Saturday, 20 January 2018

Vụ án Hoàng Bình - Nam Phong phơi bày một nhà nước làm gì cũng… bí mật

Ngày 25/1 tới đây, Tòa án Nhân dân huyện Diễn Châu (Nghệ An) sẽ xét xử hai anh Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong với tội danh “chống người thi hành công vụ” trong một cuộc tuần hành của người dân Quỳnh Lưu hồi tháng 2 năm ngoái. Điều đáng nói là hàng trăm nhân chứng có mặt trong cuộc tuần hành đều chưa từng “được” công an hỏi đến trong quá trình điều tra. Một trong các nhân vật chính của sự kiện – linh mục J.B. Nguyễn Đình Thục – đã cố gắng lên tiếng rất nhiều về vụ việc này để làm rõ mọi khuất tất. 

Bản thân linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), cũng là một nhân chứng quan trọng bởi ông là người tổ chức cuộc tuần hành ngày 14/2/2017 của dân Quỳnh Lưu (đi bộ đến Tòa án Nhân dân huyện Kỳ Anh để nộp đơn kiện Formosa). Ông cũng là chủ sở hữu chiếc xe ô-tô mà anh Nguyễn Nam Phong cầm lái và Hoàng Đức Bình ngồi bên trong, và bị công an Nghệ An cẩu đi trong cuộc tuần hành hôm đó.

Linh mục Nguyễn Đình Thục có gửi đơn đề nghị được làm nhân chứng dự phiên tòa ngày 25/1 tới, song ông không nhận được phản hồi nào. 

Người lái xe của ông – anh Nguyễn Nam Phong, sinh năm 1980 – bị bắt hôm 27/11 vừa qua với cáo buộc ban đầu là vì tội “mua dâm”. Ngay sau đó, những trang web đen của dư luận viên đã đăng tải hàng loạt bài viết sỉ nhục cả linh mục Thục lẫn anh Phong. Tuy nhiên, sang ngày 29/11, phía công an đã “chuyển đổi tội danh” của anh Phong sang “chống người thi hành công vụ” và không nhắc gì tới chuyện “bắt vì mua dâm” nữa.

Cáí bẫy và cáo buộc “mua dâm” 

- Đầu tiên, xin linh mục làm rõ những thông tin xoay quanh việc công an Nghệ An bắt anh Nguyễn Nam Phong (sinh năm 1980), là người lái xe của linh mục, vào ngày 27/11/2017? 

- Buổi tối ngày 27/11/2017, vào khoảng chừng 19h, anh Phong đi chơi với mấy người bạn, trong đó có một người quen cũ tên là Tâm, làm nghề sửa chữa và buôn bán xe máy. Theo anh Phong kể trước đó với tôi, thời gian gần đây anh Tâm tỏ ra rất thân thiết, nhiều lần rủ anh Phong đi chơi uống rượu mà anh Phong đều chối. Lần này không biết làm sao mà anh Phong lại đồng ý. Tính Phong hay nể bạn bè, thành ra rủ nhiều lần thì anh ấy nhận lời. 

Hôm đó họ đi uống rượu, cho đến đêm khuya vợ anh Phong là chị Yến gọi điện thì Phong không bắt máy. Sau đó, điện thoại tắt nguồn. Chị Yến rất lo lắng vì anh Phong không khi nào đi như thế. Nếu có việc đột xuất, cần thiết phải đi qua đêm, thì anh ấy luôn gọi điện về nhà. 

Sáng hôm sau, tức là ngày 28/11/2017, vào khoảng 9h sáng, chị Yến nhận được thông báo từ cơ quan cảnh sát hình sự tỉnh Nghệ An là anh Phong bị bắt tối qua ở xã Diễn Hải (huyện Diễn Châu) vì tội mua dâm. Chị Yến không tin, và khi chị ấy kể lại với tôi thì tôi cũng không tin. Anh Phong phục vụ cộng đoàn giáo xứ với tư cách một vị trong ban thánh giáo và cũng là người thân cận, hay giúp tôi trong nhiều công việc. Tôi biết rõ tính anh Phong, đó là một người rất chính trực, đúng đắn.

Đúng như suy đoán của chúng tôi, ngày hôm sau nữa, 29/11, vào chừng 3h chiều gì đó, bên cảnh sát điều tra gửi về một giấy khác, nói rằng anh Phong bị bắt vì tội chống người thi hành công vụ. Tức là ngày 28 thì thông báo bắt vì tội mua dâm, ngày 29 thì bảo bị bắt vì chống người thi hành công vụ. 

