Monday, 8 January 2018

Từ đổ keo ổ khóa đến ném chuột chết vào nhà “đối tượng” – “sự tầm thường của cái ác”

Có một lần nhà mình bị anh em an ninh bố trí đổ keo dán sắt vào ổ khóa. Mình bị nhốt trong nhà, may có cậu bạn Lee Nguyễn chạy qua dùng đục, búa đập tung cả bản lề cửa, mới thoát được. Nhân đây xin cảm ơn Lee Nguyen lần nữa.

Tuy nhiên, cả buổi chiều và tối hôm ấy mình cứ cười khùng khục mãi. Vì mình hình dung một chuyện như thế này: Giả sử mình làm “lính” ở một tổ chức nào đó, ví dụ một đơn vị công an, một công ty hay tòa soạn báo. Nếu sếp sai mình:

- Hôm nay mày đổ keo vào khóa nhà cái con lùn lùn mập mập ở Hào Nam kia nhé.

Thì phản ứng tối thiểu của một con người bình thường – như mình – sẽ là phải thắc mắc, hỏi lại: “Sao thế ạ? Con mụ ấy làm gì sếp à?”. Sau khi có câu trả lời rồi thì mình sẽ cân nhắc, suy nghĩ thêm (một tí thôi cũng được), là mình có cần phải làm thế không, có nên làm thế không, sao lại phải đi đổ keo vào nhà một con mụ mình chẳng biết là ai, chẳng liên quan gì, chẳng có thù oán gì với mình, sao không dùng luật pháp mà xử nó, lại phải đổ keo vào khóa nhà nó? v.v.

Nhưng đằng này, các chú lính không hỏi gì mà ton ton đi mua keo, ton ton leo năm tầng gác lên phòng số 504 nhà tập thể Hào Nam, đổ keo vào ổ khóa nhà con mụ nọ, rồi ton ton cắp đít ra về, báo cáo xong nhiệm vụ.

Nghĩ đến chuyện ấy, mình thấy rất là hề. Bảo sao mình cứ hay xem chiêu bài “bảo vệ an ninh quốc gia” của anh em an ninh là trò hề, mà lại là trò hề mang tính chất phá hoại nữa chứ, tàn phá bao nhiêu nguồn lực của đất nước.


Ảnh không rõ nguồn.
Mình cũng có thắc mắc tương tự, khi các chú “lính” thuộc mấy ngành an ninh, cảnh sát, dân phòng đánh chảy máu đầu những người được gắn nhãn “đối tượng chống phá, gây rối” (kể cả người già, phụ nữ, trẻ em), ném chuột chết, mắm tôm hay phân trộn nhớt vào nhà họ, đối xử với họ như kẻ thù không đội trời chung… Cái đó thì không gọi là trò hề nữa rồi. Lý do các đồng chí ấy làm thế là “vì nhiệm vụ”, “vì lệnh trên”. Vậy khi nhận những lệnh ấy, làm những nhiệm vụ ấy, các đồng chí ta không nghĩ ngợi gì à? Không mảy may?

Vì sao chúng ác đến vậy? Đây là câu trả lời

Thật ra có thể tìm thấy câu trả lời trong lý thuyết của nữ triết gia chính trị nổi tiếng người Mỹ gốc Đức Hannah Arendt.

Bà giải thích rằng “chế độ độc tài toàn trị hoạt động bằng cách bào mòn và phá hủy những tiêu chuẩn đạo đức và tiêu chuẩn chính trị xã hội vốn có trong tiềm thức của mỗi cá nhân”.

“Mỗi cá nhân trong chúng ta đều có một tiêu chuẩn đạo đức, tiêu chuẩn xã hội riêng biệt được sử dụng để giúp chúng ta có quan điểm cá nhân về những vấn đề xã hội. Lấy ví dụ, trong xã hội văn minh hiện đại của chúng ta, sẽ chẳng có con người tỉnh táo nào chấp nhận hành vi giết người vô nhân tính. Nhưng một khi đã bị bịt mắt bởi lý tưởng, con người đơn giản sẽ trở thành một con rối cho lý tưởng, và họ sẽ răm rắp thực hiện mệnh lệnh của chế độ độc tài.

Đáng sợ hơn nữa, những con người bị bịt mắt bởi lý tưởng đó vẫn sẽ luôn cho rằng suy nghĩ và hành động của bản thân mình là hoàn toàn tự do, hoàn toàn đúng đắn; và sự lệch lạc trong suy nghĩ đó có thể khiến họ thực hiện những hành vi tội ác man rợ một cách hoàn toàn tự nguyện và không mảy may suy nghĩ”. (trích bài “Cơn sốt Hannah Arendt và cội nguồn của chủ nghĩa độc tài toàn trị”, Thanh Hiếu/ Luật Khoa Tạp chí, 6/1/2018).

Mẹ con chị Hoàng Mỹ Uyên
 bị công an đánh khi đi biểu tình, 
ngày 8/5/2016. Ảnh: Nickie Tran.
Có vẻ như cái ác mang một bộ mặt rất tầm thường; hay nói đúng hơn, suy nghĩ của những kẻ làm điều ác đều rất đơn giản.

Hannah Arendt từng dự phiên tòa xét xử một tên “đồ tể” dưới thời phát xít Đức - Adolf Eichmann, kẻ gây ra cái chết cho hơn 500.000 người Do Thái. Trước tòa, y hoàn toàn tin rằng mình vô tội, bởi vì mình chỉ thực hiện mệnh lệnh của cấp trên – tức là đang làm nhiệm vụ “trên” giao như cách nói ta thường thấy ở lính tráng trong các ngành công an và quân đội Việt Nam.

“Suy nghĩ của Eichmann đơn giản chỉ là, ông ta phải thực hiện những gì cấp trên yêu cầu ông ta làm; và bởi xã hội Đức chấp nhận những việc ông ta làm, vì thế ông ta không thấy có gì sai trái về mặt đạo đức.

Những giá trị mà Eichmann có là những giá trị mà Đức Quốc Xã nhồi nhét vào đầu ông ta. Nó bóp méo tư tưởng của ông ta tới mức khiến ông ta có thể thực hiện những tội ác vượt xa sức tưởng tượng của một người bình thường” (trích “Cơn sốt Hannah Arendt và cội nguồn của chủ nghĩa độc tài toàn trị”, Thanh Hiếu/ Luật Khoa Tạp chí).

* * *

Còn mình thì suy nghĩ đơn giản hơn thế nữa. Mình tin chắc một điều rằng: Khi kẻ làm điều ác biết rõ hắn sẽ không phải chịu bất cứ một trách nhiệm gì, thậm chí nếu làm được việc lại còn có thể được tưởng thưởng, thì hắn chẳng có bất cứ lý do gì để chùn tay.