Monday, 24 April 2017

Những ngụy biện phò chế độ

Đâu đó trên mạng, ta vẫn thấy những ý kiến đầy băn khoăn, ưu tư về vụ Đồng Tâm, như là: Ừ, cứ cho là việc cưỡng chế đất của dân là sai đi, nhưng dân bắt giữ người thi hành công vụ thì là hành vi nguy hiểm, phạm pháp rồi.

Trong cách nói ấy, có sự tương đồng với kiểu công an TP. Hà Nội, vào ngày 16/4, ra công văn “đề nghị huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn đối với ông Kình vì ông đã khai báo về hành vi phạm tội, nhân thân chưa có tiền án tiền sự, không cần thiết áp dụng biện pháp tạm giữ”.

Tương đồng ở chỗ họ lờ tịt đi những kẻ thực sự đã có hành vi nguy hiểm và phạm pháp.

Dân bắt giữ công an bởi họ cần tự vệ trước một lực lượng dùng vũ lực cướp đất của họ, đặc biệt là tấn công họ, bắt bớ họ trái pháp luật. Sao chỉ xoáy vào hành vi của dân mà lờ tịt tội của những kẻ nhân danh thi hành công vụ kia đi?

(Xin nói thêm: Trong khi các vị ấy lo dân tạo tiền lệ bắt giữ công an, thì chuyện công an bắt người trái phép đã thành truyền thống của ngành rồi. Nói về bắt giữ người tùy tiện, trái pháp luật, lực lượng an ninh hẳn là quá thừa kinh nghiệm).

Công an “hủy bỏ biện pháp ngăn chặn” với cụ Lê Đình Kình, là hệ quả của việc trước đó công an đã bắt giam trái phép cụ Kình, đánh gãy xương hông cụ, ngay cả bây giờ vẫn đang giam lỏng cụ nhân danh “chăm sóc” (thực tế thì không rõ đã có anh chị công an nào đổ bô cho cụ chưa?). Sao dám bảo cụ đã “khai báo về hành vi phạm tội” (hành vi gì?) mà lờ tịt trọng tội của những kẻ nhân danh thi hành công vụ kia đi?

* * *

Các công dân phò chế độ kia sẽ nói: Ừ, thì cứ cho là bên công an cũng có phần sai đi. Nhưng thấy công an sai thì dân phải báo cáo, phản ánh với chính quyền, có gì thì khiếu nại, rồi từ từ tìm biện pháp giải quyết chứ sao lại cũng làm sai nốt? Chẳng hóa ra thấy người ta vi phạm pháp luật, mình cũng vi phạm theo?

Luận điệu đầy tinh thần “thượng tôn pháp luật” này chỉ thể hiện một sự đạo đức giả, lấp liếm và dối trá. Không hơn.

Lấy gì đảm bảo người dân sẽ không bị thiệt hại khi “thượng tôn” thứ pháp luật chưa bao giờ bảo vệ quyền của họ mà chỉ thuần túy là công cụ quản lý của nhà nước?

Khi người dân “thượng tôn pháp luật” theo kiểu mà các ngụy biện gia kia đề nghị, và rồi họ hứng đủ thiệt thòi, tai họa, thậm chí nguy hiểm về tính mạng, thì các ngụy biện gia và cái nhà nước mà cả đám đang phò có chịu trách nhiệm gì không? Câu trả lời tất nhiên là không.

Công lý - là bảo vệ sự bình đẳng về quyền, là bảo vệ quyền con người, bảo vệ người yếu thế. Trong quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, công lý là đảm bảo quyền lợi của người yếu thế (nhân dân), là buộc kẻ mạnh (nhà nước và bộ máy công cụ của nó) phải chấp nhận phần thiệt về phía mình, chấp nhận khó mình và lợi cho dân.

Thử hỏi, cái gọi là nhà nước ở Việt Nam hiện nay có bao giờ chịu nhận phần thiệt về phía mình không, hay ngược lại, nó chỉ ra sức bóc lột, chèn ép, hà hiếp người yếu thế?

Nhìn lại lịch sử để nói rộng thêm: Hơn 80 năm qua, đã bao giờ cái đảng cầm quyền này chịu nhượng bộ trước dân - bên yếu thế - chưa? Thời tiền chiến, chúng kêu gọi dân hiến tài sản, hiến vàng hiến nhà cho cách mạng. Thời chiến, chúng kêu gọi dân hy sinh xương máu. Thời bình, chúng kêu gọi dân yên tâm chấp hành đường lối chủ trương chính sách của nhà nước, và khi có chuyện gây bức xúc thì thông cảm và tạo mọi điều kiện cho các cấp chính quyền, cho cơ quan chức năng thi hành nhiệm vụ.

* * *

Các ngụy biện gia cũng có thói quen chung là, hễ cứ có xung đột, mâu thuẫn, vấn đề gì trong xã hội là lại chĩa mũi dùi vào dân, phê phán “tư duy bầy đàn”, “văn hóa tiểu nông”, “căn tính bạo lực” của người dân Việt Nam. Hỏi sao không chỉ trích nhà nước, họ sẽ ưu tư: Chính quyền thì cũng từ dân mà ra, dân như thế thì chính quyền sao khác được.

Cách nói của họ dẫn đến cách hiểu: Cuối cùng là hòa cả làng, dân cũng như quan, đều dở cả; tuy nhiên khởi thủy thì tội của dân là chính.

Hay nhỉ, họ cứ làm như nhà nước này do dân bầu ra không bằng.

21/4/2017

---------------------

Bài liên quan: Hội chứng Stockholm ở nhà báo Việt Nam