Wednesday, 27 December 2017

Lược sử blog Việt 2017 (kỳ I)

Tháng 1

08/1: Rồng Pikachu xuất hiện ở Hải Phòng: Công ty CP Công viên Cây xanh Hải Phòng dưới sự chỉ đạo của Sở Xây dựng và UBND Thành phố đã gắn thêm hoa vàng vào hàng cây hình rồng ở đường Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền), biến nó thành một đôi rồng vàng rộm có cái đầu rất giống con chó đá hoặc nhân vật hoạt hình Pikachu. Rồng Pikachu gây bão cười trên mạng xã hội. 

11/1: Sau một thời gian đưa tin, ghi hình về đời sống người dân trong vùng chịu thảm họa môi trường do Formosa gây ra, phóng viên tự do Nguyễn Văn Hóa (SN 1995) bị cơ quan An ninh Điều tra CA tỉnh Hà Tĩnh bắt giam.

14/1: Hàng nghìn ngư dân Đông Yên (Hà Tĩnh) giăng lưới bắt cá biểu tình trên Quốc lộ 1A.

19/1: Một vệt nước đỏ dài khoảng 100 mét xuất hiện gần khu bờ kè của cảng biển Vũng Áng, gần nhà máy của Formosa.

26/1: Nhà hoạt động xã hội Trần Thị Nga (Thúy Nga) bị công an Hà Nam bắt giam. 

Tháng 2

5/2: Trang facebook của Linh mục Nguyễn Văn Lý khởi đăng “Lời kêu gọi tổng xuống đường ngày 5/3/2017” theo lời kêu gọi 16 điểm của Tập hợp Quốc dân Việt: “Từ Chúa Nhật 05-3-2017 Biểu Tình Ôn Hòa đồng loạt toàn quốc mỗi Chúa Nhật hoặc ngày nghỉ suốt năm 2017, để Bảo Vệ Sự Sống và Cứu Quốc Dân”. 

Khoảng từ đây, xuất hiện phong trào livestream “khai dân trí và làm cách mạng” trên facebook, với một số đại diện tiêu biểu: Huỳnh Quốc Huy, Lâm Ngân Mai, Lisa Phạm, Đoàn Thị Thùy Dương… 

14/2: Hàng trăm người dân ở huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) đi bộ đến Tòa án Nhân dân huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) để nộp đơn kiện Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa (thuộc tập đoàn Formosa của Đài Loan) – thủ phạm chính gây ra thảm họa biển năm 2016. Cuộc tuần hành bị công an chặn lại, bao vây và đàn áp thẳng tay. Nhiều người bị thương, trong đó có cả người già, phụ nữ và trẻ em. 

17/2: Một vệt nước biển đỏ khác lại xuất hiện ở gần cảng biển Sơn Dương (Kỳ Anh). Nước biển đỏ cũng được phát hiện ở vùng biển Quảng Bình, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế.

20/2: Phó Chủ tịch UBND quận I, TP.HCM – ông Đoàn Ngọc Hải (SN 1969) – trở
Nguồn ảnh: Zing
nên nổi tiếng với việc phát động chiến dịch dọn dẹp vỉa hè: “Chúng tôi sẽ kiên quyết đòi lại vỉa hè cho người đi bộ… Mục tiêu là xây dựng khu vực quận 1 sạch đẹp như Singapore. Không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo về vườn”. 

Với việc cho huy động xe cẩu để tháo dỡ sạch mọi vật cản trên vỉa hè, kể cả vọng gác, ông được cư dân mạng phong tặng nickname “Hải cẩu”.

26/2: Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Đà Nẵng, nói rằng vệt nước đỏ xuất hiện ở Đà Nẵng là do con ruốc biển đẻ trứng.

27/2: Ông Phan Văn Thông, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Thừa Thiên-Huế, giải thích vệt nước biển đỏ ở Hà Tĩnh và Thừa Thiên-Huế là do tảo biển nở hoa mà thành.

Các cách giải thích khác nhau về hiện tượng này không thỏa mãn công luận mà chỉ khiến người ta nhớ lại vụ “thủy triều đỏ” ở khu vực nhà máy của Formosa vào năm 2016. 

Tháng 3

01/3: Bộ Tài nguyên-Môi trường công bố báo cáo khẳng định rằng nồng độ chất hóa học trong mẫu nước biển ở các nơi có vệt nước đỏ đều đạt chuẩn.

03/3: An ninh TP. Hà Nội bắt giam hai facebooker Vũ Quang Thuận (SN 1966) và Nguyễn Văn Điển (SN 1981) theo Điều 88 Bộ luật Hình sự, “tuyên truyền chống Nhà nước”. Trước đó, ông Thuận và Điển làm nhiều clip livestream trên facebook, luận bàn về tình hình chính trị, dân chủ, nhân quyền Việt Nam. 

11/3: Nhóm Green Trees (Cây Xanh) ở Hà Nội công bố báo cáo độc lập khẳng định rằng nước biển ở vùng cửa sông Quyền, Hà Tĩnh có chứa phenol ở mức cao gấp 56 lần so với tiêu chuẩn. Báo cáo của nhóm bị dư luận viên và những người có tư duy dư luận viên công kích dữ dội – điều không bao giờ họ làm đối với các nghiên cứu khoa học theo chỉ đạo của nhà nước.

17/3: Facebooker Bùi Hiếu Võ (SN 1962, cư trú tại quận Gò Vấp, TP.HCM) bị an ninh TP.HCM bắt vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước” với trang facebook Hieu Bui. 

21/3: Sinh viên Phan Kim Khánh (SN 1993, cư trú tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ), nguyên Chủ tịch Hội sinh viên Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên, bị bắt khi chỉ còn vài tháng là hoàn thành chương trình đại học. Anh bị buộc tội “tuyên truyền chống Nhà nước”, do đã lập một số trang blog, facebook và youtube chống tham nhũng và cổ súy dân chủ.

Tháng 4

02/4: Buổi tối, hai nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền (SN 1988) và Hoàng Đức Bình (1983) đi uống nước ở quán café và đụng mặt một nhóm công an địa phương. Hai bên va chạm, dẫn đến việc Quyền và Bình phải chạy về một nhà thờ gần đó, của giáo xứ Trung Nghĩa (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Ngay sau đó, công an đã bao vây nhà thờ. Giáo dân cũng kéo đến để bảo vệ cha xứ và hai nhà hoạt động. Xô xát bạo lực nổ ra khiến nhiều người bị thương. 

Nguồn ảnh: VOA
03/4: Hàng nghìn người, chủ yếu là giáo dân, tuần hành đến UBND huyện Lộc Hà để biểu tình đòi bồi thường cho các nạn nhân vụ Formosa và phản đối bạo lực của công an nhằm vào dân thường. “Trung ương” (Hà Nội) và Hà Tĩnh cũng lập tức triển khai cảnh sát cơ động để đối phó. Cuối ngày, báo chí đồng loạt đưa tin mô tả đây là một vụ gây rối tập thể và chống người thi hành công vụ ở Hà Tĩnh. 

05/4: Nhà hoạt động môi trường Lê Mỹ Hạnh đột ngột bị một nhóm dư luận viên tấn công khi đang đi bộ ven Hồ Tây ở Hà Nội, cùng ông Trịnh Đình Hòa, thầy giáo tiếng Anh.

08/4: Website của báo Hà Tĩnh đưa tin và đăng tải video clip ghi nhận rằng Nguyễn Văn Hóa đã nhận tội và “sám hối”. Cụ thể, Hóa nhận mình đã “tuyên truyền kích động nhân dân biểu tình, gây mất an ninh trật tự, xuyên tạc, bôi nhọ Đảng và Nhà nước...”. 

Việc ép công dân (chủ yếu là người bất đồng chính kiến) nhận tội rồi quay phim vốn vẫn là truyền thống của lực lượng công an nhân dân Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng ít người để ý rằng những lời nhận tội như vậy không có giá trị pháp lý mà chỉ chứng minh hành vi bức cung và sự lạm quyền, bất chấp luật pháp của cơ quan công an. 

09/4: Cuộc đạp xe tưởng niệm một năm ngày cá chết của nhóm Green Trees ở Hà Nội bị trấn áp ngay từ đầu. Khoảng 20 thành viên của nhóm bị công an bắt đưa về đồn thẩm vấn, cố khép họ vào tội gây rối trật tự công cộng. 

13/4: Huỳnh Thành Phát (SN 1999) và Trần Hoàng Phúc (SN 1995) – hai bạn trẻ hoạt động xã hội – bị an ninh thường phục bắt cóc ở bến xe khi họ tạm dừng ở giáo xứ Cồn Sẻ (Quảng Bình) trong một chuyến đi xuyên Việt. Hai người bị nhóm an ninh này còng tay, trùm đầu, đưa đi khoảng 200km đến một nơi hẻo lánh gần biên giới, rồi lột đồ và hành hung tập thể họ, cướp hết đồ đạc. 

