vệ quyền của họ mà chỉ thuần túy là công cụ quản lý của nhà nước?

Khi người dân “thượng tôn pháp luật” theo kiểu mà các ngụy biện gia kia đề nghị, và rồi họ hứng đủ thiệt thòi, tai họa, thậm chí nguy hiểm về tính mạng, thì các ngụy biện gia và cái nhà nước mà cả đám đang phò có chịu trách nhiệm gì không? Câu trả lời tất nhiên là không.

Công lý - là bảo vệ sự bình đẳng về quyền, là bảo vệ quyền con người, bảo vệ người yếu thế. Trong quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, công lý là đảm bảo quyền lợi của người yếu thế (nhân dân), là buộc kẻ mạnh (nhà nước và bộ máy công cụ của nó) phải chấp nhận phần thiệt về phía mình, chấp nhận khó mình và lợi cho dân.

Thử hỏi, cái gọi là nhà nước ở Việt Nam hiện nay có bao giờ chịu nhận phần thiệt về phía mình không, hay ngược lại, nó chỉ ra sức bóc lột, chèn ép, hà hiếp người yếu thế?

Nhìn lại lịch sử để nói rộng thêm: Hơn 80 năm qua, đã bao giờ cái đảng cầm quyền này chịu nhượng bộ trước dân - bên yếu thế - chưa? Thời tiền chiến, chúng kêu gọi dân hiến tài sản, hiến vàng hiến nhà cho cách mạng. Thời chiến, chúng kêu gọi dân hy sinh xương máu. Thời bình, chúng kêu gọi dân yên tâm chấp hành đường lối chủ trương chính sách của nhà nước, và khi có chuyện gây bức xúc thì thông cảm và tạo mọi điều kiện cho các cấp chính quyền, cho cơ quan chức năng thi hành nhiệm vụ.

* * *

Các ngụy biện gia cũng có thói quen chung là, hễ cứ có xung đột, mâu thuẫn, vấn đề gì trong xã hội là lại chĩa mũi dùi vào dân, phê phán “tư duy bầy đàn”, “văn hóa tiểu nông”, “căn tính bạo lực” của người dân Việt Nam. Hỏi sao không chỉ trích nhà nước, họ sẽ ưu tư: Chính quyền thì cũng từ dân mà ra, dân như thế thì chính quyền sao khác được.

Cách nói của họ dẫn đến cách hiểu: Cuối cùng là hòa cả làng, dân cũng như quan, đều dở cả; tuy nhiên khởi thủy thì tội của dân là chính.

Hay nhỉ, họ cứ làm như nhà nước này do dân bầu ra không bằng.

21/4/2017

---------------------

Bài liên quan: Hội chứng Stockholm ở nhà báo Việt Nam

Monday, 10 April 2017

Kể chuyện xô xát trong đồn công an

(Cảnh báo: Trong bài có rất nhiều từ ngữ thô tục, xin độc giả thông cảm và kiềm chế khi đọc).

---------

Sáng 9/4/2017, cuộc diễu hành bằng xe đạp ở Hà Nội để tưởng niệm một năm sự kiện cá chết hàng loạt bị công an “triệt phá”. Tôi chẳng tổ chức, cũng không đi được xe đạp, nhưng vẫn hân hạnh được anh em an ninh từ Bộ, tới Thành phố, tới quận, đến tận nhà đưa về đồn.

Ở đồn, họ đưa tôi vào phòng hội trường rồi bảo: “Ngồi yên đấy!”. Đoạn bỏ ra ngoài và đóng cửa lại.

Kể ra tôi cũng có thể ngồi yên nếu như sau đó không có màn an ninh xông vào bẻ tay và giật máy nghe nhạc, làm đứt tung cả tai nghe – họ sợ bị ghi âm. Do bị bẻ tay đau quá nên tôi nổi nóng, chống cự quyết liệt. Họ quát lên: “Trang! Có đưa đây không?”. “Không. Đồ ăn cướp!”.

Cuộc xô xát diễn ra trong phòng hội trường của đồn, nên nếu tường thuật một cách thật khách quan sẽ là: Có ít nhất 5 người, gồm 3 nam và 2 nữ, đã giằng giật đồ của một phụ nữ ngay trước mặt một pho tượng Hồ Chí Minh bằng thạch cao và phù điêu hai ông Các Mác, Lê Nin.

Phần thắng đương nhiên là thuộc về phe đông hơn. Nhân viên an ninh nhiều tuổi nhất dúi vào đầu tôi một cái: “Vào đồn rồi còn láo!”.