- Thông thường, trong các án giết người, điều đầu tiên ta phải nghĩ đến là nạn nhân có kẻ thù nào không. Trong vụ án “chống người thi hành công vụ” này, theo linh mục, anh Nguyễn Nam Phong có làm điều gì khiến chính quyền căm ghét không?

- Tôi sống với anh Phong đã lâu và tôi thấy anh ấy tốt lắm. Ai đã gặp anh Phong một lần thì sẽ quý mến anh ấy lắm, vì sự nhiệt tình, khiêm tốn của anh ấy. Anh Phong rất chính trực, quảng đại, luôn mong muốn điều tốt và hy sinh cho người khác. Cái mà chính quyền ghét – có thể họ ghét hay đơn giản là khó chịu về anh Phong – chính là việc anh ấy đã giúp đỡ tôi, nhất là việc anh ấy lái chiếc xe của tôi mang biển số 37A-27724 để chở Hoàng Đức Bình, hai nữ tu và một số bà con đi kiện Formosa ngày 14/2/2017. 

Linh mục J. B. Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc.

Khi “người thi hành công vụ” tấn công dân

- Kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Nghệ An và cáo trạng của Tòa án Nhân dân huyện Diễn Châu cáo buộc anh Phong không chịu mở cửa xe theo lệnh của họ trong sự kiện hôm 14/2. Vào thời điểm diễn ra cuộc xô xát đó, linh mục có đứng gần xe không và có chứng kiến hai bên đôi co không?

- Hôm đó, một số đông bà con đi bộ nên tôi không đành lòng ngồi xe mà tôi xuống đi bộ cùng bà con. Công an chặn chúng tôi lại và yêu cầu những người đi xe máy phải chạy vào một bãi đất trống. Tôi thấy chiếc xe của tôi chạy phía trước, cách tôi chừng khoảng 100m, rồi dừng lại. Tôi thấy cảnh sát giao thông, công an sắc phục, thường phục, vây lấy xe. Sau đó, chính tôi cũng bị đánh. Phía chính quyền gây ra một cuộc hỗn loạn, và họ đàn áp, đánh đập người dân rất tàn ác, nên tôi không để ý đến chiếc xe nữa. Về sau thì tôi được biết là xe đã bị cẩu đến một nơi nào đó mà người trong xe cũng không xác định được vị trí. 

- Họ đánh linh mục như thế nào? 

- Khi đó tôi đi trong đoàn. Một số bà con đi trước tôi. Khi tôi đi đến đoạn ở gần trạm 5 thì công an đã dẹp bà con thành cả một đoàn đứng ở đó. Tôi thấy ông Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, rồi thấy anh Sửu bên an ninh tôn giáo bước đến, giới thiệu tôi với ông Cầu. Tôi chào hỏi và giơ tay bắt tay ông Cầu, rất vui vẻ. Đang nói chuyện ôn hòa với nhau như thế thì bỗng có một đám đông lao vào tấn công tôi ngay trước mặt ông Cầu. Tôi nghĩ ý đồ của họ là bắt tôi, bởi vì họ rất thô bạo, ôm ngang tôi để đưa đi. Một số người đi cùng thấy tôi bị bắt như thế thì họ ôm tôi lại. Hai bên giằng co, thành ra tôi bị xây xước một số chỗ và chảy máu miệng. 

Điều tôi thấy khó hiểu và bất bình là tôi đứng ngay trước mặt ông giám đốc công an tỉnh Nghệ An. Chức năng của công an là bảo vệ người dân, mà hơn thế nữa tôi là một chức sắc tôn giáo, là người dẫn đoàn đi, nhưng ông ta chẳng làm gì cả. Chắc cũng phải có sự chỉ đạo của ông Cầu thì người ta mới thô bạo với tôi như thế, chứ không thể nào mà trước mặt công an, tự nhiên người ta tấn công một vị linh mục.

- Trong kết luận điều tra và cáo trạng, công an cho rằng anh Hoàng Bình đã nhắc anh Nam Phong đừng mở cửa xe, và vì thế anh Phong mắc tội “chống người thi hành công vụ”. Linh mục nghĩ sao về lập luận buộc tội này?

- Tôi có căn dặn anh Phong là anh phải bảo đảm an toàn cho người trên xe. Thành ra anh Phong mới không mở cửa. 

Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là không thể kết tội anh ấy chống người thi hành công vụ được. Vì thứ nhất là xe đang lưu thông đúng luật, sao lại chặn lại? Thứ hai là khi họ chặn xe lại thì cả một đám đông cả công an sắc phục và thường phục vây quanh xe, và có những hành vi rất thô bạo như giật cửa xe, đấm vào xe, bẻ gạt nước. Trong hoàn cảnh đó, tài xế nào có lương tâm, trách nhiệm thì không thể mở cửa xe, vì mở là đặt những người trong xe vào tình thế rất nguy hiểm. Dù tôi có dặn hay không thì cũng vậy.

Hình ảnh một số giáo dân 
bị đánh đập trong ngày 14/2.
Nói rằng nếu mở cửa xe, những người trong xe sẽ bị tấn công, thì không phải là chuyện chúng tôi suy đoán mà thực tế là như thế. Bởi vì cách xe chừng khoảng 100 mét, bà con còn đang bị tấn công bởi chính cảnh sát cơ động và công an thường phục kia mà. Chúng tôi bị tấn công rất tàn ác. Hàng trăm người bị đánh. Gần ba chục người phải đi cấp cứu tại bệnh viện hay trung tâm y tế.

Họ đánh bằng dùi cui, gậy gộc, đấm đá, trong khi chúng tôi rất ôn hòa. Chúng tôi ngồi xuống đọc kinh mà họ còn ném pháo nổ ở sát nơi chúng tôi ngồi. Nhiều người sợ quá không chịu được, bỏ chạy và thế là bị đánh đập rất tàn ác. 

Chúng tôi nghĩ anh Phong không mở cửa xe là việc làm rất đúng lương tâm và đầy tình người. Thêm nữa, nếu bảo anh ấy chống người thi hành công vụ thì anh ấy chống sao được? Clip quay trực tiếp cho thấy ngay chiếc xe của họ còn bị cẩu về đồn, anh Hoàng Bình, anh Phong, mọi người đều ở yên trong xe, đọc kinh cầu nguyện, thì họ chống cách nào?

Một chính quyền làm gì cũng... bí mật

- Từ hôm sự kiện đó diễn ra (14/2/2017) cho tới ngày anh Nam Phong bị bắt (27/11/2017), đã có bao giờ cơ quan chức năng làm việc với linh mục về vụ việc chưa? Đã khởi tố vụ án nào chưa?

- Không. Không hề. Bên chính quyền không nói gì cả. Tôi đã viết bản tường trình và đơn tố cáo gửi rất nhiều cơ quan của tỉnh Nghệ An cũng như Trung ương về những gì hành động bạo lực của họ đã gây ra cho chúng tôi, nhưng cả bên công an lẫn chính quyền đều chẳng nói năng gì. Họ cũng chưa bao giờ khởi tố vụ án nào cả. Hôm anh Phong bị bắt, ban đầu thì họ thông báo là bắt vì tội mua dâm, hôm sau thì bảo là chống người thi hành công vụ, mà cũng chẳng nói là trong vụ việc nào. Cuối cùng hóa ra là khởi tố chung vụ với anh Hoàng Bình. 

- Linh mục có nghi ngờ rằng toàn bộ vụ việc này thực chất là nhằm vào chính ông không?

- Tôi ngờ như vậy. Hoàng Bình cũng như Nam Phong đã rất tận tình giúp tôi trong công cuộc đấu tranh bảo vệ nạn nhân vụ Formosa, ví dụ giúp tôi kê khai thiệt hại, viết đơn yêu cầu bồi thường... Họ bắt hai người này thì chắc đối tượng họ muốn đánh chính là tôi.

Tôi cũng đã bị đe dọa nhiều lần. Nhiều số điện thoại lạ gọi đến hoặc nhắn tin vào máy tôi, đe dọa, chửi bới, “mày liệu hồn”, “mày sẽ bị đánh”, “mày mà không dừng lại thì sẽ bị thế này, thế kia…”. Trên mạng cũng có rất nhiều bài viết chửi rủa tôi. 

Có những người trong chính quyền gặp và bảo tôi thôi đi, đừng làm gì nữa. Họ nói “việc này chúng tôi biết cả, ông Giám đốc Công an tỉnh cũng đã nói trước Quốc hội về những thiệt hại Formosa gây ra cho chúng ta và cũng đã yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nhưng mà ngoài đó Trung ương người ta chưa có quyết định gì thì trong này mình cũng không làm gì được”. 