15/4: Những cán bộ cưỡng chế đất đai ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội) đã tìm cách lừa bắt cụ Lê Đình Kình, người thôn Hoành, lãnh đạo tinh thần của cuộc đấu tranh giữ đất của dân Đồng Tâm. Bốn sĩ quan xông vào đá, đạp gãy xương ông già 82 tuổi, quẳng lên xe đưa về nơi lấy cung, gần ba ngày sau mới đưa cụ đi viện chữa trị trong sự canh gác cẩn mật của công an. 

Dân Đồng Tâm đuổi theo cứu ông cụ; trong lúc phẫn nộ, họ đã bắt luôn 38 người của đoàn cưỡng chế, gồm cán bộ huyện Mỹ Đức và công an TP. Hà Nội. Vụ “khủng hoảng con tin” chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam bắt đầu.

 Ảnh không rõ nguồn.
22/4: Đích thân Chủ tịch TP. Nguyễn Đức Chung “xuống” địa bàn Đồng Tâm và ký vào cam kết viết tay rằng sẽ không truy cứu trách nhiệm những người đã giữ cán bộ, đồng thời làm rõ trách nhiệm người bắt cụ Lê Đình Kình. Hơn lúc nào hết, đây là dịp để những chính trị gia mị dân và thứ báo chí công cụ bộc lộ mình với cách thể hiện khôn khéo: Vừa đủ cấp tiến để lấy lòng dân, lại vừa đủ an toàn.

Công an Hà Nội nuốt lời trong vòng chưa đầy hai tháng sau đó, khi khởi tố vụ án, triệu tập hàng loạt người dân Đồng Tâm, nhưng không một lời làm rõ trách nhiệm những kẻ đã bắt và đánh cụ Kình.

Tháng 5

Nguồn ảnh: SBTN
02/5: Một nhóm 5 người đã xông vào phòng nghỉ khách sạn ở Sài Gòn của bà Lê Mỹ Hạnh xịt hơi cay và hành hung tập thể bà Hạnh, gây thương tích nặng. Trong số này, Phan Sơn Hùng (facebooker Phan Hùng, ở Gò Vấp) trực tiếp quay video và tung clip lên mạng với lời bình: “Màn chào mừng thành viên cờ vàng 3 sọc đỏ Lê Mỹ Hạnh tại đất Sài Gòn!...”. 

Bà Lê Mỹ Hạnh vốn là một nhà hoạt động nhân quyền và môi trường độc lập ở Hà Nội, không tham gia tổ chức, đảng phái và không ủng hộ lá cờ nào. (Cần nói rõ rằng ngay cả khi bà Hạnh có là thành viên của một tổ chức chính trị và có chính kiến ủng hộ cờ vàng đi chăng nữa, việc sử dụng bạo lực đánh đập người khác như vậy là hành động vi phạm pháp luật và là điều không thể chấp nhận trong xã hội văn minh).

03/5: Ông Nguyễn Hữu Tấn, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, bị phát hiện chết trong đồn công an tỉnh Vĩnh Long với vết cắt sâu ở cổ (đã được khâu lại). Ông bị bắt hôm trước đó với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Công an giải thích là ông đã cứa cổ tự sát. Gia đình nạn nhân không tin nhưng không có cách nào buộc công an điều tra độc lập được. 

12/5: Công an Hà Tĩnh ra lệnh truy nã toàn quốc nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền – thành viên phong trào Con Đường Việt Nam – cáo buộc Quyền kích động vụ “gây rối trật tự công cộng” ở Lộc Hà hôm 3/4, phạm vào Điều 245 Bộ luật Hình sự. 

15/5: Công an Nghệ An chặn xe linh mục Nguyễn Đình Thục, lôi Hoàng Đức Bình – thành viên tổ chức Phong trào Lao động Việt – ra ngoài và bắt về đồn đánh đập. Vài tiếng sau, công an ra một thông cáo báo chí cáo buộc Bình phạm ba tội: gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, và lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm hại lợi ích nhà nước.

“Biển chết” –
tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Nhân.
Tháng 6

01/6: UBND tỉnh Trà Vinh ra thông báo sẽ lấy lại giải thưởng được trao năm ngoái cho bức tranh “Biển chết” của họa sĩ Nguyễn Nhân. 

29/6: Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm, kết án blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) 10 năm tù. 



Còn tiếp

Tuesday, 26 December 2017

Nếu phong trào dân chủ hành xử như cộng sản…

… Thì sau khi “cách mạng thành công”, chúng tôi sẽ:

- Thay đổi mẫu sơ yếu lý lịch. Mẫu mới sẽ yêu cầu người lập trình bày rõ: Trước 2007 làm gì, ở đâu? Trước 2011 làm gì, ở đâu? Trước 2020 làm gì, ở đâu?

- Người khai lý lịch cũng phải nêu rõ là có khen thưởng/ kỷ luật gì, đã có đóng góp gì cho phong trào dân chủ và dưới hình thức nào, đã bị an ninh câu lưu / hành hung bao nhiêu lần… (phải có giấy mời, giấy triệu tập làm bằng chứng, nếu bị bắt cóc thì phải có ít nhất hai người làm chứng).

- Bổ sung phần “đảng phái”, “quan điểm/ chính kiến” trong sơ yếu lý lịch, với hai lựa chọn là “cộng sản” và “dân chủ tự do”. Ai điền “cộng sản” thì sẽ được bố trí đưa đi cải tạo tư tưởng khẩn trương. Tiến tới toàn dân đều khai quan điểm / chính kiến của mình là “dân chủ tự do”, và rồi xa hơn nữa là xóa bỏ mục “đảng phái”, “quan điểm / chính kiến” trên sơ yếu lý lịch và mọi hồ sơ chính trị liên quan, vì tiến tới cả nước chỉ có một đảng thôi, theo đường lối "dân chủ tự do".

- Tiến hành phân loại quan chức, công chức trong chính quyền cộng sản thành nhiều nhóm, định tội từng nhóm rồi “sai phạm đến đâu, xử lý đến đó”. Đối tượng nào bị xác định là có nợ máu với phong trào dân chủ (như an ninh, tuyên giáo, dư luận viên) thì sẽ bị đưa đi tập trung cải tạo hoặc bố trí cho vào vùng kinh tế mới để xây dựng đời sống mới. Kẻ nào ngoan cố, chống phá đến cùng, sẽ bị tòa án dân chủ (thay cho các tòa án nhân dân bây giờ) nghiêm trị. Ai chứ anh Trần Nhật Quang là cứ xác cmn định!

Và sẽ ngấm ngầm động viên, khuyến khích, hỗ trợ và bảo kê
cho đội ngũ “dư luận viên”, “lực lượng 47”
để “đấu tranh” với những người chống lại phong trào DC.

- Tịch thu nhà cửa, biệt thự của các quan chức cộng sản bây giờ và chia nhau vào ở. Có thể sẽ ép các quan chức này phải làm đơn xin hiến nhà cho phong trào dân chủ, bằng không, sẽ không cho con cái họ thi đại học/cao đẳng hay học hành lên cao.

- Phân đất, phân nhà cho các nhà đấu tranh dân chủ.

- Cộng điểm ưu tiên cho con cái các nhà đấu tranh khi các cháu thi cử, học tập…

- Lập ra các quỹ đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, để hỗ trợ cho các nhà đấu tranh dân chủ, nhất là những người được cho là có công lao với phong trào, có thành tích trong đấu tranh và chịu nhiều mất mát, hy sinh, ví dụ: những người đi tù lâu năm, bị bắt cóc hay câu lưu nhiều lần, bị canh nhà nhiều lần, bị hành hung đánh đập nhiều lần… (Cần lưu ý là các quỹ đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn này sử dụng ngân sách nhà nước, kết hợp “huy động” một phần từ xã hội. Ai không chủ động đóng góp sẽ bị nhắc nhở, xử lý nghiêm).

- Phát động các phong trào “uống nước nhớ nguồn” để xã hội hóa việc đền ơn đáp nghĩa các nhà đấu tranh. Ai không biết ơn các nhà đấu tranh sẽ bị kiểm điểm, bị chỉ trích, phê phán nặng nề, bởi "không có sự hy sinh to lớn của các thế hệ đấu tranh thì làm gì có nền dân chủ mà nhân dân đang hưởng ngày nay".

- Chỉ đạo tôn vinh những người có đóng góp cho phong trào dân chủ. Nhà của họ sẽ được treo biển "Gia đình có công với phong trào dân chủ", như chị Tuyet Anh Jethwa, chị Trần Thu Nguyệt.

- Chỉ đạo phong anh hùng dân tộc cho một loạt nhà dân chủ, chẳng hạn anh Lã Việt Dũng.

- Chỉ đạo các câu lạc bộ bóng đá, các sân bóng treo ảnh No-U (bắt buộc).

- Chỉ đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đổi tên thành Đoàn Thanh niên Trẻ Trâu. Đoàn ca là bài rap "ĐMCS".