Tôi đáp: “Ừ. Các anh thì không phải là láo, mà các anh là một lũ ăn cướp. Mất dạy!”.

Tay trẻ hơn bảo: “Này, ai cướp đồ của chị?”. (Vừa nói hắn vừa chìa tay, đưa trả lại máy nghe nhạc cho tôi).

Đáp: “Sao, thế đột nhiên các anh bắt tôi về đây, rồi giằng máy nghe nhạc của tôi, tự ý mở ra, thì không phải là cướp à?”.

Cuộc tranh luận bắt đầu chuyển sang chủ đề thế nào là cướp. Tuy nhiên, đồng chí an ninh trẻ tuổi nọ đã nhanh chóng chuyển giọng, không còn là “chị, tôi” nữa.

- Địt mẹ con mặt lồn đã xấu còn vô duyên.

- Ờ, thì cũng như cả lò nhà mày thôi.

- Địt mẹ, mày nói “cả lò nhà tao” là tao tát lật mặt mày đấy, nghe chưa?

Chiếc máy nghe nhạc còn lại
và được mang về nhà
sau trận xô xát.
Tay sai của chế độ đã hiện nguyên hình. Thật sự lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến những người lâu nay khi gặp công an vẫn rúm ró sợ hãi rồi về kể lể như một cách tự trấn an mình, rằng: “Bên công an cũng ôn hòa lắm, lịch sự lắm, có gì đâu”. Tôi nghĩ giá như có cách nào để họ hiểu bản chất vô học và bất chấp mọi thủ đoạn của an ninh Việt Nam, giá như có cách nào để họ hiểu thủ thuật “good cop, bad cop” (đứa đập đứa xoa) của công an.

Nhưng trong trường hợp tôi hôm nay thì các đồng chí đều đã lộ nguyên hình, và chẳng ai là “good cop” cả. Tất cả những gì họ làm, những lời họ nói, chỉ để toát lên một điều duy nhất: An ninh Việt Nam luôn muốn mọi người dân phải tuân phục cái gọi là “cơ quan công quyền”, phải biết sợ, bảo gì nghe nấy. Vốn tính hiếu thắng, công an muốn dân phải hoàn toàn khuất phục, và không thể chịu được chuyện những người dân thường lại nhơn nhơn, thách thức “lực lượng chức năng”. Tiếc rằng tôi không thể chiều cái tính trẻ con đó của họ được. Mà suy cho cùng, cả đất nước này, nhân dân cả nước này, đã chiều, đã nhịn chế độ công an trị này quá lâu rồi.

- Mày tát đi – Tôi đáp.

Hắn giương mắt nhìn tôi. Kiểu nhìn của công an bao giờ cũng vậy, gườm gườm, xoi mói và đầy đe dọa:

- Con mặt lồn, thứ mày tao tát chỉ bẩn tay tao. Thứ mày thì tao đái vào mồm ấy, chứ tao không như người khác đâu, hiểu chưa?

Tôi chỉ tay lên bàn:

- Mày đứng lên đây, vạch quần đái ngay tao xem nào.

Hóa ra chiến sĩ công an nhân dân cũng đủ liêm sỉ để không vạch cúc quần ra. Anh hùng đến thế là cùng.

Cứ thế, hai bên chửi nhau trước mặt bốn công an kia. Tất cả đều im lặng, kể cả hai phụ nữ. Không hiểu họ nghĩ gì trước cảnh đồng nghiệp chửi rủa một người cùng giới với họ như vậy.

Sau cùng, tay an ninh bỏ ra khỏi phòng, vừa đi vừa nhổ nước bọt và chửi: “Địt mẹ con chó vừa xấu vừa vô duyên. Bố khinh. Bố kinh tởm mày”.

Tôi gọi vọng ra:

- Mày vào trong phòng hội trường, đứng đây mà nhổ này. Ba cái trò này không ăn thua gì với bà mày đâu con ạ.

Hắn quay lại lườm tôi. Tôi bật cười. Lâu nay, tôi không muốn để cho an ninh nghĩ rằng “Đoan Trang là người mà khi cần, có thể trí thức như Nguyễn Quang A, có thể đường phố như Bùi Thị Minh Hằng, mà cũng có thể nghệ sĩ như Thịnh Nguyễn”. Phần nghệ sĩ có lẽ nhiều nhất trong ba phần ấy, nhưng cũng đúng là ba cái trò chửi bới này không ăn thua gì với tôi. Nó chỉ khiến tôi hơi ngạc nhiên: An ninh Việt Nam cạn lý và vô học đến thế sao?

Sau đó, nhân viên an ninh nhiều tuổi bắt đầu “làm việc”:

- Vừa rồi đi Hà Tĩnh thế nào?