Họ nói vậy là rất vô trách nhiệm. Lẽ ra, nếu lo cho người dân ở địa phương này thì khi thấy thiệt hại của dân như thế, đề xuất một lần không được thì họ phải đề xuất nhiều lần để chính phủ phải quan tâm bồi thường cho dân chứ? Đằng này, họ bảo “chúng tôi đã đề xuất và chính phủ không xem xét”, thế là thôi. Đâu thể như vậy được? Nếu vậy thì thiệt hại của dân sẽ được xử lý như thế nào đây?

Saturday, 13 January 2018

Thời mạt nghệ

Năm xưa khi xa Việt Nam (ngày này 5 năm về trước), một trong những điều tôi nhớ nhất là… tòa soạn và những ngày tháng bên cạnh đồng nghiệp báo Pháp luật TP.HCM. Mà một trong những điều tôi nhớ nhất ở tòa soạn là những buổi chiều trên căn gác nhỏ đó và tiếng gõ bàn phím lách cách của mọi người.

Ít ai biết rằng tiếng bàn phím đã trở thành một thứ âm thanh ám ảnh tôi từ những ngày đầu đi làm báo. Có những chiều tôi trùm chăn nằm ngủ dưới gầm bàn, trên ghế, bạn đồng nghiệp vẫn lặng lẽ, lách cách gõ máy. Liên tục tiếng “chát, chát” của phím space bar, xen với tiếng rì rầm nhẩm lại bài. Đôi khi tôi như nhìn thấy đôi lông mày của bạn chau lại, nhíu nhíu khi tìm cách diễn đạt một ý nào đó. Đôi khi tôi cảm thấy cả tiếng thở dài của một bạn nào đó, khi mà “tin còi quá, bài chán quá, chẳng có gì viết”.

Ít ai biết rằng những khi ấy, dù nhắm mắt lơ mơ ngủ, trong đầu tôi vẫn thoáng có ý nghĩ: “Không lẽ chúng ta sẽ sống thế này mãi sao?”.

Thử hình dung bạn là một phóng viên trẻ mới tốt nghiệp ngành báo chí. Bạn đã “thoát ly” gia đình và quê nhà từ thời sinh viên thì bây giờ bạn lại càng phải cố để bám trụ lại Hà Nội và Sài Gòn, không về tỉnh. Bạn sẽ ở nơi thành phố lớn đó, thuê lấy căn phòng trọ con con mà để “ở được” cũng phải 2-3 triệu đồng/tháng. Bạn gom góp nhuận bút từng cái tin còi, bài còi, và không quên… gom phong bì mỗi lần hội thảo, hội nghị, công ty nọ tổ chức sự kiện kia.

Trưa, bạn vạ vật cơm hàng cháo chợ. Chập tối, nếu là đàn ông con trai, bạn thường đi nhậu. Nhậu lè phè suốt từ 5-6h chiều đến 11-12h đêm. Bạn ngậm hột thị, cắm mặt vào ly bia, hoặc nếu có mở miệng thì cũng toàn lè nhè những chuyện cũ rích ấy, những “ưu thời mẫn thế” mà người bình thường “không hiểu được đâu”.

Khuya, bạn ngà ngà về nhà, ngủ. Sáng lại dậy lên tòa soạn điểm danh, hop giao ban, rồi liên hệ phỏng vấn làm cái tin còi, bài còi, đi nhặt phong bì sự kiện. Trưa, lại cơm hàng cháo chợ…


Bãi đất trước kia là toà soạn báo Đà Nẵng, hình chụp sáng 13/01/2018. 
Ảnh: Trung Bảo

Bạn sẽ sống như thế đến bao giờ? Khi nào thì bạn lấy vợ/chồng, đẻ con, nuôi con học trường quốc tế cho bằng bạn bằng bè? Khi nào thì bạn hết kiếp ở nhà thuê, có một căn hộ riêng để khỏi chịu cái cảnh cứ vài tuần là con mụ chủ nhà lại gườm gườm “thay đổi thái độ” (thật ra mụ ấy thay đổi suốt ấy mà, quân đồng bóng!).

* * *

Cuộc sống và sự nghiệp của một nhà báo Việt Nam điển hình là như thế đấy, nếu họ không năng động.