- Chọn các ngày liên quan đến hoạt động của phong trào dân chủ để làm ngày lễ lớn của dân tộc. Ví dụ, sinh nhật anh Điếu Cày sẽ trở thành “Ngày Blogger Việt Nam”, hay 5/6/2011 sẽ trở thành “Ngày toàn dân xuống đường chống độc tài”, còn ngày thành lập tổ chức VOICE là sự kiện kỷ niệm chung của xã hội dân sự ở Việt Nam. Vào những dịp như vậy, toàn dân có nghĩa vụ treo cờ - lá cờ của phong trào dân chủ. Ai không treo sẽ bị tổ dân phố tới vận động, thuyết phục cho đến khi nào chấp thuận.

- Tiếp tục cấm báo chí tư nhân hoạt động, nhất là trong mảng chính trị-xã hội-pháp luật. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam duy trì nhiệm vụ “tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu văn hoá, khoa học, kỹ thuật trong nước và thế giới”, chỉ thay từ “Đảng” bằng từ “phong trào dân chủ”.

- Đưa một số bài viết, status, post... của các nhà đấu tranh dân chủ nổi tiếng bây giờ vào danh mục "tác phẩm văn học dùng trong nhà trường", để rồi các thí sinh mỗi năm thi tốt nghiệp hay thi đại học đều xôn xao: "Năm nay đề về Mẹ Nấm", "Ối giời, tao lại toàn ôn thơ Phan Xéng... thôi chết, trật tủ rồi". Một số lượng lớn post của học giả Hoàng Dũng sẽ được coi như những áng văn chính luận mẫu mực.

- Đổi hết tên đường, lấy tên các nhà đấu tranh và những người có công với phong trào dân chủ đặt cho các con đường, phố phường… Ví dụ, đổi tên đường Đỗ Xuân Hợp thành đường Đỗ Đức Hợp.

- Cấm biểu diễn, lưu hành các bài hát thuộc thể loại “nhạc đỏ”, các sản phẩm văn hóa nghệ thuật mang tính tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản và người cộng sản (ví dụ ca ngợi Đảng và Bác và cách mạng…).

------------

Vài hình dung ghê rợn trên đây chỉ là đùa cho vui. Phong trào dân chủ sẽ chiến thắng ở Việt Nam, nhưng tất nhiên sẽ không cư xử như "bên thắng cuộc" năm nào - làm người ai lại làm thế.

Lại nghĩ, chục năm nữa có người gọi điện cho mình: "Chị Trang ơi, cứu em với! Chị xác nhận cho em là em là người phe ta, là người ủng hộ phong trào đi chị, không có các anh ấy xử bắn em chết".

Gọi mãi mới thấy nhấc điện thoại, bên kia có tiếng khe khẽ, thì thào như từ xa vọng về: "Đang họọọp, đừng gọi nữa", rồi cúp máy.

Chết vì “chú phỉnh” Đào Minh Quân

15 người, trong đó có người sinh năm 1990, 1992, 1993, ra trước Tòa án Nhân dân TP.HCM ngày hôm nay (26/12/2017) với cáo buộc “phạm tội khủng bố chống chính quyền nhân dân”, trong một vụ án nhằm vào “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” của Đào Minh Quân 

Theo phản ánh của một số nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền ở Sài Gòn thì nhiều bị cáo rất trẻ và đều “hâm hâm, ảo ảo”, hay theo dõi livestream của một vài nhân vật “đấu tranh” ở hải ngoại và cực kỳ tin tưởng các “nhà đấu tranh” đó. Trong khi ấy, chính những người đang hoạt động trong nước khuyên can, thuyết phục thì họ lại không nghe. 

Qua câu chuyện này, có thể thấy rõ một điều rằng: Khi không hiểu biết về chính trị, bạn trẻ rất dễ sa vào một trong các thái cực sau:

1. Chấp nhận sống như một con cừu để nhà nước (và các nhóm lợi ích cấu kết với nhà nước) vặt lông, đứng trước cơ quan công quyền thì run lập cập, gặp công an thì… tè ra quần. Điều này có thể hiểu được và cũng không có gì xấu xa, nhưng bạn thử nghĩ xem, sống ở trên đời mà cứ phải sợ một thế lực nào đó – mà thế lực này là những con người giống như mình chứ không phải thần thánh ma quỷ gì – thì có bõ sống không? 

2. Tham gia những nhóm hội, những hoạt động nghe có vẻ rất sang, như “khai dân trí”, “đấu tranh cho tự do”… nhưng thật ra là vô bổ, không chiến lược đường lối, không chiến thuật, không tổ chức, và nhất là không đem lại lợi ích gì cho chính bạn, cả về kiến thức lẫn kỹ năng, tiền bạc lẫn vốn xã hội, tài chính lẫn danh tiếng. Bạn chịu nhiều thiệt thòi, nhưng cái thiệt lớn nhất mà những nhóm hội, những hoạt động đó gây ra cho bạn là mất thời gian: Bạn mất đi những năm tháng của tuổi trẻ quý báu trong khi chẳng tạo ra mấy giá trị cho xã hội, cũng không thu được gì cho mình. 

3. Ảo tưởng sức mạnh (nặng hơn nữa thì thành tâm thần hoang tưởng): Bạn lúc nào cũng ở trong một màn sương, đầu óc quay cuồng với những thuyết âm mưu, chiến lược, kế hoạch, quyết định, ý tưởng, sáng kiến, v.v. Cùng với đó, bạn chẳng làm được việc gì mà còn bị cô lập dần khỏi những người xung quanh. Có vẻ như chính trị là một trong những lĩnh vực có nhiều người dễ mắc chứng hoang tưởng nhất. 

4. Trở thành công cụ, con rối trong tay những kẻ cơ hội chính trị, để chúng giật dây bạn vào những mưu đồ mà lợi nhuận thì chúng hưởng, tổn thất thì bạn chịu, mà vụ “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” của Đào Minh Quân là một ví dụ mới nhất. Chế tạo bom xăng, bom gas, súng, đốt bãi xe và mưu tính đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất, theo kế hoạch do các ông trùm, bà trùm ở hải ngoại vạch ra sau bàn phím – các bạn định làm gì vậy? 

Nếu âm mưu thành công và có người thiệt mạng trên sân bay Tân Sơn Nhất hôm đó, bạn nghĩ số phận của họ có khác gì những người Việt chết trong khu cư xá Brinks mà biệt động Sài Gòn đánh bom vào ngày 24/12/1964? 

* * *

Ở một quốc gia dân chủ, công dân hoạt động chính trị là điều quá đỗi bình thường. Ở xứ độc tài như Việt Nam, muốn hoạt động chính trị, đấu tranh cho tự do, trước hết bạn cần phải hiểu biết đã, dù ít dù nhiều.

Sunday, 10 December 2017

Việt Nam đẹp trong tôi, vì có người như các bạn!

Hôm 16/11 vừa rồi, mình bị anh em an ninh ụp ngay cổng tòa nhà Lotte (Liễu Giai, Hà Nội) sau khi dự một cuộc họp của Phái đoàn EU tại Việt Nam với đại diện một số tổ chức XHDS độc lập.

Sau đó, tại đồn CA phường Cống Vị, các đồng chí ấy đã thò tay vào túi quần mình móc điện thoại di động, đồng thời, tỉnh bơ mở ba-lô của mình ra để moi đồ, đoạn lập “biên bản tạm giữ” mới kinh. Đúng là cướp có tổ chức, có quy mô hẳn hoi nhá. Mình hỏi lấy làm gì thì bảo là “tạm giữ để điều tra”. Hỏi điều tra gì, “tạm” là mấy ngày, khi nào trả, thì lờ đi không đáp.

Anh em an ninh còn lấy luôn cả cái máy nghe nhạc MP3 Tàu xì, bé xíu, mặc cho mình năn nỉ: “Thôi trong ví có tiền đấy, các anh chị có lấy tiền thì lấy, để lại cho em cái máy nghe nhạc đi”.

* * *

Hôm đó, mình lãnh tổn thất nặng nề, với hai điện thoại di động, một máy nghe nhạc đều bị anh em an ninh xơi cả. Nhưng suy nghĩ một cách tích cực thì cũng vẫn còn may là mình không mang theo máy tính xách tay (Windows), nếu không thì mất luôn cả chiếc laptop mà mình từng dùng để viết “Chính trị bình dân”, báo cáo “Đánh giá Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và tình hình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam”… Máy cũ, bị hở điện, thỉnh thoảng lại bị giật như kiến đốt; hồi viết báo cáo tôn giáo, đêm nào mình ngồi đánh bàn phím mà hai bàn tay cũng phải giơ cao lên, ngón cong cong bổ xuống như đánh piano.

Chuyện càng tích cực hơn nữa là sau hôm đó, mình được một vài độc giả liên hệ, gửi tặng hẳn hai điện thoại iPhone, một laptop (MacApple) mới, và một chiếc máy nghe nhạc xinh xinh nữa.