Tôi nhún vai:

- Tôi không hiểu câu hỏi của anh. “Thế nào” là thế nào?

- Thì đó, chuyến đi Hà Tĩnh vừa rồi thế nào, đi với ai, làm gì?

- Anh hỏi như thế nhằm mục đích gì vậy?

Anh ta dằn giọng:

- Tôi hỏi chị đi Hà Tĩnh vừa rồi làm gì, chị lại hỏi lại tôi à?

- Thì tôi hỏi anh có mục đích gì khi hỏi như thế?

- Tôi là cơ quan an ninh, tôi đang làm việc với chị.

- Thì tôi chỉ hỏi anh là mục đích, động cơ của anh là gì khi hỏi tôi như thế thôi mà. Anh cứ trả lời đi đã.

Cuộc đấu khẩu lại đi vào thế bế tắc. Cuối cùng, anh ta cũng bỏ ra ngoài.

Còn lại trong phòng với hai thanh niên trẻ. Tôi thở dài, mở máy nghe nhạc. Một trong hai người trẻ cho tôi mượn cặp tai nghe.

Tôi bật máy. Giai điệu ngọt ngào của “Oh My Love” vang lên, với những ca từ mà bất kỳ ai đã biết đến ca khúc này đều không thể quên được.

“I feel sorrow, oh, I feel dream.
Everything is clearer in my heart.
I feel life, oh, I feel love
Everything is clearer in my world.”

(Tôi u sầu, tôi ước mơ.
Mọi thứ đều rõ ràng trong tim tôi.
Tôi cảm nhận cuộc đời. Tôi cảm nhận tình yêu.
Mọi thứ đều rõ ràng trong thế giới của tôi).

Tôi rùng mình khi nghe những lời ấy. Và tôi thấy… bỗng dưng muốn khóc.

Saturday, 8 April 2017

Ép công dân nhận tội rồi quay phim, là cấu thành hành vi tra tấn và làm nhục người khác

Báo Hà Tĩnh số ra hôm nay (8/4/2017) phấn khởi đưa tin "phần tử Việt Tân" Nguyễn Văn Hoá đã "sám hối, muốn làm lại cuộc đời". Kèm theo bản tin là một video clip "nhận tội" của em Nguyễn Văn Hoá (sinh năm 1995) vì em đã có "hành vi tuyên truyền kích động nhân dân biểu tình, gây mất an ninh trật tự, xuyên tạc, bôi nhọ Đảng và Nhà nước...".

Video clip không ghi nguồn, nhưng có lẽ do Cơ quan An ninh Điều tra CA tỉnh Hà Tĩnh thực hiện, bởi Hoá đang ở trong tay họ.

Có thể, cả Cơ quan An ninh Điều tra lẫn báo Hà Tĩnh - cơ quan ngôn luận của những "Hà Tĩnh gian" chuyên đưa tin chống lại quê hương mình - đều đang vui mừng trước hành vi "nhận tội" của Hoá.

Tuy nhiên, xin nhắc để các ông các bà nhớ mấy điều sau:

1. Nguyễn Văn Hoá nhận tội khi đang ở trong tay cơ quan an ninh, chịu sự thẩm vấn của họ, không có sự chứng kiến của luật sư hay bất cứ bên thứ ba nào đủ độc lập và đáng tin cậy. Trong tình trạng đó, MỌI LỜI KHAI BÁO, NHẬN TỘI CỦA NGUYỄN VĂN HOÁ ĐỀU VÔ GIÁ TRỊ.

2. Nguyễn Văn Hoá bị bắt vào ngày 11/1/2017 - và đến ngày 19/1 gia đình mới nhận được thông báo. Nghiêm trọng hơn, mãi đến ngày 6/4, truyền thông nhà nước mới đưa tin là Cơ quan An ninh Điều tra CA tỉnh Hà Tĩnh "vừa mới có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can" đối với Hoá.

Như vậy, có thể thấy Nguyễn Văn Hoá đã bị bắt giữ tuỳ tiện và bị giam giữ trái phép trong ít nhất ba tháng, Cơ quan An ninh Điều tra có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thậm chí phạm tội hình sự (Điều 123 Bộ luật Hình sự, tội "bắt, giữ, giam người trái pháp luật", có tình tiết tăng nặng là lợi dụng chức vụ quyền hạn và bắt người có tổ chức).