Không năng động, nghĩa là không biết cách tạo sự kiện; không biết xào nấu một vụ thành nhiều tin bài, bán cho nhiều báo; không biết cách chèo kéo quảng cáo của doanh nghiệp; không biết vặn cổ doanh nghiệp xin ủng hộ; không biết tận dụng quan hệ để mua lấy vài suất đất rẻ; không biết làm PR cho tổ chức, công ty, mà nhất là không biết làm PR cho cán bộ, quan chức.

Còn nhà báo lớn ở Việt Nam, nghĩa là phải biết làm chính trị. Phải biết nuôi dưỡng quan hệ, chọn đúng phe, trở cờ đúng lúc. Nhưng nói chung việc ấy ngoài tầm của tất cả các phóng viên trẻ - kể cả đứa nuôi mộng làm nghề lẫn đứa nuôi mộng làm giàu.

Đến cái thời mà nhuận bút trả cho những tin còi được tính theo đơn vị “nghìn đồng” (10.000-20.000 đồng/tin), và tiêu chí chấm nhuận bút là “lượng view trên trang điện tử”, thì tôi hiểu rằng nghề báo ở Việt Nam mạt thật rồi.

Bảo sao các phóng viên không điên cuồng giật tít “bố chồng dính con dâu trong nhà tắm”? Bảo sao họ không lên đồng cùng những “bí thư Thăng”, “Đoàn Ngọc Hải”, bởi mỗi “bước chân anh xuống phố”, “mỗi lời anh thốt ra”, là một lần hứa hẹn lượng view, lượng like tăng tới con số hàng nghìn? Đâu dễ kiếm ra những nhân vật báo chí hot đến từng sợi lông chân như thế?

Chính xác, trung thực, công bằng, tôn trọng quyền con người… tất cả những chuẩn mực ấy của nghề báo đều trở thành nhảm nhí trong cái gọi là nền “truyền thông” thời mạt ngày nay.

Còn tự do báo chí ư? Lố bịch. Nhà báo Việt Nam cần đ. gì cái của nợ ấy?

Tự nhiên tôi nhớ đến âm thanh lách cách của tiếng gõ bàn phím ngày nào.

Nhưng tôi cũng chẳng buồn khóc.

Monday, 8 January 2018

Từ đổ keo ổ khóa đến ném chuột chết vào nhà “đối tượng” – “sự tầm thường của cái ác”

Có một lần nhà mình bị anh em an ninh bố trí đổ keo dán sắt vào ổ khóa. Mình bị nhốt trong nhà, may có cậu bạn Lee Nguyễn chạy qua dùng đục, búa đập tung cả bản lề cửa, mới thoát được. Nhân đây xin cảm ơn Lee Nguyen lần nữa.

Tuy nhiên, cả buổi chiều và tối hôm ấy mình cứ cười khùng khục mãi. Vì mình hình dung một chuyện như thế này: Giả sử mình làm “lính” ở một tổ chức nào đó, ví dụ một đơn vị công an, một công ty hay tòa soạn báo. Nếu sếp sai mình:

- Hôm nay mày đổ keo vào khóa nhà cái con lùn lùn mập mập ở Hào Nam kia nhé.

Thì phản ứng tối thiểu của một con người bình thường – như mình – sẽ là phải thắc mắc, hỏi lại: “Sao thế ạ? Con mụ ấy làm gì sếp à?”. Sau khi có câu trả lời rồi thì mình sẽ cân nhắc, suy nghĩ thêm (một tí thôi cũng được), là mình có cần phải làm thế không, có nên làm thế không, sao lại phải đi đổ keo vào nhà một con mụ mình chẳng biết là ai, chẳng liên quan gì, chẳng có thù oán gì với mình, sao không dùng luật pháp mà xử nó, lại phải đổ keo vào khóa nhà nó? v.v.

Nhưng đằng này, các chú lính không hỏi gì mà ton ton đi mua keo, ton ton leo năm tầng gác lên phòng số 504 nhà tập thể Hào Nam, đổ keo vào ổ khóa nhà con mụ nọ, rồi ton ton cắp đít ra về, báo cáo xong nhiệm vụ.

Nghĩ đến chuyện ấy, mình thấy rất là hề. Bảo sao mình cứ hay xem chiêu bài “bảo vệ an ninh quốc gia” của anh em an ninh là trò hề, mà lại là trò hề mang tính chất phá hoại nữa chứ, tàn phá bao nhiêu nguồn lực của đất nước.