Hôm nay (10/12/2017), mình rất sung sướng được bày những món quà ấy ra, chụp hình (bằng một trong hai chiếc iPhone được tặng), đăng lên facebook, và nói rằng: Xin cảm ơn độc giả rất, rất nhiều, và xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến những độc giả giấu tên đã tặng cho mình những món quà quý giá này.

Đại đa số người ta thường nghĩ, viết lách, đấu tranh chống chính thể độc tài thì chắc bị đàn áp dữ lắm, khổ lắm, bất hạnh lắm.

Mình xin lấy tất cả những gì mình đã trải nghiệm ra để khẳng định: Khổ thì cũng có, nhưng bất hạnh thì không. Ngược lại, phải nói cho đúng rằng, mình trải qua rất nhiều cảm xúc (vui, buồn, giận dữ, sợ hãi, đau khổ, thất vọng…), nhưng nổi lên trên tất cả là sự… buồn cười, và hạnh phúc.

Có những độc giả ủng hộ mình nhiệt thành như vậy, làm sao không hạnh phúc cho được?

Làm sao có thể từ bỏ con đường này được?

Và làm sao có thể… không yêu Việt Nam được?

Saturday, 9 December 2017

Nền chính trị bạc bẽo của đảng Cộng sản

Vài tiếng sau khi Đinh La Thăng bị bắt, dân mạng truyền nhau một bức ảnh xuất phát từ trang Nhà Văn của blogger Người Buôn Gió, chú thích là do Trịnh Xuân Thanh chụp tại Đại hội Đảng mùa xuân năm ngoái. Trong hình, Tổng Bí thư ĐCS Nguyễn Phú Trọng và tân Bí thư Hồ thành Đinh La Thăng ôm nhau sánh bước, như hai cha con.

Cũng chỉ 5-6 năm về trước, báo chí quốc doanh ca ngợi “anh Thăng” như gương mặt sáng nhất, trẻ trung, năng động, gần dân nhất trong đám lãnh đạo xôi thịt. (Tất nhiên chẳng báo nào dùng từ “xôi thịt”, nhưng độc giả có thể hiểu là như thế).

Bây giờ thì cũng chính các tờ báo ấy đồng loạt trích dẫn thông cáo của công an để dập Đinh La Thăng xuống bùn. Tài liệu tố tụng, kết luận thanh tra các kiểu đương nhiên khẳng định rằng Đinh La Thăng có nhiều sai phạm nghiêm trọng. Nhưng dân chúng, trừ những dư luận viên vì nhiệm vụ mà giả vờ ngây thơ, ai mà chẳng hiểu tất cả chỉ là kết quả của cuộc đấu đá phe phái trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam. Và cũng chỉ hiểu đại khái như vậy.

Có thể nói, bao lâu nay, Đảng đã thể hiện hệt như một xới vật trùm bạt kín mít. Dân chúng ở ngoài hóng, chỉ nghe tiếng đấm đá bình bịch bên trong, tiếng ối á, và sau đó thấy “các đồng chí bị lộ” bị đánh bay huỳnh huỵch ra ngoài võ đài. Rồi lại thấy các đồng chí khác xông lên, mặt đỏ gay, ồ ạt lao vào bên trong. Thấy tấm bạt rung bần bật, rồi lại thấy bình bịch, ối á…

* * *

Mùa xuân năm 2016, trước và trong Đại hội Đảng – xới vật lớn nhất, tổ chức 5 năm một lần – cuộc chiến đấu diễn ra tàn khốc cả ngoài đời lẫn trên mạng. Ngay tại hội trường đại hội những ngày ấy, khi còn chưa ngã ngũ, Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng vẫn bước đi xênh xang, các đại biểu nhìn thấy ông vẫn dạt ra kính nể, miệng vẫn cười tươi thắm: “Anh ạ ạ ạ ạ”.

Vài ngày sau, khi Tổng bí thư đã toàn thắng, không khí khác hẳn. Người ta vẫn dạt ra tránh Ba Dũng, nhưng… gần như "tránh một vật gì rất tởm". Không chào hỏi nồng nhiệt nữa. Như không nhìn thấy ông ta nữa. Chừng như ai cũng muốn tỏ ra là chưa từng thân thiết, quen biết gì cái tay tham nhũng thất thế đó. Có lúc chụp hình lưu niệm, các đại biểu chen nhau, tranh nhau vị trí đẹp nhất (một bồn hoa trên bục) để pose hình bấm máy, mặc kệ cha con Thủ tướng đứng đợi mãi không tới lượt. Tình hình tệ đến mức chính mấy cảnh vệ phải ra nhắc nhở: “Các đồng chí từ từ, nhường Thủ tướng một tí, Thủ tướng chờ lâu rồi”.

(Chuyện có thật).

* * *

Tuyên giáo cộng sản đã thành công trong việc nhồi sọ để dân đen bao năm nay vẫn nhai nhải “chính trị là xấu xa, thủ đoạn, người thanh cao, lương thiện phải tránh xa”.

Kể ra cũng đúng, cái thứ chính trị mà đảng Cộng sản làm bấy lâu nay chẳng xấu xa, thủ đoạn, bẩn thỉu thì còn đẹp đẽ với ai.

Nó bưng bít, tù mù, đầy mưu mô, bí hiểm trước dân, mà tàn bạo và bạc bẽo với nhau.

Những đặc điểm ấy là tất yếu, và là đặc thù của một nền chính trị độc tài độc đảng, trong đó quan chức ngồi vào ghế lãnh đạo không phải nhờ lá phiếu của dân chúng mà nhờ khả năng tham nhũng, luồn lọt, thượng đội hạ đạp, khả năng đón đúng hướng gió, chọn đúng phe, đúng “chủ” mà “thờ”. Quan chức mất ghế cũng không phải nhờ lá phiếu của dân chúng mà do đấu đá thua trận, do chọn nhầm phe, nhầm chủ…


Bài liên quan: Bạc như Đảng

Sunday, 19 November 2017

Kể chuyện “làm việc” trong đồn CA: Lời thoại như phim!

Dưới đây là trích lược một vài đoạn đối thoại giữa tôi và các nhân viên an ninh điều tra của Bộ Công an Việt Nam vào ngày 16/11/2017, tại đồn công an phường Cống Vị, sau cuộc gặp gỡ giữa Phái đoàn Liên minh Châu Âu và các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam buổi sáng hôm đó.

Tôi ghi lại, bởi thấy chúng… như lời thoại trong phim vậy, và biết đâu chúng có ích cho ai đó khi rơi vào hoàn cảnh tương tự ở đồn công an.

- Chị đến tòa nhà Lotte hôm nay gặp ai, có việc gì?

- Các anh chị hỏi có động cơ gì vậy?

- Chúng tôi hỏi chị đến đó làm gì, chị được người ta mời hay chị tự đến?

- Sao tôi lại phải nói với các anh chị?

- Tại sao chị không nói?

- À, đó là bí mật công tác của tôi đấy.

- Chà, công việc của chị bí mật đến thế cơ à?

- Vâng, bí mật công tác, cũng giống như an ninh quốc gia của đảng nhà các anh chị thôi ấy mà.

- Chị đến đó gặp những ai?

- Tôi đã nói là bí mật công tác mà. Nói đúng hơn là tôi sẽ phản ánh đầy đủ các thông tin đó trong bài viết của tôi. Các anh chị có thể đón đọc, cũng như mọi độc giả khác. Ngoài tòa soạn, không một ai có quyền đọc tác phẩm báo chí trước độc giả cả. Các anh chị cũng chỉ là độc giả mà thôi, các anh chị không có quyền gì để đòi hỏi biết những thông tin đó trước các độc giả khác cả.

- Chúng tôi không phải là độc giả của chị, chị nhé. Đây là ở trong đồn. Và chúng tôi đang làm việc với chị trên tư cách chính quyền làm việc với công dân.

- À, thế là các anh chị cao hơn tôi hả?

- Tôi không nói thế. Chúng tôi nói đây là quan hệ chính quyền với công dân.

- Ý các anh chị là như vậy, các anh chị có thể thích bắt ai về đồn thì bắt, và hỏi gì thì người ta phải trả lời à? Không. Không thế được đâu. Các anh chị quen cái kiểu ấy lâu rồi, nhưng với tôi thì không được đâu. Các anh chị chẳng là cái gì để tôi phải trả lời cả. Ở đây tôi mới là người quyết định có cung cấp thông tin nào đó, cho độc giả, hay không, chứ không phải các anh chị. Các anh chị muốn biết điều gì thì cứ đón đọc bài báo, chứ các anh chị không là cái gì để đòi hỏi được biết thông tin trước các độc giả bình thường cả. Tại sao các anh chị lại có nhu cầu biết trước người khác?

- Chúng tôi chỉ cần những thông tin căn bản thôi, như là chị gặp ai. Đại sứ quán Pháp có dự không?

- Tôi không trả lời đâu.

- Thế có Bỉ không? EU à? Chắc có Đức nhỉ?

- Tôi không trả lời đâu. Đó là công việc của tôi.