3. Bình luận Chung (General Comment) số 32 của Ủy ban Nhân quyền LHQ (năm 2007) đã khẳng định: "Không một ai phải khai báo bất kỳ điều gì không có lợi / chống lại bản thân". Đây là một thứ quyền con người, thuộc nhóm quyền được xét xử công bằng. Điều đó cũng có nghĩa là, mọi sự bắt ép các nghi can nhận tội, rồi quay phim chụp hình để "bêu" họ lên truyền thông như một cách làm nhục họ, đều là vi phạm nhân quyền và thật ra, không có giá trị pháp lý.

Nói cách khác, clip nhận tội của Nguyễn Văn Hoá không có giá trị buộc tội Hoá. Nó chỉ có một ý nghĩa duy nhất: chứng minh sự lạm quyền, hèn hạ, tiểu nhân, chà đạp nhân quyền và bất chấp luật pháp của cơ quan an ninh và sự thiếu hiểu biết về pháp luật của cái gọi là báo chí.

Tất cả những gì Nguyễn Văn Hóa làm 
đã chỉ là chụp ảnh, quay phim tại khu vực chịu thảm họa ở miền Trung 
và gửi cho các cơ quan truyền thông. 

-------

Nhắn riêng Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an Việt Nam: Này, bỏ cái trò học được từ quan thầy Trung Quốc, là ép người ta nhận tội trước ống kính máy quay rồi hể hả tung lên báo, lên đài "tuyên truyền" cho nhân dân cả nước đi. Bẩn và hèn lắm. Vi phạm pháp luật (của thế giới văn minh) đấy, hiểu không? Hiểu rồi thì nhắc lại xem nào.

Tập bỏ dần đi, nghe chưa? Tập hành xử văn minh đi, nghe chưa?

Monday, 3 April 2017

Biến cố tại Hà Tĩnh

Vào khoảng 9h tối qua (2/4/2017), một nhóm 5 bạn trẻ (ba nam và hai nữ) đến quán café One-One, gần nhà thờ giáo xứ Trung Nghĩa (xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) để uống café và xem bóng đá.

Trong nhóm, có hai nhà hoạt động nhân quyền là Bạch Hồng Quyền (thành viên phong trào Con Đường Việt Nam) và Hoàng Đức Bình (thuộc tổ chức Phong trào Lao Động Việt).

Mọi người đang trò chuyện thì có 5 nhân viên an ninh thường phục bước vào quán. Sở dĩ nhận diện được họ là an ninh thường phục, bởi họ là những gương mặt vốn quen thuộc với những người hoạt động nhân quyền trong địa bàn, và họ cũng đã bám sát để theo dõi Quyền và Bình từ thời gian trước đó.

5 nhân viên an ninh đã kiếm cớ gây lộn với nhóm Quyền, Bình và các bạn. Thấy không khí căng thẳng, Hoàng Đức Bình bỏ ra ngoài lấy xe máy đi về thì bị họ chặn lại, chửi bới. Bình hỏi, “lý do gì mà anh chặn xe tôi?”, an ninh đáp: “Tao thích thì tao chặn đấy, mày làm gì được tao?”.

Nhóm bạn của Bình rút điện thoại ra định quay phim, phía an ninh lớn tiếng: “Tao thách thằng nào quay. Tao đập”.

Không khí căng thẳng, dẫn tới xô xát. Bình buộc phải nhảy lên xe máy, phóng đi, và nghe có tiếng súng nổ phía sau. Lúc đó là khoảng gần 10h tối.

Anh Bình chạy về nhà xứ Trung Nghĩa gần đó, kêu cứu.

11h đêm, Bạch Hồng Quyền và các bạn khác cũng thoát được. Người nổ súng được xác định là Giáp, Trưởng CA xã Thạch Bằng. Do cuộc xô xát, cãi vã diễn ra trong bóng đêm, mọi người không nhìn được Giáp bắn ai; tuy nhiên, không ai bị thương.

Ngay sau đó, công an kéo đến tụ tập bên ngoài nhà thờ. Linh mục Nguyễn Công Bình (quản xứ giáo xứ Trung Nghĩa) đã rung chuông báo động để bà con giáo dân tới ứng cứu. Xô xát lại nổ ra ở khu vực xung quanh nhà thờ, khi giáo dân kéo đến. Một số người bị công an đập giày vào mặt, một người bị chém vào cổ tay, một người bị đánh thương tích ở đầu. Phía công an cũng có một nhân viên bị dân đánh trọng thương.

Tới nửa đêm, các bên đều rút. Bà con giáo dân đòi linh mục cho tổ chức tuần hành phản đối công an, và tiến hành in băng-rôn ngay trong đêm. (Cuộc tuần hành đã có kế hoạch từ trước, nhằm mục đích đòi chính quyền bồi thường khẩn trương và thỏa đáng cho thảm họa Formosa).