Ảnh không rõ nguồn.
Mình cũng có thắc mắc tương tự, khi các chú “lính” thuộc mấy ngành an ninh, cảnh sát, dân phòng đánh chảy máu đầu những người được gắn nhãn “đối tượng chống phá, gây rối” (kể cả người già, phụ nữ, trẻ em), ném chuột chết, mắm tôm hay phân trộn nhớt vào nhà họ, đối xử với họ như kẻ thù không đội trời chung… Cái đó thì không gọi là trò hề nữa rồi. Lý do các đồng chí ấy làm thế là “vì nhiệm vụ”, “vì lệnh trên”. Vậy khi nhận những lệnh ấy, làm những nhiệm vụ ấy, các đồng chí ta không nghĩ ngợi gì à? Không mảy may?

Vì sao chúng ác đến vậy? Đây là câu trả lời

Thật ra có thể tìm thấy câu trả lời trong lý thuyết của nữ triết gia chính trị nổi tiếng người Mỹ gốc Đức Hannah Arendt.

Bà giải thích rằng “chế độ độc tài toàn trị hoạt động bằng cách bào mòn và phá hủy những tiêu chuẩn đạo đức và tiêu chuẩn chính trị xã hội vốn có trong tiềm thức của mỗi cá nhân”.

“Mỗi cá nhân trong chúng ta đều có một tiêu chuẩn đạo đức, tiêu chuẩn xã hội riêng biệt được sử dụng để giúp chúng ta có quan điểm cá nhân về những vấn đề xã hội. Lấy ví dụ, trong xã hội văn minh hiện đại của chúng ta, sẽ chẳng có con người tỉnh táo nào chấp nhận hành vi giết người vô nhân tính. Nhưng một khi đã bị bịt mắt bởi lý tưởng, con người đơn giản sẽ trở thành một con rối cho lý tưởng, và họ sẽ răm rắp thực hiện mệnh lệnh của chế độ độc tài.

Đáng sợ hơn nữa, những con người bị bịt mắt bởi lý tưởng đó vẫn sẽ luôn cho rằng suy nghĩ và hành động của bản thân mình là hoàn toàn tự do, hoàn toàn đúng đắn; và sự lệch lạc trong suy nghĩ đó có thể khiến họ thực hiện những hành vi tội ác man rợ một cách hoàn toàn tự nguyện và không mảy may suy nghĩ”. (trích bài “Cơn sốt Hannah Arendt và cội nguồn của chủ nghĩa độc tài toàn trị”, Thanh Hiếu/ Luật Khoa Tạp chí, 6/1/2018).

Mẹ con chị Hoàng Mỹ Uyên
 bị công an đánh khi đi biểu tình, 
ngày 8/5/2016. Ảnh: Nickie Tran.
Có vẻ như cái ác mang một bộ mặt rất tầm thường; hay nói đúng hơn, suy nghĩ của những kẻ làm điều ác đều rất đơn giản.

Hannah Arendt từng dự phiên tòa xét xử một tên “đồ tể” dưới thời phát xít Đức - Adolf Eichmann, kẻ gây ra cái chết cho hơn 500.000 người Do Thái. Trước tòa, y hoàn toàn tin rằng mình vô tội, bởi vì mình chỉ thực hiện mệnh lệnh của cấp trên – tức là đang làm nhiệm vụ “trên” giao như cách nói ta thường thấy ở lính tráng trong các ngành công an và quân đội Việt Nam.

“Suy nghĩ của Eichmann đơn giản chỉ là, ông ta phải thực hiện những gì cấp trên yêu cầu ông ta làm; và bởi xã hội Đức chấp nhận những việc ông ta làm, vì thế ông ta không thấy có gì sai trái về mặt đạo đức.

Những giá trị mà Eichmann có là những giá trị mà Đức Quốc Xã nhồi nhét vào đầu ông ta. Nó bóp méo tư tưởng của ông ta tới mức khiến ông ta có thể thực hiện những tội ác vượt xa sức tưởng tượng của một người bình thường” (trích “Cơn sốt Hannah Arendt và cội nguồn của chủ nghĩa độc tài toàn trị”, Thanh Hiếu/ Luật Khoa Tạp chí).

* * *

Còn mình thì suy nghĩ đơn giản hơn thế nữa. Mình tin chắc một điều rằng: Khi kẻ làm điều ác biết rõ hắn sẽ không phải chịu bất cứ một trách nhiệm gì, thậm chí nếu làm được việc lại còn có thể được tưởng thưởng, thì hắn chẳng có bất cứ lý do gì để chùn tay.