- Chị Trang này, tôi không muốn so sánh đâu, nhưng nếu so sánh chị với những người hoạt động thế hệ trước chị thì… nói thế nào nhỉ, xin lỗi nhé, tôi thấy chị có cái gì đó kém hơn. Ý tôi là kém sòng phẳng, kém đàng hoàng, kém cái tinh thần dám làm dám chịu.

- Ồ, anh không phải nói khích. Tôi kém xa nhiều người mà. Nhưng ở đây không phải chuyện dám làm dám chịu, mà đây là vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Một trong những nguyên tắc của đạo đức báo chí là phải bảo vệ nguồn tin, các anh chị ạ.

- Chị nói hay nhỉ? Bảo vệ nguồn tin. Vậy đến lúc viết bài thì chị không trích dẫn ở đâu hết, chị bưng bít nguồn tin, chị tự bịa hết ra à?

- Khi viết bài thì tôi có cách xử lý của tôi chứ. Tất nhiên là phải bảo đảm trích dẫn đầy đủ, chính xác, không đạo văn, không bịa đặt. Còn đây là chuyện bảo vệ nguồn tin các anh chị ạ.

- Chúng tôi chỉ hỏi các thông tin căn bản, như chị được mời hay chị tự đến, ai mời chị, chị đến đó gặp ai…

- Những thông tin đó tôi sẽ đưa vào bài cả, tại sao các anh chị cứ đòi biết trước?

- Thôi chị Trang ạ, chúng ta biết nhau quá rõ rồi. Chị thừa biết tại sao chị về đây rồi. Tại sao bao nhiêu người khác chúng tôi không đưa về đây, mà lại đưa mỗi chị. Chị quá biết rồi còn gì.

- Không, tôi biết gì đâu. Các anh chị cho biết lý do đi.

- Chị không phải nói cái giọng ấy nhé.

- Tôi cho các anh chị 5 phút để trả lời câu hỏi của tôi. Nhắc lại câu hỏi: Vì sao đưa tôi về đây?

Đến đây thì đồng chí an ninh nhìn thẳng mặt tôi, hạ giọng nói khe khẽ:

- Những đứa khác có bằng chứng thì bóc lịch cả rồi đấy. Còn chị thì chưa đủ bằng chứng thôi chứ nếu không thì giờ này cũng không được ngồi ở đây đâu.

- Không ngồi ở đây thì ở đâu? Tù hả? (cười)

- Đúng đấy. Chị cũng không phải chờ lâu đâu, sắp rồi.

- Ừ, tóm lại là chưa có bằng chứng gì phải không? Bằng chứng đâu, đưa đây coi nào. Tôi thách đấy.

- Chưa đủ bằng chứng thôi, còn những đứa nào đủ thì đã bóc lịch cả rồi đấy. Cứ nhìn đi.

- Nhắc lại: Bằng chứng đâu? Tại sao đưa tôi về đây? Lấy điện thoại của tôi vì lý do gì?

- Chị cứ chờ đấy. Không lâu đâu.

Hai bên cùng nhìn thẳng vào mắt nhau và cùng cười rất tươi. Hệt như hai đứa trẻ con thi nhau xem đứa nào chớp mắt trước.

- Vậy hả? OK, chúng ta cùng chờ. Chắc lúc ấy các anh chị sung sướng lắm phải không, mở tiệc to ấy nhỉ?

- Được rồi. Sắp rồi. Chị cứ chờ đi.

* * *

Cuộc “làm việc” tiếp tục chuyển sang vài vấn đề khác. Câu hỏi an ninh đặt ra là tại sao chị Trang không ký xác nhận vào một tập tài liệu chị cầm theo người. Câu hỏi chị Trang đặt ngược lại là tại sao lại phải ký.

- Tại sao chị không ký?

- Vì tôi không hiểu lý do các anh chị yêu cầu tôi ký. Các anh chị cần chữ ký của tôi để làm gì?

- Đó chỉ là vấn đề thủ tục, quy trình mà thôi. Chúng tôi chỉ muốn bảo đảm quyền lợi của chị, nên mới yêu cầu chị ký.

- Tôi ghi nhận là các anh chị có nỗ lực làm việc đúng quy trình. Tôi cảm ơn. Tiếc là cái quy trình ấy của các anh chị không thỏa đáng, nên tôi không thể theo được. Tự nhiên lại bắt người đang đi đường về đồn rồi bắt ký xác nhận cái này cái nọ. Thế là có động cơ gì?

- Chị biết những tài liệu chị cầm theo là xấu, là có vấn đề gì đó, nên chị mới không ký phải không?

- Ấy đừng suy đoán thế. Bản năng con người là phải biết cảnh giác để tự vệ, các anh chị ạ. Cho dù có là tài liệu gì cũng thế thôi.

- Chị biết nội dung của tập tài liệu chị cầm theo chứ? (Đó là các báo cáo tóm lược về thảm họa biển miền Trung, đánh giá Luật Tôn giáo và tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, bằng tiếng Anh).

- Nếu tôi bảo là tôi không biết thì sao? Cứ coi như tôi không biết tiếng Anh, tôi mù chữ đi.

- Chị đừng nói chị không biết tiếng Anh, nghe nó buồn cười lắm. Tài liệu chị mang theo có nội dung gì?

- Thì các anh cứ đọc đấy.

- Chúng tôi thừa nhận chúng tôi kém tiếng Anh, được chưa? Chúng tôi muốn nhờ chị đọc và giải thích sơ lược nội dung nó là cái gì.

- Ấy chết, ai nói các anh chị kém đâu.

- Chị hiểu nội dung mà, phải không?

- Vâng, tôi hiểu, nhưng tôi không dịch đâu.

- Ký chị cũng không ký, nhờ dịch hộ vài dòng cũng không dịch. Trong khi mọi việc chúng tôi làm chỉ là để bảo đảm quyền lợi của chị. Chúng tôi không chỉ là theo quy trình đâu, mà chúng tôi làm việc theo quy định của pháp luật.

- Vâng, cảm ơn. Tiếc là cái pháp luật ấy của các anh chị cũng không thỏa đáng, nên tôi không thể theo được. Phải cảnh giác chứ tin các anh chị thế nào được?

- Vậy chúng tôi ghi vào đây là chị không ký tài liệu vì lý do gì?

- Các anh chị ghi rõ là vì tôi thấy động cơ của các anh chị không minh bạch.

- Này, chị bỏ cái từ “động cơ” ấy đi nhé. Chúng tôi là cơ quan an ninh, chúng tôi làm việc nhà nước, chứ chả có cái động cơ xấu nào ở đây cả mà bảo minh bạch với không minh bạch.

- (bật cười) Sao các anh chị dùng từ “động cơ” với “đối tượng” thì được mà hễ người ta dùng lại từ ấy với các anh chị thì các anh chị phản ứng thế?

- Này này, tôi chưa hề nói ai là đối tượng nhé. Tôi chưa hề bảo chị là đối tượng, tự chị nhận đấy nhé. Nãy giờ toàn chị nói nhé.

- À vâng vâng, tôi xin lỗi. Tôi nói chung chung thế thôi chứ có bảo là anh bảo tôi là đối tượng đâu.

- Chị đang cố tình làm mất thời gian của cả hai bên đấy chị Trang nhé. Chị không có gia đình, chứ chúng tôi còn có con nhỏ, còn phải về đón con, cho con ăn. Mà bây giờ là giờ tan tầm, chị biết rồi đấy.

- Vâng ạ. 5h30 rồi. Các anh chị có bận thì cứ về trước đi ạ.

- À, tôi nói là tôi nói đồng chí Hương đây có con nhỏ, phải về đón con. Chứ tôi thì tỷ phú thời gian luôn nhá. Tôi sẽ ngồi đây với chị đến khi nào làm rõ hết vấn đề. Mà không chỉ có tôi, còn nhiều anh em khác nữa.

- Dạ vâng ạ. Thế nếu chị Hương có con nhỏ thì về đón con đi ạ.

- Rồi, chúng ta tiếp tục.

Thật ra tất cả các cuộc đối thoại như thế với tôi đều chỉ có ý nghĩa… nghịch cho vui, chứ chẳng để làm gì. Bởi vì luôn luôn cơ quan an ninh sẽ đưa vào phòng một người nào đó làm nhân chứng, ưu tiên những người dân thường chẳng hiểu chuyện gì và hễ cứ thấy “cơ quan công quyền” là rúm ró. Nhân chứng đó dĩ nhiên do an ninh chọn, không có sự tham gia chọn của ta, không cần sự đồng ý của ta. Cho nên ta có ký hay không ký, an ninh và nhân chứng cũng có thể tự lập biên bản, tự ký với nhau.

Có đồng chí cứng tuổi hơn nêu câu hỏi:

- Em có nghĩ là bọn anh biết hết những việc em làm không?

- Dạ, việc gì hả anh?

- Anh đang hỏi em có nghĩ bọn anh biết hết những việc em đang làm không?

- Như là việc gì ạ?

- Thì đó, tất cả những việc em làm. Em có nghĩ bọn anh biết cả không, hả?