Buổi sáng nay, 3/4, hàng nghìn người, chủ yếu là giáo dân, đã cùng nhau kéo đến UBND huyện Lộc Hà. Trong các yêu sách của họ, có thêm yêu cầu chính quyền trả lời tại sao lại đàn áp dân, và phản đối công an nổ súng bắn dân. Đây là các nội dung mới phát sinh, sau vụ xô xát đêm qua giữa giáo dân và công an.

Ảnh: Bạch Hồng Quyền

Vào khoảng 9h sáng, những người biểu tình đã chiếm UBND huyện Lộc Hà. Cán bộ, nhân viên Ủy ban bỏ trốn.

Hàng nghìn cảnh sát cơ động (chưa rõ thuộc Trung đoàn nào) đã được huy động đến địa bàn để bao vây và đàn áp. 

Cập nhật lúc 11h40: Mạng điện thoại bị phá sóng, 3G bị cắt từ 11h trưa nên mọi liên lạc từ khu vực UBND huyện Lộc Hà ra ngoài đều bị cắt. Không rõ có ai bị bắt hay chưa, tuy nhiên, có thể thấy tình hình rất căng thẳng.

Cập nhật lúc 14h10: Cho đến giờ này, báo chí chính thống vẫn im lặng, chưa đề cập gì đến biến cố đang diễn ra ở huyện Lộc Hà và Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Được biết, có rất nhiều tay máy an ninh và phóng viên quay phim chuyên nghiệp đã có mặt tại hiện trường và chụp ảnh, ghi hình người dân biểu tình.

Có thể các báo đang chờ chỉ đạo từ "trên" - tức là từ Bộ 4T, ban Tuyên giáo, thậm chí từ Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử... (Ta nên nhớ là ở Việt Nam, có rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước có quyền xử phạt báo chí, và có bao nhiêu cơ quan có quyền ấy thì có bấy nhiêu cơ quan có thể can thiệp, định hướng hoạt động báo chí).

Cá nhân người viết cũng cho là có khả năng sau: Nếu biến cố hôm nay ở Hà Tĩnh đủ lớn, thì chỉ nay mai, ban Thời sự Truyền hình Việt Nam (VTV) và các cơ quan báo chí lớn như Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các báo của công an và quân đội, báo Hà Tĩnh v.v. sẽ đồng loạt vang tiếng, nhả đạn nã pháo bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất vào đám đông dân chúng biểu tình ở Hà Tĩnh.

Đấy là chưa kể đến vai trò định hướng, nắn chỉnh dư luận của cả một lực lượng truyền thông đen rất hùng hậu nữa, những tolam.net, nguyentandung.org, trandaiquang.org, vân vân.

Nói vậy thôi, mong rằng họ sẽ không làm cái việc đổ thêm dầu vào lửa giận của những người dân ở các giáo xứ miền Trung - những người chỉ có trong tay duy nhất một vũ khí là chiếc điện thoại di động, và duy nhất một phương tiện truyền thông là mạng xã hội facebook.

Đương nhiên dân không sở hữu hơn 800 tờ báo và tạp chí, không sở hữu 67 đài phát thanh-truyền hình; facebook và youtube của dân cũng không phủ "sóng" tới 64 tỉnh thành trong cả nước được.

Tuy thế, hy vọng VTV, các báo công an/quân đội cũng như đội ngũ truyền thông đen sẽ không ngu dại mà châm lửa vào đống rơm khô đã chất sẵn.

Nhân tháng tư đen, nói chuyện "bên thắng cuộc"

Nhiều bạn trẻ có thể thắc mắc, không hiểu cách hành xử của “bên thắng cuộc” – đảng Cộng sản – sau khi giành được chính quyền trên cả nước có gì sai trái hay phi dân chủ. “Em thắng, em có quyền” cơ mà.

Bài viết dưới đây sẽ thử cố phân tích một vài khía cạnh của bức tranh lớn để từ đó, giúp các bạn trẻ hình dung một cách nhanh chóng nhất khái niệm dân chủ. Tức là đây là lối viết cho thể loại “hiểu kinh tế trong một bài học”, “hiểu dân chủ trong một bài học”…

Xin thông báo trước: Bài viết sử dụng các ví dụ giả tưởng, chỉ có tính chất đùa cho vui. Bạn nào đọc không hiểu hoặc không thấy có gì đáng cười thì mong bạn vui lòng bỏ qua cho.

