Cuộc đàm phán sáng nay (22/4/2017) giữa Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung và cư dân xã Đồng Tâm, và cuộc thả con tin vào buổi chiều, đã kết thúc và sẽ đi vào lịch sử.
Ta thấy gì trong sự kiện này? Thấy cả niềm vui và nỗi buồn.
Ta thấy gì trong sự kiện này? Thấy cả niềm vui và nỗi buồn.
VUI:
1. Đã không có (thêm) bạo lực và đổ máu sau vụ việc sáng 15/4. Ngay cả vào thời điểm căng thẳng nhất, đêm 19/4, bạo lực của công an và côn đồ nhằm vào dân cũng đã được kiềm chế. Phía dân Đồng Tâm không có hành động bạo lực nào.
2. Sự việc tạo một tiền lệ cho quan hệ nhân dân và chính quyền: Đối thoại, không đối đầu bạo lực. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, quan chức đến gặp dân “nói chuyện đàng hoàng, người lớn với nhau”, không có màn hống hách quát tháo, không có thái độ răn dạy, “giải thích đường lối” cho dân.
3. Với việc ông Chung hứa hẹn sẽ có điều tra về vụ bắt giữ trái phép cụ Lê Đình Kình, (hy vọng) sự việc góp phần thay đổi tư duy của một số người, giúp họ nhận ra rằng chính quyền có thể sai, công an có thể phạm pháp, và dân thường luôn cần được bảo vệ.
4. Vụ việc có thể tạo tiền lệ dân bắt giữ công an để phản ứng trong trường hợp cần thiết. Nhưng nếu công an, quân đội không làm sai, không phạm tội, không tiếp tay cho chính quyền và doanh nghiệp hà hiếp dân, thì sẽ chẳng có tiền lệ đó.
BUỒN:
1. Câu chuyện Đồng Tâm cho thấy trình độ của nền báo chí Việt Nam đang ở mức nào. Việc một quan chức cấp cao như ông Nguyễn Đức Chung đến gặp dân để đối thoại là chuyện cực kỳ bình thường và là việc phải làm của một chính trị gia bình thường trong một đất nước bình thường. Nhưng một số đông đảo nhà báo đã vẽ nó thành hành động anh hùng của một anh hùng. Ít nhất họ cũng biến ông Chung thành một tiên ông trong mắt dân chúng.
2. Vụ Đồng Tâm gây chia rẽ sâu sắc giữa giới báo chí “chính thống” với cộng đồng mạng (và chia rẽ giữa chính làng báo với nhau). Nó củng cố định kiến của nhiều người về “bọn facebooker” chuyên đưa tin nhảm, tin bịa đặt. Trong khi đó, những người ấy không nhận thấy rằng để xảy ra tình trạng facebooker phải vào cuộc đưa tin, chính là tội của chính quyền và của nền báo chí công cụ. Những người đổ tội cho “bọn facebooker” cũng không nhận ra rằng, nếu ngay từ đầu nhà nước và công an không làm sai thì đã không có vụ Đồng Tâm, và nếu không có mạng xã hội, thì Đồng Tâm đã bị đàn áp tàn bạo trong im lặng như những Nghệ An, Thái Bình, Tây Nguyên năm nào.
3. Kết quả đối thoại hôm nay cho thấy Chủ tịch Nguyễn Đức Chung có ghi nhận ý kiến của cộng đồng mạng để phân định đúng, sai trong vụ Đồng Tâm, và ông cũng có ý thức “công tội phân minh”. Nhưng VTV và những cơ quan báo chí quốc doanh đã từng đưa tin sai sự thật, vu khống, mạ lị dân Đồng Tâm, thì chưa thấy phải chịu trách nhiệm gì. Chưa thấy ông Chung nhắc gì đến họ. Trên nguyên tắc, VTV và các báo đã đưa tin sai, đã viết bài bình luận nhảm nhí, thì phải đính chính và xin lỗi công khai. Trên thực tế, họ sẽ chẳng làm như thế, mà việc gì phải hạ cố xin lỗi dân khi họ đơn thuần là công cụ phục vụ chủ nhà nước, "ăn cơm chúa, múa tối ngày"?
4. Ý niệm về “tam quyền phân lập”, “nhà nước pháp quyền” còn rất xa vời ở Việt Nam, khi một lãnh đạo thành phố (nhánh hành pháp) lại quyết định được việc của cả viện kiểm sát, tòa án (tư pháp), và được báo chí hoan nghênh nhiệt liệt, được dân vỗ tay vang trời – dù rằng đó là quyết định đúng đắn.
22/4/2017
22/4/2017