- (cười xòa) Em không để ý lắm.

* * *

Có một nhân viên an ninh trẻ hơn, rất chịu khó nói chuyện với tôi về các chủ đề ngoài “làm việc”. Cậu giải thích tỉ mỉ cho tôi về sự khác biệt giữa các loại rượu, giữa thuốc lá và thuốc lào, giữa các môn phái võ thuật “cương” và “nhu”. Tôi rất thích nghe, và cậu cũng nói “em chỉ thích chém gió cho vui, em chẳng thích chị em mình phải làm việc với nhau trong hoàn cảnh này”. Tôi cũng mong cậu ấy nói thật.

Và suy cho cùng, chẳng có ai trong số những người thuộc diện “đối tượng” như chúng tôi muốn phải là đối thủ của ai, muốn cãi cọ, đấu lý, gài bẫy, cảnh giác với ai cả. Nhưng điều đó chắc sẽ không thể nào chấm dứt, chừng nào vẫn còn có một lực lượng coi chúng tôi là kẻ thù.

Một thể chế mới – một nền dân chủ – với một thiết chế công an mới sẽ là sự giải thoát cho cả hai bên chúng ta.

Saturday, 18 November 2017

EU tham vấn giới hoạt động XHDS trước thềm Đối thoại Nhân quyền thường niên với VN

Vào 9h30 sáng thứ Năm, 16/11, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU Delegation) ở Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ tham vấn một số đại diện của xã hội dân sự, để nghe các ý kiến đánh giá của họ về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam trước kỳ Đối thoại Nhân quyền thường niên giữa Việt Nam và EU.

Tham dự ở phía EU là quan chức của đại sứ quán một số nước thành viên EU, như Đức, Pháp, Thụy Điển, Bỉ… Phía Việt Nam là vài nhà hoạt động vẫn còn… trụ lại được, chưa bị bắt hoặc chưa buộc phải chạy trốn ra nước ngoài, sau những đợt đàn áp, bắt bớ của công an trong suốt hai năm 2016-2017.

Thông thường, các cuộc tiếp xúc với khối XHDS độc lập – mà nhiều người còn gọi là “giới đấu tranh”, “giới hoạt động nhân quyền-dân chủ”, “giới đối kháng” – chỉ diễn ra sau kỳ Đối thoại, nên có tính chất giống như một sự thông báo lại tình hình, kết quả cuộc đối thoại cho XHDS. Tuy nhiên, lần này, cuộc gặp lại diễn ra trước Đối thoại với mục đích được nêu rõ là để tham vấn XHDS.

(Có lẽ vì thế nên Bộ Công an cũng đã chuẩn bị rất kỹ càng, nhưng không phải để dự họp mà là cho việc… bắt giữ các vị khách phía Việt Nam).

Tại cuộc gặp, đại diện Phái đoàn EU cho biết Đối thoại Nhân quyền năm nay dự kiến diễn ra vào ngày 1/12 sắp tới. Nội dung sẽ xoay quanh năm phần chính, trong đó phần một nói về tình hình gia tăng bắt bớ, đàn áp giới hoạt động dân chủ trong năm qua; phần hai bàn về những vấn đề lớn mà EU mong muốn Việt Nam cải thiện, như: xây dựng nhà nước pháp trị, cải cách tư pháp, phát triển bền vững, bảo vệ nhân quyền.

Riêng trong nội dung về nhân quyền, hai bên đối thoại sẽ đề cập tới các quyền quan trọng đang bị áp chế mạnh, như quyền lao động, quyền đất đai, quyền được xét xử công bằng, và các vấn nạn bắt giữ tùy tiện, tình trạng giam giữ trong các trại giam, nhà tù, v.v.



Ba vấn đề nhức nhối của Việt Nam

Phía các nhà hoạt động XHDS Việt Nam cho biết, họ cũng đề cao và kỳ vọng sự thịnh vượng mà Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có thể mang lại, nhưng điều chắc chắn là nếu Hiệp định không thực thi cùng những cải thiện rõ ràng, cụ thể về nhân quyền, thì sự thịnh vượng đó sẽ không đến với người dân mà chỉ vào tay một số ít nhóm lợi ích.

Ba vấn đề lớn nhất còn tồn đọng trong quá trình thương thảo để phê chuẩn EVFTA là lao động, môi trường và nhân quyền ở Việt Nam. Đây cũng là ba vấn đề gay gắt nhất hiện nay đối với chính Việt Nam.

Về lao động, Việt Nam chưa ký kết ba công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quyền đàm phán tập thể, quyền hiệp hội, và xóa bỏ nạn cưỡng bức lao động. Liên quan tới quyền hiệp hội, các nhà hoạt động cũng cho biết, dự thảo Luật về Hội vẫn chưa được thông qua sau nhiều năm, nhưng đó lại cũng là điều may mắn cho giới hoạt động XHDS, bởi nếu luật ấy được thông qua thì họ sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn nữa (ngôn ngữ văn bản mà Nhà nước thường dùng là “quản lý” – management – nhưng thật ra đó là “kiểm soát” – control).

Về môi trường, tình hình ô nhiễm môi trường ở Việt Nam ngày càng trầm trọng thêm trong vòng 5 năm qua, mà cột mốc nổi lên là thảm họa biển miền Trung xảy ra vào tháng 4/2016. Điều đáng nói, như bản báo cáo vắn tắt về thảm họa chỉ ra, là không thấy chính quyền đưa ra các giải pháp khoa học cụ thể để làm sạch biển, cải thiện môi trường, bảo đảm hải sản an toàn và bảo vệ sinh kế cho người dân địa phương; mà chỉ thấy họ đàn áp rất mạnh mẽ mọi ý kiến phản biện, bất đồng, bất mãn.

Về nhân quyền, cả EU lẫn các nhà hoạt động Việt Nam đều thấy rõ 2017 là một năm rất đen tối cho quyền con người ở Việt Nam. Đặc biệt, như bà Bùi Thị Minh Hằng phản ánh, mặc dù quyền lập hội là một khía cạnh của vấn đề lao động, nhưng các tổ chức XHDS độc lập ở Việt Nam, cho dù ôn hòa đến mấy, cũng dễ dàng bị gắn nhãn “có hành động lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự, và “bị đàn áp dã man như Hội Anh Em Dân Chủ”.

Trong khi đó, lại xuất hiện một kiểu hội nhóm khác, cũng không đăng ký, nhưng lại được công khai có các hoạt động khiêu khích, gieo rắc thù hận, chia rẽ tôn giáo, tấn công người bảo vệ nhân quyền ôn hòa. Đó chính là những hội nhóm dư luận viên, Cờ Đỏ… ra đời trong ba năm qua.

EU: “Đây là một quá trình lâu dài”

Đại sứ của Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Bruno Angelet, cảm ơn sự có mặt của các vị khách và tỏ ý đánh giá cao những nỗ lực thúc đẩy nhân quyền của họ. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng việc yêu cầu nhà nước Việt Nam cải thiện nhân quyền là một quá trình lâu dài, sự thay đổi không thể diễn ra trong một đêm, và cộng đồng quốc tế nói chung, Phái đoàn EU nói riêng đang rất cố gắng, các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam cũng vậy, “chúng ta đều cần cố gắng”.

Phía XHDS độc lập đưa ra một số đề xuất cụ thể, trong đó có việc tăng cường sự tham gia của khối XHDS độc lập vào hoạt động giám sát tiến trình thực thi các tiêu chuẩn và quy định của EVFTA. Bản tuyên bố chung (của Con Đường Việt Nam, Hội Nhà báo Độc lập, Green Trees, NXB Giấy Vụn, Nhật Ký Yêu Nước, và Phong trào Lao động Việt) yêu cầu phải có một cơ chế khuyến khích sự tham gia của các tổ chức độc lập vào vai trò “nhóm tư vấn nội địa” (DAG) chứ công việc giám sát đó không chỉ dành riêng cho các tổ chức có giấy phép, thân chính quyền, do chính quyền chỉ định.

Đại diện Phái đoàn EU lấy làm tiếc rằng thật sự cũng khó có thể biết tổ chức nào là chính quyền chỉ định, tổ chức nào thật sự độc lập.

Đôi bên đều nhất trí rằng sự thay đổi từ phía nhà nước sẽ không diễn ra nhanh chóng, và cả cộng đồng quốc tế cũng như khối XHDS ở Việt Nam đều phải cố gắng hơn nữa.

Saturday, 11 November 2017

Viết trong thời tạm chiếm

Một số (thật ra là nhiều) bạn đọc phản ánh với tôi là “Chính trị bình dân” gì mà dày quá, tới 502 trang.

Xin ghi nhận ý kiến của các bạn và xin làm rõ rằng thực ra đấy mới là tập I thôi. Tập II có thể mỏng hơn, chỉ còn khoảng 400 trang.