Nếu họ trở thành bên thắng cuộc

Ta cứ giả sử – giả sử thôi nhé – phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam hiện nay thắng lợi, và các nhà hoạt động hiện nay trở thành lãnh đạo của nước Việt Nam mới. Nếu họ cũng hành xử như “bên thắng cuộc”, tức đảng Cộng sản, khi xưa thì theo các bạn, họ sẽ làm gì nào? Nói chung, có rất nhiều việc phải làm, mà sau đây chỉ là một số ví dụ:

- Họ sẽ tiến hành phân loại đám quan chức, công chức trong chính quyền cộng sản thành nhiều nhóm, định tội từng nhóm rồi “sai phạm đến đâu, xử lý đến đó”. Đối tượng nào bị xác định là có nợ máu với phong trào dân chủ (như an ninh, tuyên giáo, dư luận viên) thì sẽ bị đưa đi tập trung cải tạo hoặc bố trí cho vào vùng kinh tế mới để xây dựng đời sống mới. Kẻ nào ngoan cố, chống phá đến cùng, sẽ phải đền tội bằng mạng sống của y hoặc bằng những án tù mút mùa.

- Họ sẽ tịch thu nhà cửa, biệt thự của các quan chức cộng sản bây giờ và chia nhau vào ở. Có thể sẽ ép các quan chức này phải làm đơn xin hiến nhà cho phong trào dân chủ, bằng không, sẽ không cho con cái họ thi đại học/cao đẳng hay học hành lên cao.

- Họ sẽ phân đất, phân nhà cho các nhà đấu tranh dân chủ, sẽ cộng điểm ưu tiên cho con cái các nhà đấu tranh khi chúng thi cử, học tập…

- Họ sẽ lập ra các quỹ đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, để hỗ trợ cho các nhà đấu tranh dân chủ, nhất là những người được cho là có công lao với phong trào, có thành tích trong đấu tranh và chịu nhiều mất mát, hy sinh, ví dụ: những người đi tù lâu năm, bị bắt cóc hay câu lưu nhiều lần, bị canh nhà nhiều lần, bị hành hung đánh đập nhiều lần… Cần lưu ý là các quỹ đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn này sử dụng ngân sách nhà nước, kết hợp “huy động” một phần từ xã hội. Ai không chủ động đóng góp sẽ bị nhắc nhở, xử lý nghiêm.

- Họ sẽ phát động các phong trào “uống nước nhớ nguồn” để xã hội hóa việc đền ơn đáp nghĩa các nhà đấu tranh. Ai không biết ơn các nhà đấu tranh sẽ bị kiểm điểm, bị chỉ trích, phê phán nặng nề, bởi "không có sự hy sinh to lớn của các thế hệ đấu tranh thì làm gì có nền dân chủ mà nhân dân đang hưởng ngày nay".

- Họ sẽ chọn các ngày liên quan đến hoạt động của phong trào dân chủ để làm ngày lễ lớn của dân tộc. Ví dụ, sinh nhật anh Điếu Cày sẽ trở thành “Ngày Blogger Việt Nam”, hay 5/6/2011 sẽ trở thành “Ngày toàn dân xuống đường chống độc tài”. Ngày thành lập tổ chức VOICE có khi sẽ là sự kiện kỷ niệm chung của xã hội dân sự ở Việt Nam cũng nên. Vào những dịp như vậy, toàn dân có nghĩa vụ treo cờ - lá cờ của phong trào dân chủ. Ai không treo sẽ bị tổ dân phố tới vận động, thuyết phục cho đến khi nào chấp thuận.

- Họ sẽ tiếp tục cấm báo chí tư nhân hoạt động, nhất là trong mảng chính trị-xã hội-pháp luật. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tiếp tục nhiệm vụ “tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu văn hoá, khoa học, kỹ thuật trong nước và thế giới”, chỉ thay từ “Đảng” bằng từ “phong trào dân chủ”.

- Họ sẽ đưa một số bài viết, status, post... của các nhà đấu tranh dân chủ nổi tiếng bây giờ vào danh mục "tác phẩm văn học dùng trong nhà trường", để rồi các thí sinh mỗi năm thi tốt nghiệp hay thi đại học đều xôn xao: "Năm nay đề về Mẹ Nấm", "Ối giời, tao lại toàn ôn thơ Phan Xéng... thôi chết, trật tủ rồi". Một số lượng lớn post của học giả Hoàng Dũng sẽ được coi như những áng văn chính luận mẫu mực.

- Họ sẽ cho đổi hết tên đường, lấy tên các nhà đấu tranh và những người có công với phong trào dân chủ đặt cho các con đường, phố phường…

- Họ sẽ cấm sạch, cấm ráo các bài hát thuộc thể loại “nhạc đỏ”, các sản phẩm văn hóa nghệ thuật mang tính tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản và người cộng sản (ví dụ ca ngợi Đảng và Bác và cách mạng…).

Không lời.

* * *

Đó. Nếu những người đấu tranh dân chủ hiện nay mà cũng giống như cộng sản, thì sau này khi Việt Nam thay đổi thể chế và họ làm lãnh đạo, họ sẽ hành xử như vậy đó – như cộng sản đã làm với hàng triệu người dân sau khi cướp được miền Nam và áp đặt quyền cai trị lên cả nước.

Hy vọng là đến đây thì bạn đọc trẻ đã hình dung được thế nào là dân chủ, thế nào là độc tài; và hẳn các bạn cũng thấy: Dân chủ chắc chắn gắn với hai từ "quân tử", còn độc tài bắt buộc phải đi liền với các thuộc tính "hèn hạ", "tiểu nhân".

Tất nhiên, như đã nói từ đầu, đây chỉ là câu chuyện dựa trên một ví dụ giả tưởng mà thôi. Các bạn hãy tin tưởng rằng những người đấu tranh dân chủ hiện nay ở Việt Nam sẽ không như cộng sản và không bao giờ được phép như cộng sản.

Nếu thể chế thay đổi và đất nước dân chủ hóa, việc định tội những kẻ từng bảo vệ chế độ độc tài sẽ do các tòa án độc lập thực hiện trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Mọi hành động trả thù ngoài vòng pháp luật phải bị nghiêm cấm.

Việc khen thưởng, bù đắp những thiệt thòi mất mát, hay là đền ơn đáp nghĩa các nhà dân chủ là chuyện của xã hội dân sự, và chẳng đảng phái nào được phép lấy ngân sách nhà nước để chi dùng cho việc đó. Sẽ không có chuyện phân đất, phân nhà cho các nhà hoạt động dân chủ và đương nhiên sẽ không có chính sách cộng điểm ưu tiên cho con cái họ.

Chúng ta sẽ cố gắng hết sức để những bi kịch mà “bên thắng cuộc” gây ra năm nào không lặp lại nữa.

Câu hỏi đặt ra là: Thế nếu mọi chuyện tái diễn như hệt thời cộng sản thì sao?

Thì những người đấu tranh dân chủ đúng nghĩa sẽ lại chiến đấu tiếp.

Còn cá nhân tôi, khi ấy, rất có thể tôi sẽ thành lập một ban nhạc chuyên biểu diễn… nhạc đỏ.

Sunday, 2 April 2017

Tháng tư đen của một năm về trước

Những ngày này năm ngoái, màn kịch “bầu cử ĐBQH và HĐND” của đảng Cộng sản Việt Nam đang đi vào giai đoạn quyết liệt: đấu tố các ứng viên độc lập. Việc đấu tố nhằm hai mục đích cơ bản: Một là để bôi nhọ, làm mất uy tín ứng viên độc lập, quyết không để những gương mặt đó lọt vào quốc hội đã được đảng Cộng sản cơ cấu; hai là để khiến cho dân chúng nói chung và những người có ý định tham gia chính trị nói riêng – tức là các chính trị gia tiềm năng – phải nhìn vào đó mà kinh hãi, bỏ cuộc luôn.

Chúng ta cùng nhìn lại những diễn biến dồn dập cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm ngoái để thấy nỗ lực chống phá ứng viên độc lập đã được thực hiện ráo riết như thế nào:

* * *

28/3: Cái gọi là “quần chúng tự phát” đã ném mắm tôm vào những người ủng hộ Hoàng Văn Dũng, là ứng viên độc lập đầu tiên bị loại trong hội nghị lấy ý kiến cử tri. Ông nhận được 4 phiếu thuận trên tổng số 57 phiếu.

31/3: Ca sĩ Đỗ Nguyễn Mai Khôi bị loại ở hội nghị lấy ý kiến cử tri tại chính quê hương Khánh Hòa của mình. Cùng ngày, diễn viên, ca sĩ Lâm Ngân Mai bị loại trong một hội nghị cử tri mang tính chất sỉ nhục, khi cô bị phê là “sử dụng facebook để truyền bá tư tưởng chống nhà nước” và “làm nghề bán vé số dạo”.