Sở dĩ tôi không gộp luôn hai tập làm một quyển là do sợ sách lên đến gần 1000 trang thì dày quá. Thêm nữa, cũng là do sợ bị phá giữa chừng, không kịp hoàn tất. Tất nhiên tôi chẳng đến nỗi “viết dưới giá treo cổ” như Julis Fucik (1903-1943, nhà báo, đảng viên cộng sản Tiệp Khắc). Nhưng cái cảm giác viết khi lâu lâu lại có người gõ cửa đòi vào nhà kiểm tra hành chính, rồi thăm hỏi xem “có nguyện vọng gì không”, và cứ hễ xuống dưới nhà là thấy các thanh niên lừ lừ nhìn, cũng là một “cảm giác rất yomost”. Và không chỉ có thế:

Tôi đã nói chuyện với Huỳnh Thành Phát và Trần Hoàng Phúc vào đêm trước ngày hai đứa bị an ninh bắt ở Quảng Bình rồi bị đánh tơi bời (13/4).

Tôi đã chat với Hoàng Đức Bình 45 phút trước khi Bình bị công an Nghệ An chặn xe, bắt cóc đưa về đồn và giam luôn từ đó đến nay (15/5). Hôm đó Bình nhờ tôi đọc giúp một bài mới viết về người đồng hương Hồ Chí Minh, định để tới 19/5 thì đăng.

Tôi đã ăn tối (lẩu cá) với Bạch Hồng Quyền vài ngày trước khi Quyền buộc phải rời Sài Gòn vì lệnh truy nã của an ninh (giữa tháng 5).

Tôi đã khề khà cà phê với Nguyễn Văn Hóa mấy tháng trước khi Hóa bị bắt (11/1). Khi vết rách ở bàn chân tôi nhiễm trùng (nước cống Hà Nội hoặc nước biển Hà Tĩnh, không rõ), Hóa còn vội vã lấy xe máy chở bà chị ra trạm xá sát trùng, băng bó.

Tôi, và rất nhiều bạn bè của tôi, đều đã sống những ngày tháng như thế. Không phải thời chiến, nhưng chúng tôi đều chia sẻ cảm giác mỗi lần nhìn thấy nhau đều có thể là lần cuối cùng gặp nhau trước khi một trong hai bên vào tù. Không phải thời chiến, nhưng tối tối, loa phóng thanh xã vẫn oang oang thông báo “có một số đối tượng nhà báo vừa lọt vào địa bàn, yêu cầu bà con nâng cao cảnh giác”. Không phải thời chiến, nhưng liên tục nghe tiếng gọi điện: “Em ơi, em đang ở đâu thế, em có ổn không?”…

Vì các lý do đó cho nên tôi biết mình sẽ rất khó tập trung để viết kịp 1000 trang “Chính trị bình dân”, đành chia đôi cuốn sách vậy. Và vì không chắc là mình có viết tiếp được tập II không nên tôi cũng không ghi rõ cuốn nào là tập mấy, coi như trước mắt chỉ có một quyển.

Tuy vậy, hy vọng những gì các bạn đọc được mới là… tập I thôi. Tập II sẽ xoay quanh các chủ đề “chính sách công”, “phát triển”, “quan hệ quốc tế”, “địa chính trị” và “nhân quyền”.

Chúng tôi sẽ rất vui nếu bạn đọc “Chính trị bình dân”. Dù nó không phải là một cuốn sách lịch sử về thời chúng ta đang sống, nhưng tôi rất hy vọng là nó sẽ góp phần giúp bạn hiểu rõ hơn về xã hội và nền chính trị Việt Nam đương đại.


* * *

Về thời gian thực viết sách: Tôi viết “Chính trị bình dân” từ ngày 10/11 đến 10/12/2016 thì dừng vì công việc ở Sài Gòn. Sau đó là Tết, và những cuộc tuần hành, rồi đàn áp ở khu vực Formosa…

Mãi cho đến đầu tháng 5, khi bắt đầu bị an ninh vây nhà nhân chuyến thăm Việt Nam của John Kerry, tôi mới cuống cuồng viết tiếp. Ban đầu định viết ngắn – nếu các bạn để ý, có thể thấy ba chương đầu của cuốn sách khá sơ sài so với ba chương còn lại. Về sau tôi nghĩ, đằng nào cũng viết rồi thì cố làm một lần hoàn chỉnh luôn cho rồi.

Đến ngày 26/6/2017 thì tôi kết thúc những dòng cuối cùng của “Chính trị bình dân”, chuyển bản thảo cho người biên tập là hai bạn trẻ Nguyễn Anh Tuấn (Be) và Nguyễn Vi Yên.

Saturday, 4 November 2017

“Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi…”

Khu chung cư cao cấp Royal City ở Hà Nội những ngày cuối tháng 10/2017 có tới hai chuyện buồn liên quan đến sinh mạng con người. Trong đó, mới nhất là vụ một phụ nữ đơn thân được cho là đã mời một thanh niên đến nhà chơi và bị y sát hại để cướp của. Một số tờ báo lập tức giật tít “đùng đùng”: “Phi công trẻ giết người tình tại chung cư cao cấp”, “Vụ án mạng ở Royal City: kết cục đau lòng khi người phụ nữ khát tình”, “Án mạng ở chung cư: rủi ro của các quý bà tìm giai trẻ”, v.v.

Tôi không muốn nói thêm về vấn đề đạo đức báo chí trong trường hợp này, vì nhiều facebooker đã nói rồi.

Tôi chỉ chạnh lòng nhớ đến hình ảnh ba đứa chúng tôi – Trịnh Hữu Long, Nguyễn Anh Tuấn, và tôi – lần đầu tiên đi nước ngoài cùng nhau vào đầu năm 2013. Chúng tôi hoa mắt giữa siêu thị choáng lộn, nườm nượp người qua lại. Chúng tôi lạc chí chết trong ga tàu điện ngầm. Chúng tôi loay hoay toát mồ hôi mới tìm được lối qua đường trên đại lộ 8 làn xe. Tuy nhiên, có lần tự hỏi xem thực sự thì mình muốn đấu tranh để đạt được cái gì nhất ở Việt Nam, ba đứa đều thống nhất: Chỉ cần người Việt yêu thương nhau, tin tưởng nhau, đối xử với nhau thân ái ở mức như dân Philippines hay Thái Lan thôi, là mừng lắm rồi, hạnh phúc lắm rồi. (Mà muốn đạt điều đó, thì chúng ta đều hiểu là phải xử lý được vấn đề thể chế chính trị, “giải quyết” được cái thứ văn hóa chính trị coi dân hoặc là địch để tiêu diệt hoặc là cừu để vặt lông – vì thế cho nên ta mới phải đấu tranh).

Chúng tôi nghĩ thế, bởi chúng tôi thấy… thèm muốn sự thân thiện trong cách đối xử với nhau, của người dân ở những nước chúng tôi đã đi qua. Ở những nơi đó, họ luôn tận tình chỉ đường cho chúng tôi, với một thái độ tận tình nhất, mỗi khi chúng tôi bị lạc. Họ sẵn sàng nhường chỗ cho chúng tôi, thậm chí ngay cả khi đang cùng xếp hàng, vì “không sao, tôi không vội, tôi chờ được, bạn cứ làm trước đi”.

Ở đó, chúng tôi không phải lo giữ chặt túi xách, mắt lừ lừ cảnh giác khi có ai bất thình lình lại gần. Chúng tôi cũng không lo vào bệnh viện thì bị chỉ sang một khu riêng làm thủ tục thật đủng đỉnh, bởi vì không có tiền trong túi. Chết mặc kệ.

Điều đáng nói là những người Việt ở nước ngoài cũng tốt bụng và đầy sự nhiệt tình giúp đỡ như vậy, nhất là ở xứ Âu-Mỹ. Chúng tôi không lo sưng phổi, chết rét, khi phải đi bộ dưới trời mưa tuyết ở New York hay Toronto, bởi vì kiểu gì cũng có bà con cô bác mang quần áo ấm đến chất đầy vali chúng tôi. Và đặc biệt, chúng tôi có thể đến nhà bất kỳ người nào để tá túc trong nhiều ngày, ăn uống no đủ, khỏi phải thuê khách sạn.

Tôi đã ở nhà rất nhiều người Việt bên Mỹ, Canada, châu Âu. Có lần, tôi còn nghỉ ở nhà một người Mỹ da trắng, nghĩa là hoàn toàn không có gì chung với tôi, kể cả gốc gác. Buổi sáng sớm ngủ dậy, trong lúc cô lúi húi pha cà phê và chuẩn bị đồ ăn, tôi tựa cửa sổ, nhìn xuống con phố với những mái nhà đầy tuyết ở phía dưới, và bần thần nghĩ: “Cách đây mới có nửa năm, bạn mình ở Hà Nội đã bị giết sau khi cho người lạ đến nhà ngủ đêm…”.

Bạn tôi bị kẻ lạ đập chết, cướp của. Sau cái chết của anh, bạn bè ai cũng thương xót và trách anh: “Không hiểu nó nghĩ thế nào lại tha người lạ về nhà cho ngủ”. Câu chuyện cũng gần giống như vụ án mạng vừa rồi ở Royal City, nhưng bạn tôi may mắn hơn chút xíu, không bị báo chí bêu lên tít là “khát tình” này nọ.