01/4: Nhà thơ Bùi Minh Quốc, cựu tù nhân lương tâm, đã bỏ ra khỏi hội nghị lấy ý kiến cử tri tại địa phương khi đám đông giận dữ chỉ trích mạnh mẽ ông vì dám “đòi đa đảng và thách thức sự cai trị của ĐCSVN.” Cũng ngày này, nhà hoạt động xã hội, Thạc sĩ luật Nguyễn Trang Nhung không nhận được bất kỳ phiếu ủng hộ nào trong số 63 phiếu bầu trong hội nghị lấy ý kiến cử tri mà sau này cô vừa khóc vừa mô tả: “Đó thực sự là một màn đấu tố”.

04/4: Ít nhất 4 ứng viên độc lập nộp kiến nghị lên Quốc hội, MTTQ và UBBCQG, yêu cầu công bố trước danh sách cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến cử tri và cho phép các phương tiện truyền thông theo dõi hội nghị.

07/4: MTTQ trả lời sẽ không công bố danh sách như đòi hỏi và cũng không cho phép bất kỳ người nào, kể cả gia đình và bạn bè của các ứng viên độc lập, tham dự hội nghị, “vì không có quy định nào liên quan đến việc này”.

09/4: Tiến sĩ Nguyễn Quang A bị loại áp đảo vì “không thường xuyên tham dự các cuộc họp ở tổ dân cư” và “không có đóng góp gì cho đất nước”. Ông được 6 phiếu ủng hộ trong số 75 phiếu bầu. Trước đó ông đã nhận được hơn 5000 chữ ký từ những người ủng hộ trên cả nước.

Đồng thời, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện giành được 6 trong tổng số 66 phiếu tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Một cuộc họp khác với cơ quan của ông đã được tổ chức ngày hôm trước, mà ban kiểm phiếu phải mất 30 phút để kiểm đếm chỉ 58 phiếu.

Đỗ Việt Khoa, một giáo viên nổi tiếng với những cố gắng chống tham nhũng trong ngành giáo dục, đã bị loại khi các đồng nghiệp của ông nói rằng đơn giản là họ không muốn ông ứng cử.

Đến tối, Nguyễn Kim Môn được 3/81 phiếu. Ông bị tố là “không chịu moi cống”.

Giữa chừng hội nghị lấy ý kiến cử tri, Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Tường Thụy và Phạm Chí Thành tuyên bố quyết định tẩy chay cuộc đấu tố.

10/4: Hội nghị lấy ý kiến cử tri của thầy giáo Đỗ Việt Khoa tại nơi cư trú, được tổ chức với một nửa số người tham dự là công an mặc thường phục được cử đến từ những nơi khác. Người tổ chức thông báo cấm tuyệt đối ghi âm hay ghi hình. Tổ trưởng dân phố của ông tố cáo ông đã “để chó nhà mình ỉa sang vườn nhà hàng xóm”. Ông vẫn giành được 13 phiếu ủng hộ từ những người hàng xóm thật sự của mình, trên 75 phiếu, rồi mới bị loại.

Đến tối, bác sĩ Đinh Đức Long tiếp xúc với 46 cử tri tại buổi gặp mặt cử tri khu dân cư quận Gò Vấp, TP HCM. Cử tri hầu hết là người ông không quen biết. Ông đề nghị hủy bỏ hội nghị vì không đạt số lượng tối thiểu 55 người như quy định của pháp luật, và gặp phản đối mạnh mẽ. Một số người tham dự còn dọa sẽ đánh ông nếu ông cố tình làm mất thì giờ. Chủ trì hội nghị cuối cùng phải tuyên bố hủy bỏ hội nghị.

08/4: Nguyễn Thị Kim Anh, một ứng viên độc lập rất nổi tiếng với thành phố quê hương Biên Hòa, Đồng Nai, đã bị loại. Cô chỉ nhận được 2 phiếu ủng hộ trong số hơn 80 phiếu. Cùng ngày, tại Bắc Ninh, luật sư nhân quyền nổi tiếng Lê Văn Luân nhận được 10 phiếu ủng hộ trong số 71 phiếu.

Màn kịch do đảng Cộng sản đạo diễn 
đã làm tốn không biết bao nhiêu tiền thuế của nhân dân. 

* * *

Cuộc bầu cử quốc hội của đảng Cộng sản đã thành công rực rỡ, theo nghĩa là đã thực hiện đúng chủ trương, đường lối của đảng, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu từ trước đó, ngày 8/3/2016: “Chúng ta không được để lọt những phần tử thế này thế khác vào Quốc hội và các cơ quan cấp cao khác của Đảng và Nhà nước”.

Lọt được vào cơ cấu của Đảng, để được “hoạt động chính trị” theo chủ trương, đường lối của Đảng, còn khó hơn con lạc đà chui vào lỗ kim. Bộ máy công an trị cũng chỉ cần dân hiểu như thế.