Trong khi đó, lẽ ra, nếu ở một xã hội… bình thường, thì việc phụ nữ đơn thân mời đàn ông đến tư gia là bình thường, còn việc giúp đỡ người khác bằng cách cho họ đến nhà ở nhờ là điều tốt, điều thiện nên làm, nhất là khi người ta gặp khó khăn, lỡ độ đường, v.v. Không có bất kỳ cái gì là đáng trách ở đây cả.

Vấn đề cốt lõi, căn bản, là sống ở Việt Nam, người ta không thể tin tưởng vào tính thiện của con người, không thể tin nhau, không thể lường trước rủi ro của việc đặt niềm tin sai chỗ được. Cái lẽ ra là đáng tin nhất, công bằng nhất trong xã hội – pháp luật – còn chẳng tin nổi, chẳng dự đoán nổi, nói gì tới đạo đức.


* * *

Bé Nhi, con gái nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền, 
đi chơi công viên. 
Ảnh: Thịnh Nguyễn.
Nhưng chính vì thế nên chúng ta, chúng tôi mới phải đấu tranh.

Cá nhân tôi luôn tin rằng, văn hóa, tâm lý dân tộc là cái có thể thay đổi. Nó sẽ thay đổi khi văn hóa chính trị thay đổi. Và văn hóa chính trị thay đổi khi thể chế chính trị thay đổi.

Năm 1967, nhà thơ Trần Vàng Sao viết “Bài thơ của một người yêu nước mình”, trong đó đoạn kết vang lên đầy nhức nhối:


“… Đất nước này còn chua xót 
Nên trông ngày thống nhất 
Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam 
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc 
Lòng vui hôm nay không thấy chật 
Tôi yêu đất nước này chân thật 
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi…”.

50 năm đã qua. Bây giờ, bên này vẫn có những người gọi bên kia là “Bắc Kỳ”, và nói rộng ra trên toàn xã hội, người ta vẫn phải cảnh giác với nhau. Không thể tin nhau. Không thể ra đường mà không bảo quản chặt túi xách. Không thể đi bệnh viện mà không có tiền. Không thể cho người ngoài đến nhà ngủ, “gớm, họ hàng ruột thịt còn chả tin được nhau nữa là”.

Nhưng tôi vẫn tin tất cả những điều đó sẽ thay đổi.

Và, bạn có tin không, từ ngày trở về Việt Nam (đầu năm 2015), tôi đã ở một số lượng nhà nhiều hơn tổng số tất cả các nhà tôi từng trú ngụ từ khi sinh ra, và đều là ở nhờ. 


Wednesday, 4 October 2017

Nếu có yêu tôi...

… Thì xin hãy đọc cuốn sách này, “Chính trị bình dân”.

Ngay từ khi mới tham gia phong trào dân chủ, tôi đã có mong mỏi là phải làm sao để xóa bỏ được sự thiếu hụt kiến thức của mình, phải làm sao hiểu được chính trị học căn bản. Sau khi may mắn nắm được một số kiến thức sơ đẳng, tôi lại cảm thấy bị thôi thúc phải chia sẻ chúng với mọi người, nhất là những người trẻ tham gia hoạt động xã hội, đấu tranh vì dân chủ-nhân quyền cho Việt Nam. Họ mới chính là tài sản quý nhất của đất nước; tương lai Việt Nam nằm trong tay họ.

Với tất cả những niềm mong mỏi, tôi viết cuốn sách “Chính trị bình dân”, 502 trang này. Đây không phải là một công trình nghiên cứu mang tính chất hàn lâm, học thuật, cũng không phải một tác phẩm nghệ thuật với những sáng tạo và thử nghiệm. Tôi cố gắng để nó là một cuốn sách nhập môn, đem lại cho bạn đọc những kiến thức cực kỳ căn bản về chính trị (tất nhiên là cũng xen kẽ một vài kiến thức sâu hơn mức căn bản). Quan trọng hơn, tôi cố gắng để làm cho nó dễ hiểu và thú vị nhất, để góp phần đánh tan cái định kiến tai hại “chính trị là xấu xa, thủ đoạn” ở bạn đọc Việt Nam.

Nếu có gì phải nói thêm về hoàn cảnh ra đời cuốn sách thì, tôi đã viết nó trong những ngày bị canh chặt ở Hà Nội, đến mức không thể đi đâu, làm gì được, và luôn cảm thấy khó thở - nghĩa đen. Có những ngày trước cửa nhà tôi luôn đầy những thanh niên bịt mặt đứng, ngồi vạ vật, ánh mắt nhìn tôi không chút thân thiện. Ở một nơi khác, sếp của họ, ngồi phòng lạnh, đang chỉ đạo họ theo dõi “đối tượng” chặt chẽ, nghiên cứu thói quen, lịch làm việc hàng ngày, đường đi lối lại vào nhà và cách bài trí đồ đạc trong nhà…

Đã có những ngày mà, nếu không có cây đàn guitar luôn đặt ở bên, có lẽ tôi đã phát điên, ít nhất cũng stress nặng.

Tuy nhiên, với tôi, tất cả những cái đó không quan trọng; điều quan trọng là càng có nhiều người đọc cuốn sách càng tốt.

Vì vậy, NẾU CÓ YÊU TÔI, XIN BẠN HÃY ĐỌC CUỐN SÁCH NÀY.

Các bạn có thể mua sách qua Amazon (mức giá là do Amazon đặt, tôi biết là khá cao), hoặc liên hệ trực tiếp với tác giả.

Nếu bạn là sinh viên, tôi sẽ rất vui được tặng sách cho bạn.

Nếu có anh công an, an ninh nào hỏi bạn về cuốn sách, hãy nói với họ rằng đó là sách do tôi viết, và tôi sẵn sàng trao đổi với họ trên tư cách tác giả với độc giả. Tác giả không sợ thì các bạn chẳng có gì phải ngại cả.

Cảm ơn các bạn nhiều.


"Chính trị bình dân" 
Sách nhập môn về chính trị học
502 trang, khổ 23x15cm
NXB Giấy Vụn & Green Trees
Công bố ngày 22/9/2017

Mục lục:

Lời nói đầu của tác giả
Lời cảm ơn của tác giả
Hướng dẫn sử dụng sách
Phần I: Chính trị là gì?
·         Chương I: Định nghĩa chính trị
·         Chương II: Hoạt động chính trị
·         Chương III: Về môn học “Khoa học chính trị”
Phần II: Chính quyền và nhà nước
·         Chương I: Định nghĩa chính quyền
·         Chương II: Tính chính danh
·         Chương III: Nhà nước
Phần III: Dân chủ
·         Chương I: Định nghĩa dân chủ
·         Chương II: Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện
·         Chương III: Về tính đại diện
·         Chương IV: Lợi ích và mặt trái của dân chủ
Phần IV: Các chủ nghĩa
·         Chương I: Thế nào là một chủ nghĩa?
·         Chương II: Chủ nghĩa tự do
·         Chương III: Chủ nghĩa bảo tồn (bảo thủ)
o   Chủ nghĩa thực dụng
·         Chương IV: Chủ nghĩa xã hội và dân chủ xã hội
o   Chủ nghĩa xét lại
o   Dân chủ xã hội
·         Chương V: Một số chủ nghĩa khác
o   Chủ nghĩa phát xít
o   Chủ nghĩa vô chính phủ
o   Chủ nghĩa môi trường
o   Tôn giáo thuần túy
o   Chủ nghĩa cộng đồng
o   Chủ nghĩa nữ quyền
o   Chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước
·         Ý thức hệ có cần thiết không?
Phần V: Tương tác chính trị
·         Chương I: Thay đổi xã hội:
o   Cách mạng và chuyển hóa
·         Chương II: Làm truyền thông: công luận, truyền thông chính trị, và tuyên truyền
·         Chương III: Đảng và hệ thống đảng
·         Chương IV: Bầu cử
·         Chương V: Tổ chức và nhóm lợi ích
o   Tổ chức phi chính phủ
·         Chương VI: Xã hội dân sự
·         Chương VII: Phong trào xã hội
Phần VI: Bộ máy nhà nước
·         Chương I: Hiến pháp và pháp luật
·         Chương II: Lập pháp
o   Chức năng của quốc hội
o   Lưỡng viện và một viện
o   Tiến trình lập pháp
·         Chương III: Hành pháp
o   Nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ
·         Chương IV: Tư pháp
·         Chương V: Chế độ tổng thống và chế độ đại nghị
·         Chương VI: Bộ máy hành chính
·         Chương VII: Hệ thống chính trị CHXHCN Việt Nam
·         Chương VIII: Quân đội và công an
Phụ lục
Tài liệu tham khảo
Từ điển thuật ngữ
Đề mục tra cứu
Executive summary
Về tác giả - About the author


Mua sách giấy, bản in đẹp... và thơm, tại:


Mua sách điện tử (e-book) tại: